Đài tiếng nói nước Nga đã có một cuộc phỏng vấn với nhà phân tích Rick Rozoff, người sáng lập website Stop NATO, về những bất ổn chính trị diễn ra dồn dập trong thời gian qua tại Ukraine. Dưới đây là nội dung tóm lược quan điểm của Rick Rozoff:
Không phải ngẫu nhiên mà những bất ổn chính trị gần đây liên tiếp đổ dồn về phía quốc gia thuộc Liên Xô cũ này. Sau khi nỗ lực gia nhập liên minh châu Âu EU vào cuối năm 2013 của Ukraine bất thành, quốc gia này bắt đầu rơi vào vòng xoáy bất ổn.
Cựu Tổng thống Viktor Yanukovych đã nghiêng về khả năng gia nhập liên minh thuế quan giữa Nga, Ukraine, Kazakhstan và Belarus. Trong khi đó, phe đối lập lại thiên về khả năng gia nhập EU. Nội bộ Ukraine bắt đầu trở nên bất ổn. Từ đó, họ dần bị kéo vào một “cái bẫy chính trị” mà mục đích nhắm tới chính là Moscow.
Trong khi đó NATO, liên minh quân sự lớn nhất thế giới, đang có những kế hoạch mở rộng quy mô của mình đạt mức độ chưa từng có từ trước đến nay. Chúng ta hãy nhìn vào những gì đang xảy ra ở Trung Phi, sự can thiệp quân sự của Pháp ở Mali được thực hiện dưới sự hậu thuẫn của Mỹ. Bộ tư lệnh quân đội và không quân Mỹ ở châu Phi trực tiếp tham gia công tác vận chuyển thiết bị quân sự cho quân đội Pháp.
Máy bay vận tải MV-22 Osprey của Mỹ đã xuất hiện ở Nam Sudan, Mỹ cũng đã tiếp tục củng cố sự hiện diện quân sự của mình ở Trung Phi, Nam Sudan, Congo và tiếp theo là ở Uganda. Đối với kế hoạch mở rộng về phía Đông của NATO, Ukraine có một vai trò rất quan trọng.
Xét về mặt địa lý, Ukraine án ngự biển Đen, cửa ngõ để tiến ra Địa Trung Hải. Một trở ngại rất lớn cho các kế hoạch của NATO là sự hiện diện của Hạm đội biển Đen Nga tại Sevastopol. Đối với Hải quân Nga, sự có mặt tại Sevastopol có ý nghĩa mang tầm chiến lược trong các kế hoạch đảm bảo an ninh quốc gia từ biển Đen xuyên suốt qua Địa Trung Hải.
Nhìn lại vấn đề Syria, chúng ta có thể thấy rằng, nếu chính quyền Tổng thống Assad bị lật đổ, Nga chắc chắn sẽ mất sự hiện diện của mình ở căn cứ Tartus. Đây là một căn cứ tiền tiêu của Hải quân Nga ở Địa Trung Hải mà nếu mất nó, Hạm đội biển Đen của Nga rất dễ bị rơi vào tình thế bị cô lập trong cái “ao làng” biển Đen.
Khi những kế hoạch với Syria không thành công, NATO đã chuyển hướng đến Ukraine, ngoại giao với EU là ưu tiên hàng đầu trong chính sách mới của Ukraine và đó chính là điểm yếu để NATO khai thác. Ukraine đã trở thành một quân cờ trong bàn cờ địa chính trị đã được NATO vạch sẵn.
Mục đích sâu xa của những bất ổn chính trị tại Ukraine không nằm ngoài việc loại bỏ sự hiện diện của Hải quân Nga ở Sevastopol, tiến đến việc cô lập Hải quân Nga ở biển Đen, loại bỏ sự hiện diện ở Địa Trung Hải. Nếu điều đó xảy ra sẽ là một tổn thất vô cùng lớn trong các kế hoạch chiến lược của Nga.
Tuy nhiên, bất ổn chính trị tại Ukraine cũng không hoàn toàn gây bất lợi, thậm chí còn là cơ hội để Moscow củng cố sự hiện diện của mình. Ben Farmer, phóng viên quốc phòng của Telegraph cho rằng, bất ổn chính trị tại Ukraine đã mang lại cho Nga cơ hội để củng cố căn cứ quân sự tại Sevastopol.
Crimea, một bán đảo nằm trên bờ biển phía Bắc của biển Đen, đây là một khu tự trị thuộc Ukraine. Trụ sở chính của Hạm đội biển Đen tại thành phố Sevastopol thuộc bán đảo Crimea. Khi căng thẳng chính trị tại Ukraine leo thang, các chính trị gia thân Nga của khu tự trị này đã tổ chức các cuộc biểu tình đòi độc lập khỏi Kiev.
Lilit Gevorgyan, một nhà phân tích cấp cao của IHS Jane’s nhận định “Nếu trở thành một phần của Nga, Crimea sẽ cung cấp một cảng nước sâu cho Hạm đội biển Đen”. Hiện tại, Moscow vẫn khá thận trọng với tình hình xung đột chính trị tại Ukraine.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Rick Rozoff