Mua tàu sân bay Ukraine thay vì Nga, TQ khôn ngoan hay khờ khạo?

Nhật Minh |

Theo chuyên gia Kashin, TQ đáng ra không nên mua tàu sân bay Varyag từ Ukraine, mà nên tìm tới Nga. Tuy nhiên, trang Sina cho rằng, Nga không hẳn là một lựa chọn có lợi với TQ.

Quyết định mua lại từ Ukraine tàu sân bay Varyag thời Liên Xô và tân trang con tàu để sử dụng đã làm chậm tốc độ tự phát triển tàu sân bay của Trung Quốc.

Đó là nhận định của chuyên gia Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (trụ sở tại Moscow).

Kashin cho rằng Trung Quốc đã lựa chọn Ukraine, một nước thuộc Liên Xô cũ, vì những mục đích chính trị và tư tưởng.

Do cả 2 quốc gia đều vận hành các hệ thống vũ khí Liên Xô nên Trung Quốc tin rằng hải quân nước này sẽ dễ làm quen với tàu sân bay Liên Xô hơn là với thiết kế từ phương Tây.

Tàu sân bay Varyag được kéo về Trung Quốc tháng 3/2002. Ảnh: Sinodefence

Tàu sân bay Varyag được kéo về Trung Quốc năm 2002. Ảnh: Sinodefence

Tuy nhiên, Kashin nhận định, Trung Quốc có thể đã có tàu sân bay đầu tiên sớm hơn nếu họ không mua Varyag.

Thậm chí, nước này đáng ra đã có những công nghệ cần thiết qua việc mua lại các tàu sân bay bị loại biên của phương Tây.

Kashin cho biết, Trung Quốc từng mua HMAS Melbourne, một tàu sân bay bị loại biên của Hải quân Hoàng gia Australia vào năm 1985.

Tuy nhiên, con tàu đã bị tháo dỡ lấy phế liệu, thay vì sử dụng để nghiên cứu.

Cũng theo Kashin, Bắc Kinh đã mất cơ hội thứ hai để có được công nghệ tàu sân bay từ phương Tây, khi Pháp quyết định bán tàu sân bay Foch bị loại biên cho Brazil vào năm 2000.

Tàu sân bay HMAS Melbourne. Ảnh: Wiki

Tàu sân bay HMAS Melbourne. Ảnh: Wiki

Kashin cho rằng, Trung Quốc nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga thay vì Ukraine nếu muốn có công nghệ của Liên Xô.

Theo Kashin, Viện thiết kế tàu Nevskoye tại St Petersburg đủ khả năng để thiết kế tàu sân bay thỏa mãn nhu cầu của Trung Quốc.

Trang mạng Sina Military Network (trụ sở tại Bắc Kinh) cũng thừa nhận rằng, Liêu Ninh (con tàu tân trang từ tàu Varyag và được đưa vào biên chế Hải quân Trung Quốc năm 2012) vẫn có hệ thống động lực không đáng tin cậy.

Tuy nhiên, Sina cho rằng, Trung Quốc sẽ gặp phải những vấn đề khác nếu chọn mua tàu sân bay từ Nga.

Thứ nhất, lựa chọn này sẽ tốn kém hơn so với thỏa thuận mua tàu sân bay Varyag từ Ukraine.

Thứ hai, chọn Nga đồng nghĩa với việc trong tương lai, Trung Quốc sẽ không thể xuất khẩu công nghệ và thiết bị của tàu sân bay nếu không được sự cho phép của Nga.

Vì vậy, theo Sina, mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức, mua tàu Varyag từ Ukraine vẫn phù hợp hơn với lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Thông qua việc tân trang và đưa tàu Liêu Ninh vào hoạt động, Trung Quốc đã có được kinh nghiệm cần thiết để thiết kế và chế tạo tàu sân bay thứ 2 (cũng là tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này).

Dự kiến, con tàu sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại