Ngày 15-8 cũng là ngày làm việc cuối cùng phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn cho biết về đơn vị được kiểm toán, dự thảo luật đã bổ sung cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp ngân sách. “Thuế là khoản thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, bộ phận quan trọng trong ngân sách nhà nước, tuy nhiên hiện nay KTNN chỉ kiểm toán công tác quản lý hoạt động thu ngân sách.
Vì vậy chưa đánh giá đầy đủ hoạt động thu ngân sách nhà nước, một số trường hợp các doanh nghiệp có số thuế lớn cần thiết phải được kiểm toán về nghĩa vụ nộp thuế” - ông Vạn nói.
Theo báo cáo của KTNN, một số ý kiến cho rằng đối tượng nộp thuế có số lượng lớn và do cơ quan thuế quản lý, KTNN không có đủ nguồn lực để kiểm toán đối với những đối tượng này. Tuy nhiên, dự thảo quy định như trên chỉ là điều kiện cho phép KTNN có thể kiểm toán tổ chức có nghĩa vụ nộp thuế.
Trong quá trình thực hiện, KTNN có kiểm toán đối với các đối tượng này không và số doanh nghiệp được kiểm toán hằng năm là bao nhiêu sẽ do KTNN quyết định tùy theo yêu cầu của xã hội và điều kiện thực tế của KTNN.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý chung quan điểm dự thảo luật cần có các quy định cụ thể hơn về kiểm toán đối với các hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
“Kể cả việc mua sắm vũ khí vì suy cho cùng cũng từ ngân sách, từ tiền đóng thuế của người dân. Do vậy cần phải kiểm toán đầy đủ, vấn đề là cân nhắc công khai đến đâu” - ông Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Quyền đề nghị trưng cầu ý dân
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Theo báo cáo từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong việc trưng cầu ý dân, dự thảo luật đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về các trường hợp Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân, các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ ít nhất là 35% lên 40%.
Nhắc đến trường hợp phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết trong nhiệm kỳ Quốc hội trước từng đề xuất thành lập ủy ban lâm thời (để điều tra vấn đề liên quan đến Vinashin - PV), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị trong dự thảo luật cần làm rõ các điều kiện để thành lập được một ủy ban lâm thời về vụ việc cụ thể nào đó.
Cũng từ một số ý kiến đề xuất Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề biển Đông trong kỳ họp đầu năm nay, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng dự thảo luật cần quy định các bước cụ thể khi nào thì Quốc hội ra tuyên bố, khi nào thì ra nghị quyết...
Ai kiểm toán lại kiểm toán?
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu một thực tế là đi nhiều nơi nghe phản ảnh chuyện khi kiểm toán “vào” thì đơn vị “sợ mà không sợ”. Sợ ở chỗ kiểm toán vào phát hiện nhiều vấn đề, nhưng lại làm sao đó để không còn sợ. “Phải xóa được chỗ này. Ai kiểm toán lại kiểm toán là câu hỏi đặt ra” - ông Phan Xuân Dũng nói.