Mua HQ-9 Trung Quốc, phòng không Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị NATO cô lập

Bảo An |

(Soha.vn) - Các chuyên gia quân sự nhận định việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều mẫu thuẫn với đồng minh NATO.

Các chuyên gia phân tích quốc phòng và nhà ngoại giao phương Tây nhận định rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng với một công ty Trung Quốc để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lừa và phòng không tầm xa, sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với các đồng minh phương Tây của Ankara, về cả chính trị và quân sự.

Ngày 26/9 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước đã ký hợp đồng mua hệ thống phòng không FD-2000 (phiên bản xuất khẩu của HQ-9) từ Tập đoàn Xuất nhập khẩu máy chính xác (CPMIEC) của Trung Quốc với trị giá ban đầu 4 tỷ USD. Để giành được hợp đồng này, CPMIEC đánh bại các nhà thầu lớn khác bao gồm Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ với hệ thống phòng không Patriot, Rosoboronexport của Nga với S-300 và châu Âu với hệ thống phòng không Aster 30.

Chương trình xây dựng hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm radar, hệ thống phóng và tên lửa đánh chặn. Hệ thống này được thiết lập để có thể chống lại cả tên lửa và máy bay chiến đấu của kẻ thù. Tuy nhiên, các quan chức của Ankara thừa nhận họ không biết có thể tích hợp giữa hệ thống thống phòng không đang xây dựng và các hệ thống phòng không của NATO đang đặt tại nước này hay không.

“Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng một hệ thống phòng không quốc gia không chỉ dựa trên sản phẩm của Trung Quốc, nhưng chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ của họ”, một quan chức giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ.

Tổ hợp FD-2000
Tổ hợp FD-2000

Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà phân tích quân sự nhận định khả năng tích hợp với các hệ thống phòng không của NATO là không thể. “NATO có những khả năng công nghệ để cô lập cấu trúc phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách từ chối cung cấp cho Ankara những dữ liệu cần thiết để tích hợp”, một quan chức quốc phòng phương Tây cho biết.

Trong khi đó, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Anh cho biết: “Các quốc gia thành viên của NATO sẽ từ chối bất cứ hợp tác nào với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tích hợp hệ thống phòng không Trung Quốc với các thiết bị của đồng minh triển khai tại nước này. Điều này sẽ khiến cấu trúc phòng không rơi vào thế cô lập.”

Để có thể chống lại những đe dọa từ tên lửa, Thổ Nhĩ Kỳ cần có vệ tinh, cùng radar phát hiện và theo dõi tên lửa đạn đạo giống như hệ thống radar của NATO được triển khai tại miền đông nam nước này vào năm ngoái. Đối với thiết bị chống máy bay, Ankara cần một hệ thống phòng không như Patriot của NATO hay hệ thống phòng không Trung Quốc. Nhưng hệ thống của Trung Quốc hoạt động độc lập không hiệu quả.

“Nếu tách hệ thống phòng không khỏi các thiết bị của NATO, hệ thống radar của của Thổ nhĩ Kỳ sẽ giảm một nửa hiệu quả”, một nhà phân tích quốc phòng nhận định. “Các thiết bị của NATO có tính bí mật cao và không thể được lặp đặt trên một hệ thống của Trung Quốc.”

Quyết định mua hệ thống phòng không Trung Quốc của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được coi là một thách thức với các nước đồng minh phương Tây.

“Đây rõ ràng là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới các đồng minh NATO ...rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể không còn là một đồng minh trung thành như họ đã từng thể hiện trước đây”, một đại sứ của châu Âu và NATO tại Ankara cho biết.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng quyết định ký hợp đồng với CPMIEC không đồng nghĩa nó sẽ có hiệu lực và Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ xây dựng một hệ thống phòng không dựa trên công nghệ Trung Quốc.

“Một số cuộc đàm phán đã kết thúc thất bại trước khi hợp đồng được ký kết. Thậm chí sau khi hợp đồng được ký, một số chương trình đã không thể được thực hiện. Đây là một khả năng cho thấy hợp đồng có thể mất hiệu lực”, một nguồn tin cho biết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại