Lịch sử công nghệ của Không quân Xô Viết bắt đầu bằng việc chế tạo máy bay ném bom Ilya Muromets, năm 1912.
Trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945), Liên Xô (nòng cốt là nước Nga) đã chế tạo ra hơn 20 loại máy bay chiến đấu mới, hiện đại như Il-2, Mig-1, Mig-3, Yak-3... với sản lượng trên dưới 9.000 chiếc/năm mang lại ưu thế vượt trội so với quân phát xít trên chiến trường.
Với việc động cơ phản lực xuất hiện vào năm 1943, các nhóm thiết kế Nga với tên tuổi của các tổng công trình sư nổi tiếng như: Yakovlev, Lavochkin, Mikoyan, Tupolev, Ilyushin, Sukhoi, Antonov… đã nhanh chóng phát triển hàng loạt máy bay ném bom và tiêm kích phản lực mới, với các tính năng vượt trội so với các loại máy bay của nước ngoài.
Tiếp đến những năm 1960, máy bay của Nga lần đầu tiên đã được trang bị tên lửa. Đỉnh cao thập niên 1980, không quân Liên Xô (VVS) sở hữu tới gần 10.000 máy bay, lực lượng sở hữu chất lượng và số lượng thuộc hàng siêu cường trên thế giới.
Máy bay Su-30 Nga được chế tạo để phục vụ chiến đấu trong vài thập kỷ.
Mặc dù Liên Xô tan vỡ, nhưng Không quân Nga hiện tại vẫn sở hữu nhiều loại máy bay như máy bay ném bom, tấn công, đánh chặn, trinh sát, vận tải và các loại máy bay phục vụ cho những hoạt động đặc biệt.
Số lượng máy bay của Không quân Nga đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Lực lượng Không quân Nga cũng đang đứng thứ hai thế giới về khả năng chiến đấu do sở hữu nhiều loại máy bay tầm xa. Nga hiện nay có gần 3.000 máy bay các loại.
Độc đáo, tính năng cao
Công nghệ hàng không quân sự của Liên Xô và Nga đã giành được những thành tựu đáng tự hào sau hơn 100 năm phát triển công nghệ.
Từ dòng máy bay cánh quạt “cổ lỗ” như An-2, sản xuất từ năm 1947, tới 45 năm sau vẫn tiếp tục sản xuất và sử dụng do công nghệ tối ưu, tính năng tốt.
Trực thăng lưỡng dụng Mi-8, cũng ngót 60 năm sau người ta vẫn đặt hàng sản xuất; có tới 50 nước đã đặt mua và số lượng xuất xưởng là 12.000 chiếc !
Với máy bay chiến đấu đánh chặn, phải nói tới Mig-21, loại máy bay có hơn 50 quốc gia trên 4 lục địa sử dụng. Mig-21 hiện vẫn đang hoạt động trong không quân nhiều quốc gia.
Mig-21 đã đạt được một số kỷ lục hàng không như: Máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử hàng không, máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất từ sau Chiến tranh Thế giới II, máy bay chiến đấu có thời gian sử dụng lâu nhất…
Còn nói tới dòng máy bay tiêm kích hạng nặng, Mig-31 là một điển hình và không có đối thủ tương ứng trên thế giới. Mig-31 mang trong mình nhiều công nghệ hàng không đặc thù như tốc độ cao, hoạt động tương đối độc lập, vũ khí hàng không tiên tiến.
Nó có rất nhiều chức năng kết hợp hộ tống chiến thuật, hộ tống máy bay cảnh giới và chỉ huy đường không tầm xa A-50; chỉ huy đường không chiến thuật, tiêm kích tuần phòng chiến đấu đa nhiệm, chống chỉ huy đường không, tấn công đột kích, trinh sát chiến thuật….
Tiếp đó, không thể không nhắc đến dòng máy bay tiêm kích hạng nặng Su-27. Đây là máy bay đầu tiên của Liên Xô có hệ thống điều khiển fly-by-wire (hỗ trợ điều khiển bay điện tử). Nó lập kỷ lục đầu tiên về tính năng hoạt động, vận tốc bay và trần bay.
Các tạp chí quân sự danh tiếng đã công nhận Su-27 là một trong những máy bay chiến đấu tốt nhất của thế kỷ 20.
Với các tính năng bay tiên tiến, Su-27 hiện có một “gia đình” gần 10 biến thể mới với những tính năng đa dạng trong biên chế Không quân Nga và hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Máy bay chiến đấu thế hệ 5, thuộc chương trình PAK FA của Nga đang được kỳ vọng là máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới, “đối thủ xứng tầm” với F-22 của Mỹ. Nó phát hiện đối phương từ xa, liên tục, nhờ có công nghệ ra-đa cực mạnh.
Dòng máy bay Yak… của Nga cũng có nhiều máy bay huấn luyện, chiến đấu mang công nghệ đáng nể. Các máy bay ném bom chiến lược Tu-160, Tu-95MS, Tu-22M3… cùng nhiều vũ khí chiến lược độ chính xác cao, cự ly xa, có tính răn đe mạnh.
Mới đây, các máy bay chiến lược Nga Tu-160 đã xuất kích nhiều chục chuyến, vượt qua hàng nghìn ki-lô-mét, ném bom, bắn tên lửa chính xác tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Kỳ vọng
Thượng tướng Viktor Bondarev, Tư lệnh Không quân Nga, khẳng định, Nga coi việc xây dựng và phát triển không quân là một trong những ưu tiên hàng đầu. Trong 10 năm tới, Không quân Nga sẽ được trang bị 80% vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại.
Trong tương lai gần, Không quân Nga sẽ được trang bị các loại máy bay tiêm kích hiện đại đa chức năng gồm: Su-35S, Mig-29SMT và Mig-35, tiêm kích-bom Su-34/34M, máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130, máy bay vận tải quân sự Il-76MD-90A, các máy bay trực thăng Mi-28N, Mi-35M, Mi-8MTV, Mi-8AMTSh, Ka-52, Ka-60, Ka-226 và Ansat-U.
Không quân Nga dự kiến tăng tỷ trọng sử dụng vũ khí chính xác cao khoảng 18 lần tới năm 2020. Mức độ tổn thất về máy bay và trực thăng dự định giảm đi 10 đến 12 lần.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng nói cần tăng 6 lần tỷ lệ máy bay không người lái, lên 30% biên chế của Không quân Nga.
Hiện không quân Nga sẽ tiếp nhận gần 200 máy bay và trực thăng hoàn toàn mới. Theo lời tướng Bondarev, các máy bay cung cấp cho Không quân Nga sẽ được trang bị những hệ thống dẫn đường hiện đại và các vũ khí “chất lượng rất cao”.
Tướng Viktor Bondarev cho biết: Chúng tôi không chỉ đưa tới Syria các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và trực thăng, mà còn cả các hệ thống tên lửa.
Theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga đã triển khai trên 50 máy bay chiến đấu và trực thăng cho chiến dịch không kích các mục tiêu của nhóm phiến quân IS tại Syria từ cuối tháng 9-2015.
Qua không ít những biến cố thăng trầm, Không quân Liên Xô và Nga thực sự đã ghi dấu ấn không phai trong lịch sử hàng không quân sự thế giới.