Hôm qua (3/9), Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống cảnh báo sớm của nước này đã phát hiện 2 tên lửa đạn đạo được bắn tại khu vực Địa Trung Hải. Quỹ đạo của 2 tên lửa này đi từ trung tâm đến phía Đông Địa Trung Hải, nơi có lãnh thổ của Syria.
Có giả thuyết cho rằng 2 tên lửa này được phóng đi từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, cùng lúc này, Bộ Quốc phòng (BQP) Israel lên tiếng xác nhận nước này đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đánh chặn mới ngoài khơi Địa Trung Hải.
Vụ thử nghiệm lần này nằm trong kế hoạch kiểm tra biến thể mới nhất của tên lửa Anchor (Sparrow), hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow.
Đại diện BQP Israel cho biết “Đây là lần thử nghiệm đánh chặn đầu tiên của biến thể tên lửa mục tiêu Sparrow mới trên Địa Trung Hải”. Vụ thử nghiệm tên lửa diễn ra vào khoảng 9h15 giờ địa phương.
Trong lần thử nghiệm này, hệ thống radar cảnh báo sớm Super Green Pine của hệ thống đánh chặn Arrow đã thực hiện việc phát hiện và theo dõi thành công tên lửa mục tiêu giả định và chuyển các thông số về mục tiêu cho hệ thống quản lý chiến đấu Tree Citron, sau đó, hệ thống đã kích hoạt tên lửa đánh chặn tiêu diệt thành công mục tiêu.
Sparrow là một tên lửa mục tiêu được thiết kế để mô phỏng các mục tiêu là tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm ngắn kiểu Scud. Tên lửa này sẽ mô phỏng quỹ đạo bay thường thấy của tên lửa Scud nhằm kiểm tra khả năng phát hiện, bám bắt cũng như cung cấp tham số mục tiêu cho hệ thống tên lửa đánh chặn Arrow.
Hệ thống đánh chặn mục tiêu không được tiết lộ là biến thể nào của gia đình Arrow nhưng dựa vào phạm vi thử nghiệm thì đây có thể là hệ thống đánh chặn tên lửa Arrow 2 được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong phạm vi 100km.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow được thiết kế để đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật, đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và cả tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Arrow đang được thiết kế với 3 cấu hình khác nhau, trong đó Arrow 1 được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật trong phạm vi 50km. Biến thể Arrow 2 được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa đạn đạo tầm trung trong phạm vi 100km. Còn Arrow 3 được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM.
Trái tim của hệ thống đánh chặn Arrow là hệ thống radar cảnh báo sớm EL/M-2080 Green Pine. Đây là một loại radar quét mạng pha điện tử chủ động, radar AESA tối tân hàng đầu thế giới hiện nay. Radar này có thể phát hiện mục tiêu cỡ quả bóng goft ở khoảng cách 500km, biến thể nâng cấp Super Green Pine có phạm vi phát hiện mục tiêu tới 900km.
Hệ thống quản lý chiến đấu Tree Citron, hệ thống này có thể kiểm soát việc đánh cùng lúc 14 mục tiêu khác nhau. Thuật toán điều khiển của hệ thống được thiết kế dạng kiến trúc mở nên nó có khả năng tương tác với các hệ thống tên lửa phòng không khác như Patriot để nâng cao hiệu suất đánh chặn mục tiêu.
Thành phần thứ 3 của hệ thống là trung tâm kiểm soát khởi động Brown Hazelnut (tiếng Do Thái) được đặt tại các vị trí phóng. Trung tâm này có thể đặt cách hệ thống điều khiển hỏa lực Tree Citron tới 300km, nó được trang bị hệ thống liên lạc vô tuyến cùng hệ thống liên kết dữ liệu tốc độ cao với trung tâm điều khiển và radar. Giải pháp thiết kế này cho phép thiết lập một khu vực phòng thủ tên lửa trên quy mô lớn mà không cần phải đầu tư quá nhiều những hệ thống điều khiển riêng biệt.
Bệ phóng tên lửa đánh chặn được đặt trên khung gầm xe kéo chuyên dụng, mỗi bệ phóng được trang bị 6 tên lửa đánh chặn. Tên lửa được phóng ở vị trí thẳng đứng bằng phương pháp khởi động nóng.
BQP Israel cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow được thiết kế để bảo vệ Israel khỏi các tên lửa tầm xa mà Iran có thể sử dụng để tấn công nước này. BQP Israel cũng cho hay cuộc thử nghiệm đã được lên kế hoạch từ lâu và không liên quan đến tình hình căng thẳng tại Syria.
Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa xảy ra đúng vào thời điểm căng thẳng tại Trung Đông dâng cao, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nói đã sẵn sàng huy động lực lượng quân sự chống lại Syria, để đáp trả việc chính phủ Syria được cho là sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công hôm 21/8.
Israel đã nâng mức báo động và đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở trạng thái báo động cao để dự phòng khi Mỹ tấn công Syria, Israel có thể phải hứng chịu sự trả đũa của chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hoặc của phiến quân Hezbollah ở Lebanon. Ngoài ra, Israel cũng đề phòng trường hợp nếu Mỹ không hành động dứt khoát với Syria thì Iran có thể sẽ thúc đẩy chương trình hạt nhân mạnh mẽ hơn nữa.
Vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa của Israel được một số nhà phân tích đánh giá là một động thái nhằm cảnh báo Damascus chớ có dại dột mà phóng tên lửa đạn đạo trả đũa về phía Israel. Điều này cũng cho thấy rằng Israel có thể là một nhân tố đem lại nhiều bất ngờ cho tình hình tại Syria.
Khi Mỹ và một số nước đồng minh chuẩn bị các hành động quân sự nhắm vào Damascus thì Israel cũng lặng lẽ điều động lực lượng quân sự của mình đến áp sát biên giời chờ ngày Mỹ đánh. Bên cạnh đó họ cũng đã điều động các hệ thống đánh chặn như Iron Dome, hệ thống phòng không Patriot để sẵn sàng vô hiệu hóa mối đe dọa từ tên lửa của Syria.
Vụ phóng tên lửa cũng cho thấy một điều là Israel đã sẵn sàng cho một hoạt động quân sự chống lại Damascus. Ông Alexei Pushkov người đứng đầu Ủy ban quốc tế Duma quốc gia Nga bình luận “Đây là một lời nhắn đến Syria cho thấy khả năng sẵn sàng chiến đấu của Israel”
Trong khi đó người đứng đầu chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga Fyodor Lukyanov gọi vụ thử nghiệm tên lửa đánh chặn là một “hành động khiêu khích đối với Syria và những việc làm tương tự sẽ còn tiếp diễn cho đến khi Quốc hội Mỹ ra quyết định cuối cùng về tình hình Syria”
Cần nhớ lại rằng, Israel đã không dưới 3 lần tiến hành các vụ không kích vào các căn cứ quân sự quan trọng của Syria mà Damascus gần như không làm gì được. Gần đây nhất đầu tháng 07/2013, nhiều khả năng Israel đã tiến hành không kích căn cứ quân sự Latakia nơi được cho là có kho chứa tên lửa P-800 Yakhont phá hủy phần lớn căn cứ này.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!