Mỹ bán công nghệ tàu sân bay cho Ấn Độ đối phó Trung Quốc?
Ngày 3/4 vừa qua, đại diện Bộ quốc phòng Mỹ đã công bố nước này sẵn sàng bán những công nghệ tàu sân bay hiện đại nhất cho Ấn Độ, trong đó có hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) do Tập đoàn General Atomics, có trụ sở tại San Diego, California phát triển.
Thứ trưởng, phụ trách mảng mua sắm vũ khí của Bộ Quốc phòng Mỹ là ông Frank Kendall cho biết, Hoa Kỳ không thấy có bất kỳ trở ngại nào về việc Ấn Độ muốn sở hữu những công nghệ tàu sân bay của mình.
Nếu New Dehli quyết định, vấn đề này sẽ do một nhóm công tác chung của hai nước giải quyết.
Theo nữ phát ngôn viên Maureen Schumann, Lầu Năm Góc đã chỉ định Chuẩn Đô đốc Thomas Moore, giám đốc chương trình tàu sân bay của hải quân Mỹ làm người đứng đầu phái đoàn nước này tại nhóm công tác chung. Đại diện phía Ấn Độ là Chuẩn Đô đốc Surendra Ahuja.
Các chuyên gia nhận định, New Dehli muốn sử dụng công nghệ hiện đại của Washington để tăng cường tầm hoạt động và năng lực của những tàu sân bay quốc nội, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước và đối phó với sự ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Hiện tại, Trung Quốc đã biên chế tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh cho hải quân, đồng thời đang triển khai kế hoạch đóng chiếc thứ 2 và thứ 3. Điều đó càng khiến Ấn Độ nôn nóng về sự chậm trễ trong chương trình phát triển tàu sân bay của mình.
Được biết, hàng không mẫu hạm INS Vikrant 40.000 tấn do Ấn Độ chế tạo theo mô hình đường băng kiểu cầu bật của Nga đang trong tình trạng vượt dự toán tài chính và chậm tiến độ.
Theo tính toán, chi phí chế tạo chiếc tàu này lên đến 4 tỉ USD và dự kiến tới tận cuối năm nay mới được biên chế sử dụng.
Chính vì thế, New Delhi có thể sử dụng công nghệ Mỹ để gia tăng năng lực tác chiến của tàu sân bay quốc nội thứ hai là INS Vishal có lượng giãn nước 65.000 tấn, nhằm đáp ứng nhu cầu phóng được những tiêm kích hạm nặng hơn.
INS Vikrant - Tàu sân bay quốc nội đầu tiên của Ấn Độ
Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng xác nhận rằng, Mỹ có thể sẽ tham gia hợp tác chế tạo tàu sân bay INS Vishal bằng việc cung cấp công nghệ EMALS và một số kỹ thuật tiên tiến khác liên quan đến bộ phận không quân trên hạm.
Hiện tại, hệ thống này được thử nghiệm trên siêu hàng không mẫu hạm số 1 của hải quân Mỹ và cả thế giới là CVN-78 USS Gerald R. Ford (lượng giãn nước hơn 100.000 tấn).
Những tàu sân bay thế hệ mới trong tương lai của hải quân Mỹ thuộc lớp Ford cũng đều sẽ được trang bị hệ thống EMALS.
Công nghệ Mỹ khiến tàu sân bay Ấn vượt trội Nga - Trung
Tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly đánh giá hệ thống máy phóng điện từ EMALS là một trong những công nghệ tân tiến nhất được áp dụng trên các hàng không mẫu hạm Mỹ hiện nay.
Công nghệ này làm thay đổi hoàn toàn phương thức phóng tiêm kích hạm bằng các máy phóng hơi nước cổ điển.
Hệ thống máy phóng điện từ EMALS bao gồm các bộ phận cấu thành như máy phát điện, bộ lưu trữ năng lượng, hệ thống chuyển đổi điện - từ trường, một động cơ điện công suất 100.000 mã lực.
EMALS được thiết kế nhỏ gọn nhưng lại có sức mạnh hơn hẳn hệ thống phóng hơi nước cũ, nó mang lại các ưu điểm như: Giảm khối lượng công việc, giảm nhiệt độ do ma sát, tăng cường tốc độ khởi động máy bay, giảm trọng lượng boong tàu, giảm khối lượng lắp đặt.
Ngoài ra, nó có thể phóng được nhiều loại máy bay trên tàu sân bay, từ chiến đấu cho đến chỉ huy - cảnh báo sớm, tác chiến điện tử…
Máy phóng sử dụng hệ thống động lực điện từ có tính năng ưu việt, dễ dàng kiểm soát chính xác lượng điện phát ra.
EMALS có thể dễ dàng phóng luân phiên hoặc xem kẽ các loại máy bay không người lái và có người lái với trọng lượng cất cánh từ vài tấn đến vài chục tấn mà chỉ cần thay đổi một vài tham số điều khiển.
Đặc biệt, hệ thống này sẽ giúp máy bay chiến đấu được phóng từ một mặt boong bằng phẳng với tốc độ nhanh hơn, mang theo nhiều bom đạn hơn, nâng cao khả năng tác chiến tổng quan, đặc biệt là khả năng chiếm lĩnh không phận cực nhanh.
Đây đều là những yếu tố cực kỳ quan trọng trong tác chiến tương lai.
Tính ưu việt của máy phóng điện từ còn được thể hiện ở điểm, nó có khả năng phóng liên tục mà không cần phải tái nạp năng lượng.
Điều này rất quan trọng bởi bảo đảm được tần suất và số lượt chiếc máy bay xuất kích ngày càng gia tăng trong tác chiến hiện đại, là mục tiêu then chốt của mọi tàu sân bay.
USS Gerald R. Ford - tàu sân bay đầu tiên được trang bị máy phóng điện từ
Hiệu quả của máy phóng điện từ có thể được thấy qua quá trình thử nghiệm của tàu sân bay USS Gerald R. Ford.
Trong trạng thái hoạt động với cường độ tác chiến ở mức cao nhất, EMALS giúp tàu có thể duy trì mật độ mỗi ngày đêm xuất kích 220 lần chiếc tiêm kích hạm, tác chiến liên tục trong 5 - 7 ngày.
Hoạt động với cường độ tác chiến mức độ trung bình, mỗi ngày tàu sân bay này có thể huy động 180 lượt máy bay, tấn công 1.500 mục tiêu trong thời gian 1 tháng liền.
Đây là điều không tưởng đối với những hàng không mẫu hạm lớn nhất trên thế giới hiện nay, kể cả các tàu thuộc lớp Nimitz của Mỹ.
Nếu INS Vishal được áp dụng các công nghệ mới này của Mỹ thì tính năng của nó sẽ vượt trội nhiều lần so với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc và INS Vikramaditya chỉ được trang bị đường băng kiểu nhảy cầu.
Sau khi biên chế hoạt động, dự kiến vào khoảng năm 2025, Hải quân Ấn Độ sẽ có một biên đội hàng không mẫu hạm rất mạnh.
Biên đội này có khả năng áp đảo cụm tàu sân bay của “đối thủ truyền kiếp”, đối phó hiệu quả với sự hiện diện ngày càng gia tăng của hải quân Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương.
Vì vậy, có thể nói rằng việc Mỹ bán công nghệ máy phóng điện từ sẽ biến Ấn Độ đột nhiên trở thành “người khổng lồ” trong lĩnh vực tàu sân bay.