Máy bay tàng hình dễ dàng qua mặt mọi hệ thống phòng không?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Do cách dùng từ "tàng hình" mà nhiều người cho rằng phương tiện tàng hình đồng nghĩa với việc nó hoàn toàn vô hình trước radar.

Trong bất kì lĩnh vực nào cũng có những điều công chúng tin chắc là đúng nhưng thật ra lại không phải là sự thật. Quân sự cũng không phải là ngoại lệ. Hãy cùng điểm qua top 10 kiến thức sai lầm phổ biến trong quân sự.

7. Điều khiển UAV như chơi game

UAV (máy bay không người lái) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Trong suy nghĩ của công chúng, việc điều khiển những UAV này được xem là một công việc khá an nhàn và thoải mái so với những vị trí khác trong quân đội. Người điều khiển ngồi trong căn phòng có máy lạnh, cách xa chiến trường hàng ngàn kilomet. Xung quanh là các màn hình lớn, truyền hình ảnh trực tiếp về từ chiến trường, và người điều khiển có thể tiêu diệt mục tiêu chỉ bằng cách di chuyển con trỏ như trong các game điện tử. Nhưng thực tế có thể rất khác với những gì công chúng tưởng tượng.

Một cảnh trong phim
Một cảnh trong phim "Transformers", mô tả cách thức điều khiển UAV như một trò chơi điện tử.

Trên thực tế, điều khiển UAV là một công việc rất căng thẳng và mệt mỏi. Buồng điều khiển cho 2 người thường chỉ là một hộp thép nhỏ với bề rộng 2,5m và bề dài 9m. Ca làm việc của người điều khiển kéo dài 11 tiếng một ngày, và trong phần lớn thời gian đó không hề có hoạt động giao chiến với đối phương. Thay vào đó, họ chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, giám sát, và phải theo dõi đối phương liên tục nhiều giờ liền.

Những gì mà họ thấy trên màn hình cũng thường là hình ảnh trắng đen từ các camera cảm biến nhiệt chứ không phải các hình ảnh rõ nét như trên phim. Ngoài ra, những hình ảnh này không phải được truyền trực tiếp, và luôn có từ khoảng chậm từ 2 đến 6 giây, do tín hiệu phải được chuyển tiếp qua nhiều bước. Nếu thời tiết xấu, đường truyền đôi lúc có thể bị "dừng hình" trong nhiều phút.

Hình ảnh trên màn hình thường chỉ là hình ảnh nhiệt đen trắng chứ không phải hình ảnh thực như mắt thường có thể thấy.
Hình ảnh trên màn hình thường chỉ là hình ảnh nhiệt đen trắng chứ không phải hình ảnh thực như mắt thường có thể thấy.

Những người trực tiếp điều khiển UAV cũng không có quyền chọn và tiêu diệt mục tiêu chỉ đơn giản bằng cách di chuyển con trỏ. Sẽ có một sĩ quan chuyên phụ trách việc xác định mục tiêu, sau đó người này cũng phải liên lạc với các cấp cao hơn nữa. Đôi khi không chỉ các chỉ huy trong quân đội mà còn cả các lãnh đạo chính trị cũng cần được liên lạc và xin ý kiến.

Điều khiển UAV trên thực tế là một công việc rất căng thẳng và mệt mỏi
Điều khiển UAV trên thực tế là một công việc rất căng thẳng và mệt mỏi

8. Tàng hình là vô hình

Do cách dùng từ "tàng hình" mà nhiều người cho rằng phương tiện tàng hình đồng nghĩa với việc nó hoàn toàn vô hình trước radar, và do đó nếu có một loại radar nào đó có thể phát hiện được máy bay tàng hình thì có nghĩa là công nghệ tàng hình đã bị vô hiệu hoá. Nhưng cách nhìn tuyệt đối này không thể hiện được bản chất và mục đích của tàng hình.

Trên thực tế thì hiện nay chưa có bất kì giải pháp công nghệ nào có thể hoàn toàn triệt tiêu được diện tích bề mặt phản xạ radar của máy bay. Do đó máy bay tàng hình hoàn toàn vẫn có thể bị phát hiện, vấn đề chỉ là ở khoảng cách nào. Tầm hoạt động của radar phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có diện tích bề mặt phản xạ radar của mục tiêu. Mục tiêu có diện tích bề mặt phản xạ radar càng lớn thì càng dễ bị phát hiện từ xa. Tác dụng thực sự của tàng hình là giảm tầm hoạt động của radar đối phương đến mức có thể tạo lợi thế rõ rệt trong tác chiến.

Hệ thống phòng không điển hình thường gồm các radar cảnh báo tầm xa và các khẩu đội tên lửa phòng không. Các đơn vị này được bố trí sao cho tầm hoạt động của radar có thể bao phủ toàn bộ khu vực cần bảo vệ. Nếu sử dụng các máy bay thông thường, để vượt qua được hệ thống phòng không này, ngoài máy bay có nhiệm vụ tấn công mục tiêu chính, còn cần có nhiều máy bay hỗ trợ gây nhiễu, tấn công các vị trí phòng không của đối phương. Ngay cả như vậy, vẫn có khả năng máy bay bị trúng hoả lực phòng không cả khi trên đường đến mục tiêu hay quay về.

Cần nhiều máy bay chiến đấu thông thường để có thể vượt qua hệ thống phòng không của đối phương.
Cần nhiều máy bay chiến đấu thông thường để có thể vượt qua hệ thống phòng không của đối phương.

Với máy bay tàng hình, do tầm hoạt động của radar đối phương bị thu hẹp hơn nhiều, nó tạo ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng không mà máy bay có thể đi qua, tấn công mục tiêu, và rút đi mà đối phương không hề hay biết. Và cũng chỉ cần sử dụng một máy bay duy nhất cho một mục tiêu.

Máy báy tàng hình tạo ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng không
Máy báy tàng hình tạo ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng không

Vì vậy việc sử dụng máy bay tàng hình không có nghĩa là có thể triển khai nó tuỳ thích, mà quá trình lên kế hoạch cũng là một phần không thể thiếu. Nếu máy bay tàng hình ở quá gần radar đối phương, nó vẫn có thể bị phát hiện. Đây cũng là nguyên nhân chính đằng sau việc Nam Tư có thể bắn hạ chiếc F-117A của Mỹ. Chiếc máy bay tàng hình này thường xuyên sử dụng một lộ trình bay cố định, phía Nam Tư do đó có thể triển khai tên lửa phòng không ngay gần đường bay của chiếc F-117A.

Nếu chỉ đơn giản là làm giảm tầm hoạt động của radar, tại sao việc ứng dụng công nghệ tàng hình lại đắt đỏ và phức tạp như vậy? Đó là vì việc làm giảm diện tích phản xạ radar và tầm hoạt động của radar không tỷ lệ thuận với nhau. Ví dụ nếu diện tích phản xạ radar giảm 100 lần thì tầm hoạt động của radar chỉ bị giảm khoảng 3 lần. Nói cách khác, giảm diện tích phản xạ radar không khó, mà thử thách là ở việc giảm đến mức có thể tạo ra sự khác biệt trên chiến trường.

Xem thêm:

Phần 1: Mỹ đánh cắp công nghệ tàng hình từ Liên Xô?

Phần 2: "Cha đẻ" thật sự của "Chiến tranh chớp nhoáng"

Phần 3: Vũ khí Liên Xô có thực sự rẻ hơn vũ khí Mỹ?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại