Năm 2015 hoàn thiện thiết kế kỹ thuật máy bay ném bom mới
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, chương trình tái cấu trúc lực lượng không quân Nga là một trong những hướng ưu tiên của Bộ Quốc phòng năm 2015.
Theo kế hoạch, năm 2015 tỷ lệ trang thiết bị thiết bị hiện đại của không quân Nga sẽ đạt 33%, tỷ lệ phương tiện bay hữu ích dự kiến tăng lên 67%, chỉ số trong thành phần không quân tầm xa đạt không dưới 80%.
Để thực hiện mục tiêu này, không quân Nga cần phải chủ động, tích cực bảo dưỡng, sửa chữa và hiện đại hóa các máy bay ném bom chiến lược hiện có như Tu-95MS, Tu-160 và Tu-22M3.
Bộ ba máy bay ném bom chiến lược Nga, từ trái sang: Tu-95MS, Tu-160 và Tu-22M3
Việc duy trì trạng thái hoạt động tốt của máy bay mang tên lửa chiến lược được thực hiện theo chương trình nghiên cứu phát triển máy bay ném bom tầm xa mới do Cục Thiết kế Tupolev thực hiện từ năm 2013.
Cuối năm nay, dự kiến sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật của máy bay ném bom tương lai và sau năm 2025, loại máy bay này sẽ là thành phần chủ yếu trong bộ ba hạt nhân của Nga.
Đầu tháng 2/2015, Tập đoàn “Công nghệ điện tử - vô tuyến" công bố đã hoàn thành việc nghiên cứu, chế tạo bộ thiết bị chiến tranh điện tử mới dành cho loại oanh tạc cơ này.
Dự án tuyệt mật
Lịch sử tổ hợp bay không quân tầm xa mới PAK-DA được bắt đầu từ năm 2009, khi đó Bộ Quốc phòng Nga và Cục Thiết kế Tupolev đã ký một hợp đồng thực hiện công trình nghiên cứu khoa học.
Tất cả các thông tin về loại máy bay mới, mà trong tương lai sẽ là "át chủ bài" của không quân chiến lược tầm xa của Liên bang Nga được giữ bí mật hoàn toàn. Hè năm 2012, các công trình nghiên cứu theo hợp đồng đã hoàn thành.
Tư lệnh không quân Nga Victor Bondarev tuyên bố, diện mạo một thế hệ máy bay ném bom tầm xa mới đã hình thành, dự án thiết kế PAK-DA kết thúc và được phê duyệt, công việc chế tạo thử nghiệm đã bắt đầu tiến hành.
Cuối năm 2011, Thiếu Tướng - Tư lệnh không quân tầm xa thuộc không quân Nga Anatoly Zhiharev nêu ra một số yêu cầu phải đạt được đối với máy bay ném bom mới.
Theo ông, máy bay ném bom tầm xa mới của Nga phải áp dụng công nghệ tàng hình, trang bị đồng bộ thiết bị điều hướng dẫn mục tiêu, hệ thống thông tin liên lạc, do thám và tác chiến điện tử hiện đại.
Tướng Nikolai Makarov - Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga tuyên bố PAK-DA “sẽ vượt trội tất cả các loại máy bay ném bom tầm xa hiện có trên thế giới, kể cả của Mỹ".
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin - phụ trách về tổ hợp công nghiệp - quốc phòng lại đặt ra nhiệm vụ phải nghiên cứu tìm tòi một hướng đi hoàn toàn độc đáo.
Hè năm ngoái, ông đã viết trên Twitter của mình rằng phi cơ mới “không được và không phải là bản sao của B-2” và “Chúng ta (Nga) phải nhìn xa hơn chân trời để chế tạo loại máy bay tầm xa siêu thanh cả cho quân sự lẫn dân sự".
Đồ họa máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới PAK-DA của Nga
Đầu năm 2012, Nga tổ chức một cuộc thi tuyển chọn các mẫu thiết kế với sự tham gia của Cục Thiết kế Tupolev và một số văn phòng thiết kế khác.
Bộ Quốc phòng Nga đã nghiên cứu, phân tích các bản dự thảo thiết kế máy bay ném bom mới, cuối cùng họ tập trung vào 3 mẫu: một phiên bản máy bay siêu âm, một bản siêu thanh và một bản cận âm.
Mẫu thiết kế của Tupolev đã được không quân Nga lựa chọn. Dự kiến công trình sẽ được thực hiện theo sơ đồ “cánh bay" với ưu điểm là máy bay ném bom sẽ gần như “vô hình" trước radar, nhưng nhược điểm là không có khả năng vượt bức tường âm thanh.
Hầu như cả năm 2013, Tupolev đã phải tính toán chi tiết những đặc tính kỹ - chiến thuật của PAK-DA. Đến đầu năm 2014, họ đệ trình Bộ Quốc phòng bản tính toán ngân sách chi phí cho công trình nghiên cứu khoa học này.
Dự kiến trong năm nay, họ sẽ hoàn thành dự án thiết kế kỹ thuật và năm 2019 sẽ tiến hành thử nghiệm máy bay ném bom mới.
Cuối năm 2011 có thông tin nguyên mẫu máy bay ném bom chiến lược sẽ được thử nghiệm vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay kế hoạch sản xuất hàng loạt PAK-DA sẽ bắt đầu vào năm 2020 và lô máy bay đầu tiên sẽ được đưa vào trang bị năm 2023.
Dự án được tiến hành hết sức bí mật, mọi thông tin về máy bay ném bom mới hầu như không được tiết lộ.
Dự kiến tải trọng cất cánh tối đa của PAK-DA vào khoảng 120 tấn. Máy bay có thể mang trang bị vũ khí với tổng trọng lượng lên đến 24 tấn (bao gồm cả tên lửa siêu thanh) và tầm bay 12.000 km.
Tuy nhiên, nếu xem xét tính ưu việt của PAK-DA so với máy bay Mỹ như ông Bondarev tuyên bố, thì tải trọng cất cánh tối đa của máy bay phải được 170 tấn và tải trọng hữu ích là 27 - 30 tấn, tốc độ tối đa khoảng 850 - 900 km/h, phạm vi hoạt động 12.000 - 15.000 km.
(Còn tiếp)