Máy bay Mỹ có thể ghi hình tàu TQ tấn công tàu VN ở Biển Đông

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Mỹ tin rằng TQ sẽ phải cân nhắc hơn nếu hình ảnh tàu của nước này quấy phá các tàu của ngư dân Việt Nam hay Phillipines bị ghi lại và công bố ra cho thế giới.

Tờ Financial Times mới đây đăng bài viết cho hay, tham vọng bành trướng không có điểm dừng của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông đang buộc Lầu Năm Góc phát triển chiến lược mới để thích ứng, trong đó bao gồm việc tăng cường sử dụng máy bay trinh sát và các phương tiện trên biển ở gần những khu vực tranh chấp.

Sự thay đổi này là hệ quả của một loạt hành động khiêu khích của Trung Quốc nhằm làm thay đổi nguyên trạng của một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới theo hướng có lợi cho mình. Vì vậy thách thức cho Mỹ là làm sao có thể đối phó với những động thái khiêu khích này mà không gây leo thang trở thành chiến tranh quy mô lớn. Theo ước tính, lượng hàng hóa đi qua khu vực này hàng năm có giá trị lên đến 5.300 tỷ USD.

Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia tập trận chung với Phillipines tháng 6 vừa qua
Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia tập trận chung với Phillipines tháng 6 vừa qua

Một quan chức cấp cao của Mỹ thừa nhận: “Những nỗ lực của chúng tôi nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông cho đến nay chưa có hiệu quả.” Sự căng thẳng trong khu vực này đang phủ bóng đen lên cuộc gặp thường niên giữa các quan chức cấp cao 2 nước Mỹ và Trung Quốc vừa bắt đầu hôm thứ Tư vừa rồi tại Bắc Kinh.

Phái đoàn Mỹ, do ngoại trưởng John Kerry và bộ trưởng tài chính Jack Lew, đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khi vừa phải duy trì mối quan hệ với Bắc Kinh, đồng thời với việc làm rõ những quan ngại của Mỹ về chủ nghĩa bành trướng và những hoạt động tin tặc của Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc cảm thấy khó chịu khi Mỹ truy tố một số sĩ quan của mình vì dính líu đến những vụ xâm nhập qua mạng cũng như về sự hiện diện của các đồng minh của Mỹ trong khu vực, mà Trung Quốc xem là một hình thức kiềm chế nước này.

Từ trái qua: đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus, ngoại trưởng John Kerry và bộ trưởng tài chính Jack Lew đang tham quan Vạn Lý Trường Thành

Một thành tố thiết yếu trong chiến lược mới này là máy bay tuần thám P-8A Poseidon. Hồi tháng Ba vừa qua, khi tàu Trung Quốc đang tìm cách ngăn cản Phillipines tiếp tế cho đơn vị đang chiếm đóng bãi Cỏ Mây (khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng Philippines chiếm đóng trái phép), một chiếc P-8A bay ngang qua khu vực ở độ cao thấp, cố ý để tàu Trung Quốc có thể nhìn thấy mình.

Một chiếc P-8A Poseidon khi đang thử nghiệm thả ngư lôi

Một quan chức Lầu Năm Góc bình luận về sự kiện đó như sau: “Đây là cách thức phản ứng mới của chúng tôi. Nó gửi một thông điệp rằng chúng tôi biết rõ những gì nước này đang làm, những hành động đó sẽ có hậu quả tương ứng, chúng tôi có đủ năng lực và sự quyết tâm để chứng minh cho sự hiện diện của mình tại đây.”

Sự xuất hiện thường xuyên hơn của máy bay Mỹ có thể đồng nghĩa với việc nhiều hình ảnh về hoạt động ngang ngược của tàu Trung Quốc trong khu vực sẽ được đưa ra trước công chúng quốc tế nhiều hơn. Một số quan chức Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ phải cân nhắc hơn nếu hình ảnh tàu của họ quấy phá các tàu của ngư dân Việt Nam hay Phillipines được ghi lại và công bố ra cho thế giới.

Theo thông tin từ Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, trong khoảng thời gian từ khoảng 8 giờ 30 đến gần 13 giờ ngày 30/6, tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, đã xuất hiện 2 máy bay Mỹ bay qua. Một trong hai chiếc này là máy bay EP3 và chiếc còn lại là máy bay RC135.

Tiếp đó, trong ngày 2/7, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục ghi nhận máy bay EP-3 của Mỹ bay qua khu vực giàn khoan Hải Dương 981 ở độ cao khoảng 3.000m.

Tổng hành dinh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương tại Hawai

Mỹ đã cung cấp cho Phillipines, Nhật Bản và một số nước khác những thiết bị radar và hệ thống theo dõi mới. Bước tiếp theo là tổng hợp những thông tin có được và chia sẻ cho nhiều chính phủ khác nhau.

Lầu Năm Góc cũng đang xem xét các hình thức biểu dương lực lượng, tương tự như các chuyến bay của B-52 qua vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc lập ra trên vùng biển Hoa Đông năm ngoái. Ngoài máy bay, Mỹ cũng có thể gửi các tàu chiến đến các khu vực có tranh chấp.

Một chiếc B-52 đang được tiếp nhiên liệu trên không

Bên cạnh đó, cũng có những đề xuất cứng rắn hơn nhưng chính phủ Mỹ hiện chưa có ý định thực hiện. Chúng bao gồm việc gửi lực lượng tuần duyên Mỹ đến Biển Đông để đối phó với các tàu dân sự Trung Quốc, hay hộ tống các tàu đánh cá Phillipines và các nước khác đến những ngư trường nơi họ thường bị tàu Trung Quốc xua đuổi.

Tàu tuần duyên Mỹ Jarvis và một tàu kiểm ngư Trung Quốc ở phía bắc Thái Bình Dương

Chính quyền ông Obama đã tuyên bố Biển Đông là một trong những lợi ích quốc gia của Mỹ vào năm 2010. Tuy nhiên, từ đó đến nay Trung Quốc đã từng chiếm lại một số bãi cạn từng thuộc quyền kiểm soát của Phillipines và mới đây nhất là hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trước đây, Mỹ đã nhiều lần cho máy bay trinh sát thực hiện nhiệm vụ trong khu vực, mặc dù có sự phản đối của Trung Quốc. Nhưng sự hiện diện của P-8A, thế hệ máy bay trinh sát tầm xa mới, có thể được xem là một sự gia tăng về mức độ hành động.

Bonnie Glaser, một chuyên gia phân tích về khu vực Châu Á của Mỹ, nhận định rằng các chuyến bay này thể hiện mong muốn của Mỹ có một giải pháp hòa bình cho những sự tranh chấp trong khu vực, và sự phản đối của nước này đối với những hành động gây hấn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Glaser cũng cho rằng như vậy là chưa đủ để răn đe Trung Quốc.

Phillipines cũng muốn tăng cường khả năng thám sát của mình để đối phó với các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Họ dự định mua 2 máy bay thám sát, một trong những ưu tiên cao nhất của nước này, nhiều khả năng đó sẽ là những máy bay không người lái. Một quan chức nước này cho biết: “Chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ của Mỹ ngay lúc này, trong lúc chúng tôi đang xây dựng năng lực phòng vệ tối thiểu của mình”.

Máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8A Poseidon

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại