Máy bay Mach 6: Mỹ đang hồ hởi, Nga tạt ngay gáo nước lạnh

Nhật Minh |

Báo Nga cho rằng dù có đạt được đột phá đi chăng nữa thì Lockheed vẫn còn thua xa so với các công ty quốc phòng Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo phương tiện bay siêu vượt âm.

Hôm thứ Ba (15/3), “ông lớn” trong lĩnh vực quốc phòng – Lockheed Martin – tuyên bố sắp đạt được những bước đột phá lớn về công nghệ, có thể cho phép phát triển một mẫu máy bay siêu vượt âm với vận tốc gấp 6 lần vận tốc âm thanh.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc điều hành của Lockheed Martin - Marillyn Hewson – cho biết tập đoàn này sắp đạt được một bước đột phá lớn.

“Chúng tôi đang chế tạo một mẫu thiết kế khí động học có thể điều khiển được và có độ ma sát thấp, có khả năng hoạt động ổn định từ khi cất cánh cho tới các giai đoạn dưới âm, cận âm, siêu âm và siêu vượt âm, tới tốc độ Mach 6” – Bà Hewson nói.

“Chúng tôi đang chứng minh rằng máy bay siêu vượt âm có thể được chế tạo với mức giá phải chăng. Chúng tôi ước tính chi phí phát triển, chế tạo và bay thử một nguyên mẫu cỡ như tiêm kích F-22 sẽ tiêu tốn chưa đầy 1 tỷ USD” – Bà Hewson cho hay.

Vấn đề chính đối với chương trình máy bay siêu vượt âm là chế tạo được động cơ scramjet ổn định, trong đó động cơ sẽ lấy oxy trực tiếp từ khí quyển để đốt cháy hydro nhiên liệu, mà không cần “bê” nguyên cả bể oxy lỏng vừa đắt tiền vừa nặng như các phi cơ khác.

Lockheed tuyên bố tập đoàn này đã tìm ra giải pháp, tuy nhiên bà Hewson từ chối tiết lộ chi tiết.

Các đột phá khác bao gồm hệ thống bảo vệ nhiệt mới, chìa khóa bảo vệ máy bay khỏi ma sát khi di chuyển với tốc độ cao, cũng như hình dạng khí động học sáng tạo, các cải tiến trong hệ thống điều khiển-dẫn đường và khả năng liên lạc tầm xa.

Mặc dù ưu tiên đầu tiên của Lầu Năm Góc là ứng dụng trong lĩnh vực quân sự nhưng Hewson cho biết, trong tương lai, công nghệ này có thể được dùng cho cả lĩnh vực dân sự.

“Công nghệ này cũng có thể mang tới các chuyến bay chở khách siêu vượt âm và thậm chí tiếp cận không gian (vũ trụ) dễ dàng hơn”, bà Hewson nói, “Tôi tự tin rằng Lockheed Martin có đủ trình độ kỹ thuật để làm được điều đó”.

Nhà thầu quốc phòng này có kế hoạch phát triển mẫu máy bay mới trong những năm 2020 và các máy bay siêu vượt âm sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động trong những năm 2030.

“Chúng tôi thực sự cảm thấy mình đã đạt được tiến bộ đáng kể trong tất cả các lĩnh vực công nghệ liên quan đến siêu vượt âm” – Rob Weiss, phó giám đốc điều hành phòng Nghiên cứu và Phát triển của Lockheed Martin nói với Defense News.


Trung Quốc nhiều lần tuyên bố thử nghiệm thành công phương tiện bay siêu vượt âm.

Trung Quốc nhiều lần tuyên bố thử nghiệm thành công phương tiện bay siêu vượt âm.

Tuy nhiên, hãng tin Sputnik (Nga) cho rằng Lockheed vẫn còn thua xa so với các công ty quốc phòng Trung Quốc. Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã tiến hành cuộc thử nghiệm lần 6 đối với phương tiện bay siêu vượt âm DF-ZF (hay WU-14).

“DF-ZF là tên lửa siêu tốc, được cho là có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ dùng tên lửa đánh chặn của Mỹ” – nhà báo Bill Gertz viết trên tờ Washington Free Beacon.

“Các cơ quan tình báo Mỹ đã theo dõi DF-ZF và cho biết, nó có tốc độ trên Mach 5 hay gấp hơn 5 lần vận tốc âm thanh” - Gertz cho hay.

Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's, tốc độ của DF-ZF nằm trong khoảng từ Mach 5 đến Mach 10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại