Kế hoạch cho MQ-1 Predator “về hưu” đã được tính đến sau khi “Tử thần” MQ-9 Reaper - có kích cỡ lớn hơn và mang những thiết bị tối tân hơn chiếc Predator - cũng của General Atomics ra mắt vào năm 2007.
Tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ do thám, trinh sát, không kích mục tiêu ở nhiều khu vực trên thế giới ngày càng tăng nên Không quân Mỹ đã tiếp tục giữ lại MQ-1 Predator thêm một thời gian.
Một chiếc MQ-1 Predator của Không quân Mỹ. Ảnh: avioners.net
Hiện tại, Không quân Mỹ đã chốt “số phận” của MQ-1 Predator là vào năm 2018 nhưng khẳng định chỉ loại bỏ máy bay còn các hệ thống điều khiển mặt đất và các thiết bị đi kèm sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng sang hỗ trợ các hoạt động của MQ-9 Reaper.
Thực tế, MQ-1 Predator là một hệ thống chứ không phải chỉ riêng một loại máy bay. Khi hoạt động sẽ bao gồm 4 máy bay không người lái, trung tâm điều khiển mặt đất, hệ thống vệ tinh truyền dẫn dữ liệu và cùng với đội bảo dưỡng được triển khai hoạt động 24/24 giờ.
Nhiều thời hạn nghỉ hưu của MQ-1 Predator đã được đưa ra nhưng năm 2018 có lẽ là hạn chót cho một trong những chiếc UAV tấn công đầu tiên trên thế giới này, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter quyết định giảm số tuyến bay tuần tra của MQ-1 và MQ-9 từ 65 xuống còn 60.
Năm 2014, Không quân Mỹ dự định đến năm 2017 sẽ loại MQ-1 Predator ra khỏi biên chế sau khi các hoạt động tác chiến của Mỹ tại Afghanistan bắt đầu giảm xuống.
Tuy nhiên, lực lượng này phải kéo dài thời hạn để tiến hành các cuộc không kích vào Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq.
Không quân Mỹ bắt đầu sử dụng MQ-1 Predator vào năm 1996 trong vai trò một máy bay do thám. Đến năm 2002, MQ-1 Predator được cải tiến và có thể mang theo tên lửa Hellfire và một số loại khác.
Từ đó, máy bay đã thực hiện nhiều chiến dịch không kích tại Afghanistan, Iraq, Yemen, Somalia… và được nhiều cơ quan an ninh của Mỹ cũng như lực lượng không quân của các quốc gia trên thế giới sử dụng.