Máy bay huấn luyện Việt Nam được bảo dưỡng như thế nào?

Chúng tôi có mặt tại Xưởng bảo dưỡng kỹ thuật, Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân đúng vào dịp đơn vị đang tiến hành thực hiện tuần bảo dưỡng mẫu.

Đây là tuần bảo dưỡng sau lễ ra quân quân huấn luyện của đơn vị và cũng là công việc khởi đầu của mùa huấn luyện bay năm 2014.

Giao nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên trong xưởng trước khi triển khai công tác bảo dưỡng

Mới hơn 9 giờ sáng mà nắng như đổ lửa đã dội xuống đường băng, hơi nóng từ đường băng hắt vào càng làm cho không khí của nhà ga thêm ngột ngạt, oi nồng. Dưới cánh máy bay, các nhân viên kỹ thuật vẫn cần mẫn tranh thủ từng giờ, từng phút để thực hiện các nội dung của công việc. Thượng uý CN Nguyễn Trọng Tôn, kỹ thuật trưởng đang cùng với anh em bộ phận tháo đuôi và “tuốt động cơ” của chiếc máy bay để bảo dưỡng. Khi được hỏi, anh vui vẻ cho biết: Thông thường chiếc máy bay được chọn làm bảo dưỡng mẫu, ngoài thực hiện các nội dung theo đúng quy trình công nghệ, các loại sổ sách, lý lịch máy bay cũng được tổ trưởng theo dõi, đăng ký chặt chẽ, bảo đảm máy bay ra xưởng là tuyệt đối an toàn.

Máy bay huấn luyện L -39 của Không quân nhân dân Việt Nam

Được biết, phần lớn máy bay của đơn vị đã qua nhiều năm sử dụng và qua sửa chữa, tăng hạn nhiều lần, nhưng việc quản lý khai thác luôn được cán bộ, nhân viên kỹ thuật của đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt, chặt chẽ theo quy trình hướng dẫn của trên, đặc biệt là các quy định thống nhất sử dụng máy bay do nhà máy chế tạo quy định. Vì vậy, bình quân hằng năm ngành kỹ thuật bảo dưỡng khoảng trên dưới 30 lần chiếc máy bay dưới dạng 200 giờ; 100 giờ và 50 giờ cũng như thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi động cơ, thay càng, sửa chữa các thiết bị lẻ... nhưng vẫn bảo đảm an toàn không để xảy ra sai sót làm ảnh hưởng đến tiến độ huấn luyện bay của đơn vị.

Đến Phân xưởng trưởng Vô tuyến điện tử, chúng tôi được Đại uý CN Nguyễn Đăng Thơ, Phân xưởng trưởng giới thiệu một số quy trình bảo dưỡng hệ thống liên lạc của máy bay, trong đó có các đài PKL-41, PB-5; P 832…. Anh cho biết: Là người làm công tác kỹ thuật, nhất là công tác bảo dưỡng định kỳ máy bay phải luôn luôn coi trọng việc kiểm tra, kiểm soát các nội dung công việc. Trong quá trình bảo dưỡng nếu không kiểm tra kỹ, bảo dưỡng đúng quy trình, hệ thống làm việc sai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác kỹ thuật cũng như các bài bay của phi công. Đó là chưa kể hệ thống liên lạc đối không bị mất tín hiệu thì hậu quả xảy ra còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Nhân viên kỹ thuật kiểm tra hệ thống liên lạc trước khi lắp lên máy bay

Thiếu tá Đặng Hải Quỳnh, Chính trị viên Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật hàng không cho biết: Hàng năm căn cứ vào Nghị quyết của trên, Đảng uỷ Tiểu đoàn đã kịp thời chỉ đạo cho cấp ủy, chi bộ xưởng bảo dưỡng kỹ thuật ra nghị quyết chuyên đề về công tác kỹ thuật, bảo đảm tính chủ động trong công việc và từng bước khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ của các loại vũ khí trang bị, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong đơn vị nhất là các kĩ sư trẻ, cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao…đồng thời có hình thức động viên khen thưởng kịp thời nhằm khơi dậy lòng say mê sáng tạo trong sáng kiến, cải tiến và sửa chữa các thiết bị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện bay của Trung đoàn..

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, trong những năm qua ngành kỹ thuật Trung đoàn 910 đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn giỏi, luôn phát huy tinh thần tự lực tự cường, chủ động trong quản lý khai thác sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, thường xuyên gắn bó với đơn vị và có ý chí quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nói như Đại uý Trần Văn Khoan, Chủ nhiệm kỹ thuật Trung đoàn: Một khi tất cả cán bộ nhân viên kỹ thuật đã làm chủ được vũ khí trang bị và có ý chí phấn đấu không ngừng vươn lên, có tinh thần kỷ luật cao thì nhiệm vụ nào đơn vị cũng hoàn thành.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại