Máy bay chiến đấu TQ “chất lượng siêu tốt, giá siêu… đồng nát”

Thắng Nam |

Tiêm kích JF-17 Thunder - sản phẩm hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan tại triển lãm Paris Air Show 2015 đã tìm được khách hàng đầu tiên.

Trung Quốc mơ bán được 200 - 300 chiếc Kiêu Long

Ngày 15/6 vừa qua, tiêm kích JF-17 Thunder - sản phẩm hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan đã lần đầu hiện diện tại Triển lãm hàng không Paris (Paris Air Show 2015). Theo tin của “The Diplomat” Nhật Bản, chiếc máy bay giá bèo này đã tìm được khách hàng đầu tiên.

Trong buổi trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, chuyên gia quân sự nước này là ông Đỗ Văn Long đã ca ngợi JF-17 “giá quá rẻ, chất lượng quá cao”, nên việc tìm được khách hàng ngoại quốc đầu tiên là điều dễ hiểu.

Theo ông này, hiện JF-17 có giá vào khoảng 8 triệu USD, chỉ bằng 1/15 mức giá chiến đấu cơ Rafale của Pháp mà tính năng chẳng kém gì.

Ngoài ra, loại máy bay này có thể được điều chỉnh tính năng theo yêu cầu của khách hàng, có thể nói rằng tương lai của nó trên thị trường xuất khẩu vũ khí là rất xán lạn.

Chuyên gia họ Đỗ cho biết, chiếc “Kiêu Long” là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn công nghệ hàng không Trung Quốc và Liên hiệp chế tạo hàng không Pakistan (Pakistan Aeronautical Complex).

Phía Trung Quốc định danh là FC-1 (Fighter China-1), còn biên chế trong không quân Pakistan với tên gọi JF-17 Thunder.

FC-1 được xếp vào loại tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 3, là loại máy bay 1 động cơ, 1 chỗ ngồi được nghiên cứu phát triển với mục đích thiên về không chiến nhưng cũng có tính năng tấn công mặt đất khá tốt. Nó có khả năng tác chiến cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.

Phát biểu tại Triển lãm hàng không Paris, Chủ tịch công ty xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc Dương Ưng cho biết, hiện có rất nhiều khách hàng bày tỏ sự quan tâm và đã có một số đặt mua Kiêu Long.

Ông Dương tin tưởng, trong vòng 5 - 10 năm nữa công ty sẽ xuất khẩu được từ 200 - 300 chiếc máy bay loại này.

Ông Đỗ Văn Long nói thêm, Kiêu Long là loại máy bay “dễ chế tạo, dễ mua sắm, dễ sử dụng” và có thể bị thiệt hại trong chiến tranh “mà không thấy tiếc”.

Ngoài ra, nó cũng không bao hàm những công nghệ quá tiên tiến, khó nắm bắt. Nói tóm lại là rất phù hợp với những nước nhỏ và vừa.

Máy bay chiến đấu JF-17 của không quân Pakistan và dàn vũ khí bao gồm: Tên lửa chống hạm C-802AK, bom LS-6, tên lửa chống bức xạ CM-102 tại Paris Air Show 2015
Máy bay chiến đấu JF-17 của không quân Pakistan và dàn vũ khí bao gồm: Tên lửa chống hạm C-802AK, bom LS-6, tên lửa chống bức xạ CM-102 tại Paris Air Show 2015

Máy bay chiến đấu siêu tốt, giá siêu bèo

Vị chuyên gia quân sự Trung Quốc còn cho rằng, loại máy bay này tiềm tàng khả năng cải tiến công nghệ, thay đổi tính năng tác chiến.

Ông này còn dẫn lời một chuyên gia quân sự Pakistan ca ngợi “chỉ cần chúng tôi cần là người Trung Quốc có thể biến lạc đà thành gấu trúc và ngược lại”.

Theo các chuyên gia quân sự, giá quá rẻ là lợi thế lớn nhất của loại máy bay này. Những khách hàng nghèo không thể không đắn đo khi số tiền mua 1 chiếc Rafale có thể sắm được 15 chiếc Kiêu Long, hay cân nhắc lựa chọn giữa 1 chiếc MiG-29 và vài chiếc FC-1.

Quả thực mức giá 8 triệu USD của FC-1 và ngay cả mức 15 - 20 triệu của J-10 làm người ta không khỏi kinh ngạc, thậm chí có người đã nói đùa rằng máy bay chiến đấu làm bằng… bìa các tông nên mới rẻ như thế.

Đơn cử như giá của FC-1 chỉ cao gấp chưa tới 3 lần động cơ của nó là RD-93. Đây là phiên bản xuất khẩu của loại động cơ RD-33 dùng trên MiG-29 của Nga và hiện đang được lắp đặt trên nguyên mẫu thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Trung Quốc là J-31.

Từ năm 2005, Trung Quốc đã mua được 100 động cơ RD-93 của Nga với giá 238 triệu USD, sau đó tiếp tục đặt mua 500 động cơ RD-93 loại cải tiến và ngỏ ý muốn tiếp tục mua thêm 1.000 chiếc nữa với giá hơn 3 triệu USD/bộ.

Động cơ đã có giá hơn 3 triệu USD, tức là tất cả các cấu kiện còn lại của chiếc máy bay này chỉ có giá chưa tới 5 triệu USD.

Đây là chi phí quá rẻ, không thể tin nổi đối với các nhà sản xuất hàng không của những quốc gia khác. Có chuyên gia cho rằng, nếu sản xuất và bán với mức giá của Trung Quốc thì họ chỉ có lỗ.

Các trang bị xuất khẩu của Trung Quốc được ca ngợi là tiên tiến hàng đầu thế giới, được bán với giá “đồng nát” trong khi linh kiện vẫn phải nhập ngoại. Nếu bán với giá đó mà vẫn có lãi thì không rõ vũ khí Trung Quốc được chế tạo bằng nguyên, vật liệu gì? Chất lượng ra sao?

Tiêm kích JF-17
Tiêm kích JF-17

JF-17 có chiều dài 14,97 m; cao 4,77 m; sải cánh 9,46 m; trọng lượng cất cánh tối đa 12,7 tấn. Máy bay trang bị một động cơ turbine phản lực cánh quạt đẩy RD-93 cho phép đạt tốc độ tối đa Mach 1,8, hành trình tối đa 1.500 km, trần bay 16,7 km.

JF-17 được thiết kế với 7 giá treo, có thể mang 3,6 tấn vũ khí cho nhiệm vụ tấn công tiêu diệt mục tiêu trên không, trên đất liền và mặt biển.

Để thực hiện nhiệm vụ đối không, JF-17 Thunder sẽ mang theo tên lửa không đối không tầm ngắn PL-5E (tầm bắn 18 km), PL-9C (22 km) và tên lửa đối không tầm xa PL-12 (tầm bắn 70 -100 km).

Trong nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất, JF-17 sẽ mang bom dẫn đường quang điện H-2/H-4, bom liệng dẫn đường vệ tinh “Lôi Thạch-6” (LS-6), bom dẫn đường laser “Lôi Đình-2” (LT-2) và các loại bom, rocket không điều khiển.

Đối với tác chiến chống mục tiêu mặt nước, JF-17 mang tên lửa hành trình chống tàu C-802A (tầm bắn 180 km) hoặc C-803 (tầm bắn 255 km). Ngoài ra, loại máy bay này còn có thể mang tên lửa chống bức xạ CM-102.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại