Trung Quốc cần nhìn gương Argentina
Tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review (trụ sở tại Canada) số ra tháng Ba nhận định, không có gì to tát nếu Trung Quốc sở hữu 3 tàu sân bay trong 10 năm tới, sau khi bổ sung thêm 2 tàu nữa ngoài Liêu Ninh – tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc cho tới nay.
Khi đó, Mỹ sẽ vẫn duy trì lợi thế đáng kể về số lượng, với hạm đội gồm 11 tàu sân bay hạt nhân, mặc dù vấn đề lớn hơn đối với Trung Quốc là Hải quân Mỹ sẽ luôn chiếm ưu thế về hoạt động và kỹ thuật trong bất cứ cuộc đối đầu tàu sân bay nào.
Tàu sân bay Veinticinco de Mayo đã trở thành gánh nặng của Hải quân Argentina trong cuộc chiến với Anh.
Theo Kanwa, tình huống giữa 2 phía sẽ tương tự như cuộc chiến Falkland giữa Argentina và Anh vào năm 1982.
Cuộc xung đột kéo dài 74 ngày, trong đó Anh đã tái chiếm Falkland, sau khi Argentina xâm nhập và chiếm đóng quần đảo.
Trong cuộc chiến, tàu sân bay ARA Veinticinco de Mayo ít nhiều đã trở thành một gánh nặng đối với Argentina bởi khoảng cách khá lớn trong năng lực và kinh nghiệm tác chiến của nó.
Phía Anh đã triển khai ít nhất 2 tàu ngầm hạt nhân – mối đe dọa lớn đối với các tàu sân bay.
HMS Conqueror, một chiếc trong số này, đã đánh chìm tàu tuần dương hạng nhẹ General Belgrano của Argentina.
Sau đó, các tàu còn lại của hạm đội Argentina đã quay về cảng và để lực lượng đặc nhiệm Anh nắm quyền kiểm soát thế trận hải quân trong suốt phần còn lại của cuộc xung đột.
Kanwa cho hay, quân đội Anh chiến thắng vì đã bảo vệ các tàu sân bay tốt hơn và lợi dụng được điểm yếu thiếu năng lực tác chiến chống ngầm của Argentina.
Anh cũng có nhiều kinh nghiệm hoạt động hơn và có khả năng tấn công dồn dập từ trên không – điều rất nguy hiểm đối với các tàu sân bay trong tác chiến hiện đại.
Kanwa nhận định, nếu Trung Quốc đối đầu với Mỹ trong một cuộc xung đột hải quân ngày nay, Liêu Ninh sẽ trở nên vô dụng, như tàu sân bay ARA Veinticinco de Mayo.
Đừng dại đối đầu với Mỹ!
Theo Kanwa, Mỹ đã có gần 90 năm kinh nghiệm với các nhóm tác chiến tàu sân bay, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Mặc dù có những tiến bộ chóng mặt nhưng khả năng chống ngầm và kỹ thuật bảo vệ tàu sân bay của Trung Quốc vẫn đi sau Mỹ và Nhật Bản 10 năm, thậm chí là 20 năm.
Máy bay chống ngầm của Trung Quốc thua kém máy bay chống ngầm của Mỹ và Nhật Bản nhiều hơn một thế hệ, nếu xét về công nghệ.
Máy bay chống ngầm P-3C của Nhật Bản...
... và P-8A của Mỹ
Nhật Bản hiện có hơn 80 máy bay chống ngầm P-3 Orion, còn Mỹ vận hành những máy bay tuần thám P-8A tiên tiến hơn.
Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có 2 chiếc máy bay chống ngầm Y-8GX6 hay Gaoxin-6.
Thêm vào đó, các tàu sân bay của Mỹ có thể mang 5-8 máy bay săn ngầm S-3B và 5-8 trực thăng săn ngầm SH-60F/R. Còn Trung Quốc chỉ mới bắt đầu thử nghiệm trực thăng săn ngầm Z-18 cuối tháng Bảy năm ngoái.
Dưới mặt nước, Mỹ có 61 tàu ngầm hạt nhân, Nhật Bản có 16 tàu ngầm động cơ thông thường. Tất cả các tàu ngầm này đều được trang bị tên lửa chống tàu tầm xa.
Trên không, trong 30 năm tới, Mỹ sẽ chuyển sang trang bị các tiêm kích F-35C/B tiên tiến, với khả năng tàng hình tốt hơn và khả năng tấn công tầm xa vượt trội bất cứ máy bay chiến đấu nào của Trung Quốc.
Mỹ có nhiều loại tên lửa chống tàu khác nhau, gồm tên lửa AGM-158 tầm bắn 370 km, AGM-154 tầm bắn 130 km, AGM84H/K tầm bắn 270 km.
Ngoài ra, Washington cũng đang trong quá trình phát triển tên lửa chống tàu có thể bắn trúng mục tiêu cách xa gần 1.000km.
Trong một cuộc tấn công dồn dập trên không, Mỹ có thể phóng hơn 100 đầu đạn trong vòng 1 phút, khiến không hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện tại có thể chống đỡ được.
Kanwa cho rằng, bước đi duy nhất cho Trung Quốc trong cuộc xung đột hải quân với Mỹ là tránh một trận chiến tàu sân bay.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc quân đội Trung Quốc cần cải thiện đáng kể năng lực phòng không và chống ngầm, cũng như tăng cường hỏa lực đất đối không và số lượng máy bay chiến đấu của nước này.