Mạng lưới phòng không “khủng” của Mỹ trong Thế chiến 2 (P2)

Anh Dũng |

(Soha.vn) - Cuối những năm 1930, Hải quân Mỹ đã bắt đầu tìm kiếm một loại vũ khí có sức công phá lớn để thay thế những khẩu đại liên Browning quá “khủng” về trọng lượng.

Mạng lưới phòng không “khủng” của Mỹ trong Thế chiến 2 (P1)

Trước hết, Hải quân Mỹ quan tâm đến pháo tự động Oerlikon của Thụy Sỹ. Sau khi tiến hành các thử nghiệm so sánh, ngày 9/11/1940 Hải quân Mỹ đã đưa Oerlikon vào trang bị. 

Oerlikon là vũ khí phòng không được Hải quân Mỹ sử dụng rộng rãi nhất nhờ việc dễ sử dụng và tốc độ bắn tương đối cao. Trong tổ hợp tác chiến của pháo 20mm Oerlikon sử dụng các loại đạn nổ mảnh (9g TNT), vạch đường (4g TNT và phần tử phát sáng), cháy (4g TNT và 3g phốt pho trắng), xuyên thép (4g Detonit), xuyên thép-cháy (phốt pho trắng). Trọng lượng đạn dao động từ 124 - 130g, vận tốc đầu nòng 835 - 870 m/s, độ cao đạt được đến 2.500m.

Pháo phòng không 20mm là “tuyến phòng thủ cuối cùng” mà Mỹ sử dụng để chống lại các phi đội máy bay cảm tử của Nhật Bản đã xuyên thủng lưới bảo vệ của các phi đội tiêm kích và dàn hỏa lực của các hệ thống pháo phòng không tầm xa. Đến giai đoạn cuối chiến tranh, trên các thiết giáp hạm và tàu sân bay hạng nặng, số lượng pháo Oerlikon được trang bị lên đến hàng trăm khẩu. Tuy nhiên, thời điểm này Oerlikon không còn đủ sức đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ do sức công phá của đạn 20mm không đủ mạnh để có thể ngăn chặn được các phi đội máy bay cảm tử của Nhật Bản. 

Với số lượng hạn chế (tất cả 110 xe), Mỹ đã đưa vào trang bị cho lục quân xe pháo tự hành T10 với hệ thống pháo nòng kép Hispano-Suiza HS.404. Tuy nhiên, Lục quân Mỹ lại không sử dụng rộng rãi bởi đạn 20mm không phải là cỡ đạn chuẩn và nó không có những ưu thế vượt trội so với bệ súng 4 nòng 12,7mm. Ngoài ra, việc sản xuất pháo Hispano vẫn còn nhiều hạn chế.

Đầu những năm 20 thế kỷ trước, John Browning đã chế tạo pháo tự động 37mm. Sau khi ông chết năm 1926, tiến trình đưa hệ thống này vào trang bị cũng bị “đóng băng”. Theo kế hoạch, hệ thống này được đưa vào trang bị năm 1927, tuy nhiên thực tế mãi đến năm 1938 mới triển khai sau khi cải tiến chân giá pháo.

Pháo phòng không 37mm cải tiến có tên gọi là M1A2, trọng lượng bệ pháo trong trạng thái chiến đấu là 2778 kg, tốc độ bắn kỹ thuật 120 phát/phút, trọng lượng đạn nổ mảnh 595g. Vận tốc đầu nòng 850 m/s, cự ly bắn mục tiêu trên không 3.200m. Điểm hạn chế của pháo phòng không 37mm là khó có thể tiêu diệt máy bay bay với tốc độ nhanh. 

Hệ thống pháo phòng không hỗn hợp trên khung gầm xe bọc thép chở quân M3 được trang bị pháo tự động 37mm M1A2 và 2 súng máy với hệ thống làm mát bằng nước 12,7mm có tên gọi là T28E1. Hệ thống này được sản xuất với số lượng 80 xe.

Pháo phòng không tự hành M15 khác với T28E1 là có tổ hợp bảo vệ vũ khí bọc thép xung quanh. M15 được sản xuất với số lượng 680 hệ thống. Pháo tự hành M15A1 trên khung gầm xe bọc thép chở quân M3A1 thực tế tương tự M15 với việc thay đổi kết cấu bệ pháo hỗn hợp và lắp đặt trên rơ-moóc khác. М15А1 có hình dạng thấp và trọng lượng nhỏ hơn M15. Số lượng М15А1 được sản xuất là 1.652 xe, trong đó hàng trăm chiếc được cung cấp cho Liên Xô.

Lần đầu tiên các nhà quân sự Mỹ được làm quen với pháo phòng không 40mm Bofors L60 vào ngày 28/8/1940 trong thời gian thử nghiệm 2 phiên bản mua của Thụy Điển và giới thiệu phiên bản pháo hải quân trên pháo hạm HNLMS Kinsbergen của Hà Lan. Tuy nhiên, phiên bản Bofors của Thụy Điển không đáp ứng được yêu cầu của các chuyên gia Hải quân Mỹ về độ tin cậy kỹ thuật và không phù hợp để sản xuất hàng loạt tại Mỹ. 

Các kỹ sư Mỹ đã đưa vào nhiều thay đổi về kết cấu pháo và đạn pháo để thích ứng sản xuất hàng loạt và phù hợp các yêu cầu hiện tại như thay hệ thống làm mát bằng nước và bổ sung hệ thống dẫn động điện để xoay bệ pháo nhanh hơn. Phiên bản chính thức Bofors của Mỹ là 40mm Automatic Gun. 

Số lượng lớn hệ thống pháo phòng không 1, 2, 4 và 6 nòng đã được sản xuất cho Hải quân Mỹ, trong đó bao gồm cả hệ thống được trang bị thiết bị dẫn đường bằng radar. Nhà sản xuất hệ thống pháo 40mm cho Hải quân Mỹ là các xí nghiệp thuộc Tập đoàn Chrysler. Tại đây đã sản xuất được 6.0000 khẩu pháo và 120.000 nòng pháo. Các chuyên gia Hải quân Mỹ đánh giá đây là vũ khí phòng không tốt nhất trong Thế chiến thứ 2. 

Quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng phổ biến Bofors L60 vào năm 1942 sau khi các xí nghiệp Mỹ sản xuất hàng loạt theo đơn đặt hàng của Anh năm 1941. Tổ hợp các tài liệu công nghệ do Anh cung cấp cũng đã giúp Mỹ đẩy nhanh tiến trình sản xuất pháo phòng không. Tuy nhiên, thực tế giấy phép sản xuất loại pháo này Mỹ nhận được từ Công ty Bofors sau khi tiến hành sản xuất hàng loạt.

Ngoài các phiên bản kéo, Mỹ còn sản xuất một số phiên bản tự hành. Tại Mỹ, Bofors được lắp đặt trên khung gầm xe ô tô vận tải 2,5 tấn cải tiến GMC CCKW-353. Ngoài các phiên bản chính, còn có các phiên bản được sử dụng làm nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực và chống lại các loại thiết bị kỹ thuật bọc thép hạng nhẹ. Đạn xuyên thép của pháo 40mm có thể xuyên thủng vỏ thép đồng nhất dày đến 50mm ở cự ly 500m.

Kinh nghiệm tác chiến chỉ ra sự cần thiết phải có hệ thống phòng không tự hành lắp đặt trên khung gầm xe chiến đấu để theo dõi các binh đoàn bộ binh cơ giới và thực hiện chức năng phòng không. Việc thử nghiệm các xe này được tiến hành vào mùa xuân năm 1941 tại Thao trường xe tăng Aberdeen. Hệ thống phòng không tự hành với tên gọi phổ biến M19 sử dụng khung xe tăng hạng nhẹ M24. Vũ khí chính của M19 là 2 pháo phòng không 40mm được lắp đặt trên bệ xoay. Việc điều khiển tháp xoay và phần dao động của pháo được thực hiện dưới sự hỗ trợ của bộ phận dẫn động điện thủy lực với việc điều khiển bằng tay. Sơ tốc của đạn pháo phòng không 874 m/s, cự ly bắn tối đa 6.900m. Tuy nhiên, việc hoàn thiện xe đã bị trì hoãn. Các mô hình hệ thống phòng không tự hành M19 chỉ bắt đầu được trang bị vào năm 1945 và thực tế đã không tham gia tác chiến thực.

Súng máy Browning M1917 khai hỏa

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Bạn là người yêu màu xanh áo lính, bạn có đam mê tìm hiểu các loại vũ khí - khí tài trang thiết bị quân sự cũng như chiến thuật - chiến lược - chiến sử của quân đội các nước trên thế giới và muốn có nơi để thể hiện những hiểu biết của mình.

Hãy gửi bài cho chúng tôi theo địa chỉ [email protected] Chúng tôi sẽ duyệt để đăng tải và trả nhuận bút cho bạn trong vòng 24 giờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại