Pakistan và Trung Quốc trước đó đã đưa ra công bố tương tự tại Triển lãm Hàng không Paris vào đầu năm nay. Trung Quốc hướng loại phi cơ chiến đấu này cho những quốc gia đang cần một loại máy bay có chi phí thấp.
Máy bay JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan phối hợp sản xuất.
“Sau nhiều năm hợp tác phát triển và quảng bá, Trung Quốc và Pakistan đã ký hợp đồng với một khách hàng nhằm cung cấp máy bay JF-17 Thunder”, hãng AVIC thông báo.
“Trung Quốc và Pakistan đang ngày càng nâng cao kỹ năng trong việc chế tạo JF-17 Thunder, và máy bay đã trở thành một sự thay thế lý tưởng đối với các phi cơ thế hệ thứ hai của không quân nhiều nước trên thế giới”.
Mặc dù được coi là đối tác phát triển, Pakistan cũng là khách đầu tiên và duy nhất của máy bay JF-17, hiện không được sử dụng trong Không quân Trung Quốc.
JF-17 thay thế một loạt các loại phi cơ đã có tuổi của Islamabad, bao gồm Chengdu F-7, Mirage III, Mirage V và A-5 Fatan, đồng thời phối hợp hoạt động với các máy bay Lockheed Martin F-16 hiện có.
Theo AVIC, Phó Chỉ huy Không quân Pakistan Arshad Malik cho biết nước này hiện có 60 chiếc JF-17 và trong tương lai họ sẽ mua thêm 40 chiếc nữa. Ông Malik nói rằng các mẫu JF-17 mới sẽ được nâng cấp để có thể được tiếp liệu trên không.
Ngoài ra máy bay cũng được trang bị hệ thống thu thập dữ liệu, hệ thống chiến tranh điện tử và nhiều loại vũ khí chính xác mới. Ông Malik nói rằng một phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi của JF-17 dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào năm tới.
Máy bay JF-17, là một mẫu phi cơ chiến đấu có giá rẻ đơn thuần. Nó được trang bị động cơ Klimov RD-93, giúp máy bay có thể đạt tốc độ tối đa là Mach 1,6.
Máy bay sử dụng tên lửa PL-9C, khiến khả năng chiến đấu của nó trong các tình huống không chiến là khá tốt. Bên cạnh đó, trên máy bay có radar KLJ-7 cho phép phi công có thể dễ dàng quan sát tình hình.
Các phiên bản sau này của máy bay cho phép nó có thể được tiếp liệu trên không và hệ thống điện tử buồng lái được nâng cấp.
Mới đây Trung Quốc tiếp tục phát triển một mẫu JF-17 mới được lắp đặt hệ thống rađa điện tử quét mạng pha hiện đại, thiết bị định hướng gắn trên mũ đội đầu, thiết bị tìm kiếm bằng tia hồng ngoại cùng một loạt vũ khí mới.
Loại máy bay này cũng sẽ thay thế động cơ RD-93 của Nga bằng động cơ Guizhou WS-13 do Trung Quốc sản xuất.
Mặc dù Trung Quốc liên tục cải tiến JF-17, nó sẽ không bao giờ là máy bay lợi hại nhất. Nó vốn được thiết kế dành cho các nước đang phát triển, và khả năng chiến đấu của nó vừa đủ mà lại không tốn quá nhiều chi phí.
Tuy nhiên, JF-17 được chế tạo với số lượng lớn và có thể cạnh tranh với tất cả các loại máy bay thế hệ thứ hai. Có thể coi loại máy bay chiến đấu này của Trung Quốc là một thành công, nếu trong tương lai sẽ có nhiều nước hỏi mua chúng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.