Sau khi hứng chịu vô vàn những lời chỉ trích, chương trình tiêm kích F-35 trị giá 400 tỷ USD của Mỹ tiếp tục nhận thêm "rổ gạch đá" khi có blog quân sự gần đây đăng tải bản báo cáo của một phi công quân sự thử nghiệm về khả năng không chiến của F-35.
F-35 "chết chắc" nếu không chiến
Trong bản báo cáo này, người phi công cho rằng F-35 không đạt được khả năng chiến đấu như kỳ vọng.
"Phi công thử nghiệm thừa nhận F-35 không có khả năng không chiến" - dòng tiêu đề của bài viết trên trang mạng War is boring nhấn mạnh - "Tiêm kích tàng hình mới chết chắc nếu không chiến".
Trong nhiều năm qua, F-35 được xem là một sự lãng phí của chính phủ Mỹ, bởi tình trạng chậm trễ nhiều năm so với dự kiến và vượt ngân sách hàng tỷ USD.
Thượng nghị sĩ John McCain gọi đây là "một trong những bê bối lớn của nước Mỹ", những người khác thậm chí chế nhạo F-35 là "chiếc máy bay ăn thịt Lầu Năm Góc".
Năm ngoái, một chiếc F-35 gặp vấn đề về động cơ đã buộc Lầu Năm Góc tạm ngừng bay toàn bộ phi đội máy bay này.
Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, không thể phủ nhận rằng chương trình này cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây, như dần ổn định chi phí và đạt được một số mốc thời hạn quan trọng.
Tháng trước, Thủy quân lục chiến Mỹ đã thử nghiệm thành công F-35 trên tàu đổ bộ.
Mới đây nhất, F-35 đã thực hành cất cánh trên boong phóng theo kiểu nhảy cầu – loại đang được sử dụng trên các tàu sân bay của Anh và Italia.
Cuối tháng này, Thủy quân lục chiến Mỹ có thể sẽ tuyên bố F-35 đã sẵn sàng chiến đấu. Đây sẽ là một cột mốc rất quan trọng trong chương trình.
Tiêm kích F-35 (trên) dù hiện đại nhưng không thắng nổi tiêm kích F-16 cũ kỹ (dưới)
Song, viên phi công thử nghiệm F-35 trong trận đấu với F-16 lại có một trải nghiệm khác:
Theo đó, trận diễn tập không chiến được thực hiện gần căn cứ không quân Edwards của Mỹ nhằm kiểm tra khả năng cận chiến trên không của F-35 ở độ cao từ 3.000 mét tới 9.000 mét.
Trong đó, phi công của cả chiếc F-35 và F-16 được phép sử dụng các loại vũ khí để “bắn hạ” lẫn nhau.
Tuy nhiên, F-35 được cho là có màn thể hiện “tồi tệ” đến mức hoàn toàn không phù hợp để không chiến với máy bay khác trong cự ly gần.
Viên phi công nhận định:
F-35 do hãng Lockheed Martin chế tạo này “thua xa đối thủ về khả năng cơ động” trong mỗi lần chạm trán cùng chiếc F-16, mặc dù chiếc F-16 này đã phải mang thêm 2 thùng dầu phụ để tăng thời gian hoạt động trên không, khiến trọng lượng của nó tăng lên đáng kể.
F-35 gặp nhiều vấn đề về khí động học, đặc biệt là ở phần mũi máy bay khi vọt lên, khiến nó trở nên vụng về, chậm chạp trong việc né tránh hỏa lực của máy bay địch.
Tốc độ tối đa của F-35 là 1.930 km/h, đồng nghĩa với việc nó sẽ không thể chạy thoát được nếu bị một chiếc F-16 với vận tốc tối đa 2.120 km/h đuổi theo.
Chưa hết, chiếc mũ bảo hiểm (của F-35) còn quá cồng kềnh so với không gian chật hẹp bên trong buồng lái, khiến phi công gặp trở ngại khi quan sát phía sau máy bay.
Lý do "khó đỡ"
Hiện tại, sau nhiều năm báo chí không tiếc lời chỉ trích chương trình vũ khí đắt nhất trong lịch sử của quân đội Mỹ, Văn phòng chương trình F-35 của Lầu Năm Góc và Lockheed Martin đã xây dựng những đội ngũ phản ứng nhanh để kịp thời bảo vệ sản phẩm của mình.
Và họ đã không để lãng phí chút thời gian nào bởi bài viết trên trang War is Boring đang lan tỏa nhanh chóng trong giới quân sự.
Trong email gửi tới các phóng viên sáng 1/7, họ nói rằng bản báo cáo của viên phi công thử nghiệm "đã không tường thuật đầy đủ câu chuyện" về trận không chiến giả định giữa F-35 và F-16, bởi khi đó, F-35 không được trang bị những tính năng mang lại cho nó lợi thế.
Họ không tranh luận về tính xác thực trong lời nhận xét của viên phi công mà cho biết đang điều tra xem bằng cách nào tài liệu "dành riêng cho cơ quan chức năng" này lại bị rò rỉ.
Lầu Năm Góc lý giải rằng, F-35 thua F-16 là do chưa được trang bị các cảm biến, phần mềm mang lại cho nó lợi thế.
Theo các quan chức Lầu Năm Góc, chiếc F-35 mà viên phi công thử nghiệm điều khiển chưa có lớp phủ đặc biệt, giống như một chiếc “áo choàng vô hình” giúp nó tàng hình trước radar đối phương.
F-35 lúc này cũng chưa có các cảm biến cho phép nó phát hiện máy bay đối phương trước khi bị phát hiện.
Chiếc F-35 cũng “chưa được trang bị các loại vũ khí hay phần mềm cho phép phi công ngắm bắn và tấn công mà không cần hướng máy bay thẳng về phía mục tiêu.
Bên cạnh đó, theo Thiếu tướng Không quân Jeffrey L. Harrigian, cơ động chưa bao giờ là thuộc tính chủ đạo của F-35.
Thế mạnh của nó là khả năng tàng hình, khả năng “hoạt động trong những môi trường tiềm ẩn nhiều mối đe dọa mà F-16 không thể sống sót”.