Võ mồm không dọa được ai
Người nói ra câu này là Tan Weihong, Lữ đoàn trưởng thuộc Binh chủng Pháo binh số 2 (SAC) - Lực lượng tên lửa chiến lược của Quân đội Trung Quốc (PLA).
Trên thực tế, mối đe dọa cùng với khả năng tấn công tàn phá tiềm ẩn của SAC nhằm buộc đối phương “khiếp sợ” mà phải đầu hàng cũng từng là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và nhiều chuyên gia quân sự thế giới.
Nhưng liệu viễn cảnh “bi đát” này có ảnh hưởng tới những biến động chiến lược ở khu vực? Hơn 1.000 tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Trung Quốc có thể giúp nước này đè bẹp đối phương?
Soi rọi bằng thực tiễn lịch sử và lấy Đài Loan làm đối tượng tác chiến giả định, Joshua Shapiro, chuyên gia cao cấp của Trường nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Mỹ (American University) có trụ sở ở Washington lập luận rằng, tham vọng đó của Trung Quốc chỉ là một ảo tưởng ấu trĩ và vô căn cứ.
Shapiro nhận định, ở một mức độ nào đó, SAC có thể bộc lộ mối đe dọa chiến thuật với các căn cứ quân sự hoặc cơ sở hạ tầng rộng lớn nhưng thiếu khả năng giành chiến thắng chiến lược nhanh chóng trong bất kỳ tình huống xung đột nào.
Lịch sử chứng minh Trung Quốc sẽ thất bại
Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, Đức đã không thể buộc Anh phải đầu hàng, bất chấp các cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường ồ ạt dội xuống London. Nhật Bản từng chứng kiến 67 thành phố bị tàn phá bởi 503.000 tấn bom đạn, khiến 500.000 người thiệt mạng và 5 triệu người khác phải ly tán. Hứng chịu những chiến dịch ném bom kéo dài và tàn phá như vậy nhưng không quốc gia nào đầu hàng cho đến khi họ phải đối mặt với thất bại hoàn toàn sau nhiều năm giao tranh bằng vũ lực đấu vũ lực.
30 năm sau đó, Mỹ và liên minh đã huy động 864.000 tấn đạn dược cho các chiến dịch ném bom chiến lược nhằm đưa Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá” nhưng người Việt Nam vẫn tiếp tục kiên cường kháng chiến và cuối cùng đã giành chiến thắng.
Gần đây nhất, ngay cả với sự ra đời của vũ khí dẫn đường chính xác, lực lượng ném bom chiến lược cũng không thể mang lại chiến thắng trong các Chiến dịch Bão táp sa mạc, Tự do Bền vững và Tự do cho Iraq. Cả hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và lần thứ hai chỉ giành được chiến thắng sau khi đã làm tê liệt các lực lượng quân sự Iraq khiến họ khó có thể hoặc không thể kháng cự.
Chỉ xứng là hổ giấy
Trong lý thuyến quân sự thế giới có một khái niệm gọi là “cưỡng bức quân sự” (military coercion). Đây là một phương pháp được các quốc gia sử dụng để gây ảnh hưởng đến hành vi và thái độ của đối phương bằng cách thay đổi cán cân được – mất trong việc duy trì tình hình nguyên trạng. Cưỡng bức quân sự tìm cách thuyết phục quốc gia mục tiêu phải ngầm chấp nhận yêu cầu của bên cưỡng bức ngay trong lúc vẫn có khả năng tổ chức kháng cự chống lại bên cưỡng bức.
Mục tiêu chiến lược chính của Trung Quốc trong cuộc xung đột xuyên Eo biển là tái thống nhất hoàn toàn Đài Loan. Rất có thể Trung Quốc sẽ cố gắng thực hiện mục tiêu này thông qua cưỡng bức quân sự thay vì chinh phục quân sự, do tính bất khả thi về một cuộc xâm lược đổ bộ và tấn công từ trên không.
Nhưng muốn thành công, cưỡng bức quân sự phải tiêu diệt được khả năng quân sự của mục tiêu để họ không còn đủ sức kháng cự. Tuy nhiên, với Đài Loan, một chiến dịch tấn công thông thường sẽ không thể đạt được mục tiêu này.
Một mẫu chiến đấu cơ F-16 của Mỹ trưng bày tạy Trung tâm thượng mại thế giới Đài Bắc nhân dịp khai trương Triển lãm Công nghệ hàng không vũ trụ và phòng vệ tại Đài Loan.
Số lượng tuyệt đối các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tấn công mặt đất của Trung Quốc, cùng lắm, sẽ chỉ có thể phá hủy được các hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền hoặc biển. Nhưng do những tên lửa này lại có độ chính xác thấp nên việc phá hủy các mục tiêu kiên cố hơn (như hệ thống phòng không tích hợp, các trung tâm chỉ huy, hay các đơn vị binh lính cơ giới hóa hoặc được bảo vệ bằng thiết giáp) trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.
Nếu PLA muốn thực thi một chiến lược cưỡng bức quân sự hiệu quả, họ sẽ phải giảm được số quân gần 2 triệu người, cả thường trực và dự bị, của Đài Loan đến mức chỉ cần 6 sư đoàn PLA cũng có thể đổ bộ và giành được thế thượng phong chống lại bên kia đã được cơ giới hóa toàn bộ trong khoảng 20 giờ trước khi quân tiếp viện Trung Quốc đến. Dù nhiều nhà phân tích gần đây từng lo sợ nhưng viễn cảnh bất khả thi của kịch bản này chỉ là câu chuyện rất nực cười.
Trung Quốc có khoảng 200 xe phóng và 1.200 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) - mỗi chiếc có khả năng mang theo các đầu đạn nặng 500kg. Nghĩa là, với số vũ khí này, Trung Quốc có thể bắn ra 110 tấn vũ khí trong mỗi chu kỳ phóng 30 phút.
Nhìn lại lịch sử, có thể khẳng định khả năng tên lửa thông thường của Trung Quốc không phải là con át chủ bài như nhiều người từng nghĩ. Trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai bờ Eo biển và quân đội Trung Quốc dùng tên lửa bắn phá Đài Loan, lịch sử cho thấy rằng Đài Loan sẽ đoàn kết quanh lãnh đạo của họ, quân đội của họ sẽ cơ động và cuộc chiến đấu sẽ tiếp tục bất chấp việc không thể tránh khỏi các mục tiêu có diện tích bề mặt lớn như sân bay bị hủy diệt.
Khả năng tiếp nhận thụ động một cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường của Đài Loan cho phép hòn đảo này thực hiện một chiến lược ngăn chặn vượt qua mối đe dọa chiến thuật từ Trung Quốc. Đối với các thể chế hiện đại, ném bom chiến lược thông thường cùng lắm chỉ mang lại “phiền toái” chứ không thể là một mối đe dọa hiện hữu. Tất nhiên, trong khi rất nên coi trọng các khả năng chiến thuật của Binh chủng Pháo binh số 2, các nhà hoạch định chính sách và chiến lược Mỹ không nên đổ nguồn lực đang cực kỳ khan hiếm của mình để đối phó với những con hổ giấy.