Tờ Washington Free Beacon ngày 29/5 đưa tin, vào tuần trước, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn khoản ngân sách 70,7 triệu USD trong năm tài khóa 2015 để phát triển tên lửa siêu vượt âm tiên tiến trong khuôn khổ chương trình "Đòn tấn công thần tốc" của Lầu Năm Góc, đồng thời bày tỏ lo ngại trước cuộc thử nghiệm gần đây Trung Quốc đối với một phương tiện tấn công siêu vượt âm được thiết kế để mang các đầu đạn hạt nhân có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
“Đòn tấn công thần tốc” là một chương trình vũ khí chiến lược nhắm tới việc chế tạo các vũ khí cao tốc có khả năng tấn công mục tiêu ở bất kì khu vực nào trên thế giới chỉ trong 30 phút. Một bản báo cáo của Hạ viện Mỹ về khoản ngân sách quốc phòng mới đã cung cấp những chi tiết mới về chương trình vũ khí siêu vượt âm của Mỹ, đồng thời chỉ ra rằng Lầu Năm Góc có vẻ đang đầu tư quá ít cho chương trình này khi mà Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm đầu tiên vào ngày 9/1 năm nay.
Cuộc thử nghiệm của Trung Quốc đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chương trình vũ khí tiến tiến của Bắc Kinh. Các quan chức Mỹ cho hay cuộc thử nghiệm đã được tiến hành đối với một loại vũ khí cơ động cao, có thể di chuyển với vận tốc gấp 10 lần vận tốc âm thanh.
Lầu Năm Góc gọi phương tiện siêu vượt âm của Trung Quốc là WU-14. Cuộc thử nghiệm của nó dường như đã khởi động một cuộc chạy đua vũ khí siêu vượt âm, ít nhất là đối với Nga và Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng của Lầu Năm Góc có vẻ đang hạn chế sự đầu tư cho công nghệ vũ khí siêu vượt âm.
Boris Obnosov, một quan chức công nghiệp vũ khí Nga cho hay tại triển lãm vũ khí tổ chức tại Astana, Kazakhstan thứ Sáu tuần trước (23/5), "hàng chục" viện nghiên cứu và nhà máy của Nga đang tham gia chế tạo vũ khí siêu vượt âm. Theo ông Obnosov, Tập đoàn Tên lửa Chiến lược của Nga đang dự định phát triển nguyên mẫu đầu tiên của một loại tên lửa siêu vượt âm vào năm 2020.
Ông Obnosov cũng cảnh báo rằng các quốc gia khác đang chạy đua chế tạo vũ khí siêu vượt âm: "Nếu chúng tôi chậm chân và bị tụt lại phía sau, sẽ rất khó để sau này có thể bắt kịp họ".
Cuộc thử nghiệm phương tiện siêu vượt âm của Trung Quốc hồi tháng một là ví dụ mới nhất về khả năng mà Lầu Năm Góc gọi là chống xâm nhập, chống tiếp cận, được xây dựng để đẩy Mỹ ra khỏi châu Á và ngăn cản các lực lượng Mỹ tiếp viện cho đồng minh trong khu vực.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Frank Kendall từng nhận định các loại vũ khí siêu vượt âm là một mối lo ngại lớn với Mỹ. Theo ông Kendall, các phương tiện tấn công siêu vượt âm rất khó có thể ngăn chặn bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay.
Trước đó, Lee Fuell, một chuyên gia tình báo công nghệ thuộc Trung tâm tình báo Không quân Mỹ (NASIC) cho hay phương tiện bay siêu vượt âm của Trung Quốc được phóng từ tên lửa đạn đạo, có vận tốc lên tới Mach 10.
Theo Lee Fuell, phương tiện bay siêu vượt âm của Trung Quốc được phóng đi từ tên lửa đạn đạo (Ảnh minh họa)
“Chúng tôi cho rằng nó liên quan tới các lực lượng răn đe hạt nhân của Trung Quốc”, Fuell nói, đồng thời cho biết hiện có những mối lo ngại rằng Trung Quốc có thể trang bị cho các phương tiện này những đầu đạn thông thường để làm nhiệm vụ tấn công chính xác tầm xa.
Phát biểu trên tạp chí Aviation Week, các quan chức Mỹ tin rằng vũ khí tấn công siêu vượt âm là một phần trong chương trình tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc.
Mỹ đang tập trung cho chương trình có tên "Tên lửa siêu vượt âm tiên tiến" được thử nghiệm lần đầu tiên năm 2011. Tên lửa này có khả năng bay với vận tốc Mach 5 hoặc lớn hơn. Trong cuộc thử nghiệm năm 2011, tên lửa đã di chuyển quảng đường 2.500 dặm từ Hawaii tới đảo Kwajalein, thuộc quần đảo Marshall trong 30 phút.
Nếu cuộc thử nghiệm lần thứ hai diễn ra thành công, Lầu Năm góc sẽ bắt đầu nghiên cứu xem liệu rằng loại vũ khí này có thể được trang bị trên tàu ngầm hay không.
Một hệ thống khác của Mỹ mang tên "Phương tiện công nghệ siêu vượt âm" đã 2 lần thử nghiệm thất bại và hiện đang vấp phải sự phản đối của một số thành viên quốc hội Mỹ.
Theo Rick Fisher, một chuyên gia về các chương trình quân sự của Trung Quốc, nhận định rằng việc đầu tư cho tên lửa siêu vượt âm của Mỹ quá chậm.
“Nga và Trung Quốc đều đang phát triển những đầu đạn siêu vượt âm cho các tên lửa đạn đạo của họ và có thể đang phát triển những tên lửa tấn công chiến lược siêu vượt âm mới tiếp sau các tên lửa hành trình tầm xa. Mỹ hiện có nhu cầu cấp thiết về việc phát triển các loại vũ khí siêu vượt âm mới để trang bị cho máy bay, tàu chiến và tàu ngầm cũng như những tên lửa đạn đạo tầm xa của mình”.
Trong tháng 3 vừa qua, Alan R. Shaffer, một phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách lĩnh vực nghiên cứu và kỹ thuật cho hay tên lửa siêu vượt âm X-51 đang thử nghiệm là một thiết kế ưu thế.
Báo cáo của Hạ viện Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt các biện pháp phòng thủ trước các loại vũ khí siêu vượt âm. Hạ viện Mỹ đã yêu cầu Lầu Năm Góc soạn thảo một báo cáo về các mối đe dọa siêu vượt âm đang nổi lên hiện nay và đệ trình vào trước cuối năm nay. Bản báo cáo này cần đánh giá các mối đe dọa siêu vượt âm mới nổi đối với nước Mỹ, các đồng minh và lực lượng được triển khai và phải giải thích cách thức Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến phát triển, triển khai khả năng phòng thủ để đối phó với mối đe dọa này.
Hiện tại, các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được thiết kế cơ bản để ngăn chặn các tên lửa đạn đạo và vũ khí có quỹ đạo bay có thể đoán trước. Sự hạn chế về các hệ thống vệ tinh, cảm biến và các tên lửa đánh chặn trên bộ và trên biển khiến Mỹ không thể theo dõi và ngăn đánh bại các phương tiện siêu vượt âm.
Mỹ thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt âm X-51A
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA