Lộ phiên bản S-300 mới nhất Iran muốn mua

Tuấn Vũ |

Theo RIA Novosti ngày 22/2, Iran tiếp tục đàm phán với Nga về việc mua phiên bản mới nhất của hệ thống phòng không S-300.

Đề nghị của Iran

Thông tin về việc Iran tiếp tục đàm phán với Nga mua phiên bản mới của S-300 được đại diện Bộ Ngoại giao Iran Hossein Ansari-Jaberi cho biết.

“Iran đang đàm phán với Nga về nhu cầu quân sự của nước mình, trong đó có nói về các tổ hợp tên lửa S-300 thế hệ mới”, hãng thông tấn IRNA dẫn lời đại diện Bộ Ngoại giao Iran Hossein Ansari-Jaberi.

Nga và Iran ký hợp đồng mua bán 5 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PMU1 năm 2005. Tổng giá trị cuộc làm ăn này gần 800 triệu USD, trong đó Iran đã chuyển 167 triệu USD tạm ứng trước.


Tổ hợp S-300PMU1.

Tổ hợp S-300PMU1.

Mãi đến năm 2007 chính quyền Nga mới công bố chính thức về thoả thuận này, song vì nhiều lý do khác nhau đã không vội thực hiện hợp đồng, lấy lý do có vấn đề kỹ thuật.

Iran đã nhiều năm chờ đợi việc cung cấp các tổ hợp này, dù trong hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm hợp đồng 300 - 400 triệu USD.

Đến tháng 6/2010, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết số 1929 cấm bán cho Iran “mọi loại xe tăng chiến đấu, xe bọc thép chiến đấu, các hệ thống pháo cỡ lớn, máy bay chiến đấu, trực thăng chiến đấu, tàu chiến, tên lửa hoặc hệ thống tên lửa như chúng được xác định cho mục tiêu của Đăng kiểm vũ khí thông thường của Liên Hợp Quốc”.

Trước sức ép của phương Tây, tháng 9/2010, ông Dmitry Medvedev, khi đó là Tổng thống Nga, đã ký sắc lệnh “Về các biện pháp để thực hiện nghị quyết 1929 ngày 9/6/2010 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Trong sắc lệnh này ông Dmitry Medvedev đã trích dẫn nguyên văn phần chỉ dụ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bổ sung thêm vào đó các hệ thống S-300.

Sau nhiều năm bị đóng băng, tháng 4/2015, Nga đã nối lại việc thực hiện hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran. Đây là bước đi tiếp theo sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử của nhóm P5+1.

Khi nói về khả năng của S-300, Tướng Không quân Mỹ Charles Wald cho biết, hệ thống S-300PMU1 được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa phòng không mạnh nhất thế giới.

Hệ thống này có thể tiêu diệt đồng thời 24 máy bay trong vòng 200 km hoặc đánh chặn 16 tên lửa đạn đạo loại tầm ngắn - tầm trung.

Mỗi mục tiêu có thể bị tiêu diệt bằng 1 quả tên lửa hoặc theo loạt gồm 2 quả tên lửa. Khi bắn loạt, quả tên lửa thứ nhất sẽ được phóng bởi trắc thủ, còn quả thứ hai sẽ được phóng ở chế độ tự động.

Lộ phiên bản S-300 Iran muốn mua

Dù Iran ngỏ ý muốn phiên bản mới của tổ hợp S-300 nhưng cả Tehran và Moscow đều không tiết lộ đó là phiên bản nào. Tuy nhiên, khi dùng phương pháp loại trừ của tạp chí Business Insider, phiên bản mới đã dần lộ diện.

Cụ thể, ngay từ khi Nga đồng ý nối lại thương vụ S-300 với Iran đầu năm 2015, Nga đã dừng sản xuất toàn bộ đối với S-300, vì vậy Moscow đã buộc phải đề nghị "đền" cho Tehran bằng phiên bản S-300VM, thậm chí cả S-400.


Tổ hợp S-350E Vityaz.

Tổ hợp S-350E Vityaz.

Tuy nhiên, phía Iran đã không đồng ý với những phương án Nga đưa ra. Do đó, gần như chắc chắn rằng phiên bản mới Iran đang đàm phán mua mới của Nga là S-350Е Vityaz - mới được đưa vào sản xuất loạt đầu năm 2015.

Theo nhà sản xuất Almaz-Antei giới thiệu, tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung S-350E mới “xét về tính năng và hiệu quả chiến đấu đều vượt trội so với các sản phẩm tương đương của nước ngoài và tổ hợp S-300 hiện có”.

S-350E được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu từ mọi loại mục tiêu bay hiện tại và trong tương lai, trong đó có cả các mục tiêu được áp dụng “công nghệ tàng hình”, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

S-350E Vityaz có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu đường không (máy bay, UAV, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo…).

Một khẩu đội S-350E Vityaz gồm: đài radar điều khiển hỏa lực 50N6E; một xe chỉ huy 50K6E và 3 bệ phóng 50P6E. Tất cả đều được đặt trên khung gầm xe bánh lốp KAMAZ 8x8.

Radar của S-350E có thể vận hành hoàn toàn tự động, không cần nhân viên thao tác. Mỗi radar có 8 kênh chỉ thị thông tin mục tiêu và 16 kênh điều khiển tên lửa, cho phép nó có thể dẫn bắn 16 tên lửa tấn công đồng loạt 8 mục tiêu bay một thời điểm.

Đồng thời, hệ thống radar này có khả năng theo dõi đồng loạt hơn 100 mục tiêu, vì vậy, một điểm chỉ huy - điều khiển chiến đấu được triển khai 2 radar đã có thể bắt chết được hơn 200 mục tiêu, phóng đồng loạt 32 tên lửa để tấn công 16 mục tiêu trong 1 thời điểm, hình thành nên mạng lưới phòng không khu vực cực mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại