Trong bản công bố đấu thầu trị giá 20 tỷ USD, Ấn Độ cho biết kế hoạch trang bị các chiến đấu cơ mới nhằm thay thế cho toàn bộ các tiêm kích MiG-21 và MiG-27 vào năm 2020-2023.
Ở giai đoạn 1 trong năm 2007, F/A-18 Super Hornet, F-16 Super Viper của Mỹ và đặc biệt là Su-35 của Nga đã bị loại.
Giai đoạn 2 diễn ra vào tháng 1/2012, Rafale của hãng chế tạo máy bay Dassault thắng thầu sau khi đánh bại đối thủ Typhoon của hãng Eurofighter với sự liên danh sản xuất của Anh, Đức, Tây Ban Nha và Italia.
Sau 3 năm, câu hỏi vì sao “Ấn Độ chọn Rafale thay vì Su-35” mới được giải đáp một phần.
Trang tin quân sự Vpk ngày 12/1 dẫn nguồn tin quân sự Ấn Độ phân tích:
Thứ nhất, Rafale có tín hiệu radar nhỏ hơn nhiều so với Su-35, cũng như có các tính năng bay tốt hơn. Nhờ có cánh ngang phía trước ở sát cánh, Rafale có thể vào góc tấn lớn nhanh hơn cũng như liệng nhanh hơn.
Thứ hai, tốc độ leo cao của Rafale là 305 m/s, cho thấy các tham số gia tốc cực cao, tải lên cánh chỉ là 275 kg/m2, tạo ra lực nâng đáng kể ở góc tấn lớn và cho phép Rafale thực hiện chớp nhoáng vòng ngoặt về bất cứ hướng nào.
Trong khi đó, tốc độ leo cao của Su-35 chỉ là 280 m/s, tức là kém Su-30, cũng như Typhoon, J-11 và J-10. Tải lên cánh là 377 kg/m2, cho thấy tốc độ vòng ngoặt khá thấp.
Thứ ba, sau nhiều năm là bạn hàng và đối tác của Nga, ngành công nghiệp hàng không Ấn Độ cần “luồng gió mới”.
Việc chọn tiêm kích của Pháp cho phép Ấn Độ tiếp cận các công nghệ của radar anten mạng pha chủ động “nhỏ gọn” tối tân RBE2, điều này thực sự cần thiết cho Ấn Độ trong việc chế tạo radar cho tiêm kích nội địa Tejas MkII và AMCA.
Vì thế, giới chức New Dehli quyết định chọn mua tiêm kích Rafale của Pháp, chứ không mua Su-35 của Nga.
Bất chấp thực tế trong biên chế của Không quân Ấn Độ hiện có 197 tiêm kích Su-30MKI, cơ sở thuận lợi giúp phi công nước này dễ dàng điều khiển Su-35.
Ấn Độ cho biết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng (mua hay không mua) 126 chiếc Rafale trước tháng 4/2015, tức là trước chuyến thăm Pháp và Đức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.