Quốc gia này lo sợ hàng trăm người tham gia vào hàng ngũ khủng bố ở Syria và Iraq sẽ quay về và tấn công nước Đức.
Theo ông Hans-Georg Maasen, người đứng đầu Cục tình báo nội địa Đức, ít nhất 25 chiến binh hồi giáo người Đức đã trở về nước. Hiện trong hàng ngũ IS còn hơn 400 người Đức đang tham chiến. Ở Syria, có ít nhất 5 người Đức thực hiện các vụ đánh bom tự sát. “Đây là hành động mà nước Đức không thể chấp nhận được”, ông Maasen nói.
Cơ quan tình báo Đức đánh giá IS đang thu hút chiến binh hồi giáo từ nước ngoài nhiều hơn bất kỳ tổ chức cực đoan nào khác. So với tổ chức Jabhat al-Nursa, chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria, thì IS “hấp dẫn” hơn nhiều vì nó đã hình thành được hẳn một “nhà nước” tự xưng với mạng lưới rộng khắp.
Con đường duy nhất để ngăn chặn thảm họa này là triệt tiêu tận gốc IS ngay trên đất Iraq. Do đó, Berlin quyết định hỗ trợ trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân người Krud, còn gọi là Peshmerga, ở Iraq.
Tổng giá trị gói hỗ trợ lên đến 70 triệu euro gồm: 5 xe thiết giáp, 30 hệ thống tên lửa chống tăng, 2.000 súng phóng lựu, 8.000 súng trường cùng nhiều loại đạn dược. Các trang thiết bị khác như kính hồng ngoại, máy dò mìn và lều trại quân sự cũng sẽ được đưa tới cho hơn 4.000 quân đang đóng tại Baghdad. Đồng thời, Đức sẽ cử 6 chuyên gia cố vấn quân sự để đào tạo, tập huấn việc sử dụng vũ khí cho các binh lính.
Bộ trưởng ngoại giao Đức, Frank-Walter Steinmeier, cho biết: “Nếu chúng ta không đẩy lùi IS ngay lúc này, trật tự tại Trung Đông sẽ bị đảo lộn và cuộc khủng hoảng khu vực sẽ lan rộng ngoài tầm kiểm soát. An ninh của nước Đức và cả châu Âu đang bị đe dọa”. Việc cung cấp vũ khí sẽ bắt đầu từ tháng 9.
Gói hỗ trợ này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Đức. Kể từ sau thế chiến thứ hai, quốc gia này rất hạn chế tham gia vào các chiến dịch quân sự ngoài biên giới. Đảng đối lập trong nước Đức bày tỏ lo ngại vũ khí có thể rơi vào tay quân khủng bố. Vấn đề này sẽ được đưa ra bàn thảo trước Quốc hội trong ngày hôm nay (1-9).