Thông tin này được hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố từ cơ quan báo chí của START cho biết. "Xe vận chuyển 9T243 và xe bảo trì tên lửa 9T458 đã vượt qua bài kiểm tra của Rosoboronexport (Công ty xuất khẩu vũ khí Nga).
Trong tháng 11/2015, START sẽ hoàn thành việc chuyển giao các phương tiện này cho khách hàng nước ngoài", đại diện báo chí STAR cho biết.
Vladimir Tretyakov, CEO của START tiết lộ, hợp đồng tên lửa Buk đã được ký kết vào năm 2013. Tuy nhiên, ông này cũng không chịu tiết lộ danh tính khách hàng đặt mua.
Hệ thống tên lửa đất đối không Buk-M1
Dù không cho biết khách hàng tiếp nhận hệ thống vũ khí này nhưng căn cứ vào thông tin được trang mạng Secret Difa3 của Algeria cho biết hồi đầu năm 2015 cho thấy, nhiều khả năng Algeria chính là vị khách hàng bí ẩn này.
Theo Secret Difa3, chính phủ Algeria đã ký kết một loạt hợp đồng mua vũ khí của Nga từ năm 2013 đến 2014, trong đó có các hệ thống vũ khí S-400, Tor, Buk... và sắp tới có thể là chiến đấu cơ Su-34, trực thăng Mi-28, và máy bay huấn luyện Yak-130.
Theo giới thiệu từ nhà sản xuất, tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung tự hành 9K37 Buk được phát triển từ những năm 1970 dưới thời Liên Xô dựa trên mẫu 2K12 Kub (SA-6) và tiếp tục hiện đại hóa sau này dưới thời Nga.
Tổ hợp tên lửa này có khả năng đánh chặn hầu như mọi mục tiêu trên không gồm tên lửa hành trình, bom thông minh, máy bay, UAV và có thể cả tên lửa đạn đạo.
Buk có khả năng đánh chặn mục tiêu máy bay ở cự ly 3 - 42 km, độ cao 15 m - 25 km và tên lửa đạn đạo chiến thuật ở cự ly 3 - 20 km, độ cao 2 km - 16 km.
Các biến thể cải tiến sau này gồm 9K37M Buk-M1; 9K37M1-2 Buk-M1-2, 9K317 Buk-M2E tiếp tục nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực và tên lửa đem lại sức chiến đấu cao hơn.
Được biết, Buk chính là "thủ phạm" đã bắn hạ chiếc máy bay chở khách mang số hiệu MH17 trên lãnh thổ Ukraine hồi năm 2014.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ bên nào tại Ukraine thực hiện vụ bắn hạ này và liệu có phải hệ thống vũ khí này xác định nhầm mục tiêu hay do sự cố ý của con người.