Theo như bức ảnh này, phần đầu đạn của tên lửa DF-21D có hình chóp nón dài. So sánh với các bức ảnh phóng thử tên lửa đạn đạo DF-21A và DF-21B, có thể thấy rõ sự khác biệt về hình dáng phần đầu đạn của tên lửa DF-21D.
Được nghiên cứu phát triển từ tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21, tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D có tầm bắn lên đến 1450km, tốc độ lên đến Mach 10.
Điểm đặc biệt của tên lửa DF-21D là ở giai đoạn cuối, đầu đạn tên lửa có thể tự điều chỉnh để đánh chính xác mục tiêu, điều này rất quan trọng bởi đối với tên lửa đánh đất, mục tiêu thường cố định, còn tên lửa chống tàu luôn phải đối phó với các mục tiêu di chuyển.
Hiện nay trên thế giới chỉ duy nhất Trung Quốc sở hữu hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu do Mỹ trước đó đã huỷ bỏ các hệ thống tên lửa MGM-31 Pershing III theo hiệp ước START ký với Nga.
Với lợi thế phóng từ các bệ phóng di động trên mặt đất, tốc độ cao, sức huỷ diệt lớn, tên lửa DF-21D là mối đe doạ cực kỳ lớn với biên đội tàu sân bay của Mỹ. Hiện nay, Mỹ vẫn chưa tìm ra phương pháp đánh chặn hiệu quả với loại tên lửa này, kể cả sử dụng hệ thống phòng thủ với tên lửa SM-3 tiên tiến nhất. Mới đây, trong một bài viết, các chuyên gia Nga đã "gợi ý" Mỹ rằng chỉ có thể sử dụng biện pháp gây nhiễu, đánh lừa mới có thể loại bỏ mối nguy hiểm từ tên lửa DF-21D.