Trong 4 năm qua, Quân đội Trung Quốc đã gặp khó khăn với mục tiêu tuyển lính. Năm 2010, Trung Quốc đặt mục tiêu mỗi năm tuyển dụng 150.000 binh sĩ có trình độ đại học, song chỉ đạt 100.000, tương đương 70% mục tiêu đề ra.
Con số trên không khỏi gây thất vọng bởi số lượng nam giới tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc tăng nhanh mỗi năm. Hiện nay, con số này là trên 3 triệu mỗi năm và điều đáng nói là một phần tư trong số này vẫn chưa có việc làm.
Một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc không thể đạt mục tiêu tuyển quân nói trên là do “chất lượng” ứng viên thấp, đặc biệt là về mặt thể chất. Một tỷ lệ không nhỏ trong số hơn 3 triệu nam thanh niên tốt nghiệp đại học nộp đơn gia nhập quân đội mỗi năm.
Tuy nhiên, có tới 60% bị loại vì không vượt qua nổi các cuộc kiểm tra sức khỏe. Trong đó, 23% bị loại vì các vấn đề thị lực và 19% bị loại vì quá béo hoặc quá gầy.
Trước thực tế này, Quân đội Trung Quốc có những lúc đã phải hạ tiêu chuẩn tuyển dụng vào các năm 2008 và 2011 song vẫn không thể đạt kết quả như mong muốn. Ngoài vấn đề về chất lượng các ứng viên, Quân đội Trung Quốc còn mắc một sai lầm là thời điểm tuyển dụng.
Giới lãnh đạo quân sự cấp cao Trung Quốc đã thừa nhận sai lầm cơ bản này và tiến hành thay đổi. Trước đây, Trung Quốc bắt đầu tuyển quân vào ngày 1/11 hàng năm. Theo quan điểm của người Trung Quốc thì đây là thời điểm “nông nhàn” nên có thể tuyển dụng nam thanh niên và huấn luyện họ.
Tuy nhiên, quan điểm này đã lỗi thời với xã hội hiện đại bởi vì nam thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học trước đó 6 tháng. Trong khoảng thời gian này, họ có thể đã tìm được việc làm và không muốn nộp đơn gia nhập quân đội nữa.
Chính vì vậy, Quân đội Trung Quốc sẽ thất thoát một số lượng không nhỏ những binh sĩ “tiềm năng” có chất lượng.
Cách tuyển quân của Trung Quốc học theo cách làm của Nga. Tuy nhiên, người Nga tuyển quân hai lần mỗi năm chứ không chỉ riêng vào tháng Mười một.
Để khắc phục sai lầm này, Quân đội Trung Quốc đã quyết định thay đổi thời điểm tuyển quân từ ngày 1/11 thành ngày 1/8 hàng năm (trùng với ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc).
Trung Quốc hiện có quân đội đông hơn Mỹ tới 50% và dân số đông hơn Mỹ 4 lần. Tuy nhiên, Quân đội Trung Quốc vẫn thất bại trong việc nâng cao tỷ lệ quân nhân có trình độ đại học, điều mà người Mỹ không bao giờ phải lo lắng.
Một nguyên nhân khác được nêu là là lý do về mặt xã hội. Theo giới phân tích, hình ảnh Quân đội Trung Quốc hiện nay không còn đẹp trong mắt người dân bởi tình trạng tham nhũng và trình độ chuyên môn kém. Ngoài ra, thu nhập cũng là vấn đề cần kể tới.
Để khắc phục điều này, năm 1991, Trung Quốc đã cho ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự, trong đó quy định số lượng quân nhân tuyển dụng, điều kiện sinh hoạt cũng như các khoản tiền mà họ được hưởng. Bên cạnh đó, luật cũng đề ra nhiều chính sách đãi ngộ đối với quân nhân hơn.
Ví dụ, đối với lính nghĩa vụ, họ sẽ được ưu tiên khi tìm việc làm sau khi giải ngũ. Họ cũng được miễn học phí nếu tiếp tục theo học đại học…
Nhà phân tích James Dunnigan của Trang Chiến lược cho rằng trong vòng 20-30 năm tới, thế hệ quân nhân được tuyển dụng hiện nay sẽ là trụ cột và lãnh đạo của Quân đội Trung Quốc.
Trong 3 thập kỷ tới, Quân đội Trung Quốc sẽ ngày càng hiện đại hóa với những vũ khí trang thiết bị công nghệ cao. Vũ khí có thể hiện đại hóa theo đúng lịch trình, song con người thì không thể. Khi đó, Trung Quốc sẽ thiếu hụt những binh sĩ và cấp chỉ huy có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu.