10 năm tại ngũ chỉ được về nhà 2 lần
Đợt khám sức khoẻ đầu tiên được thực hiện khi họ đủ 16 tuổi. Học sinh trung học từ 14-16 tuổi đều phải tham gia huấn luyện quân sự mỗi năm, với 160 giờ huấn luyện tại trường, và 140 giờ huấn luyện bên ngoài.
Tuổi nhập ngũ là 17, sau khi tốt nghiệp trung học. Tuổi nhập ngũ tối đa là khoảng 25. Sinh viên đại học được huấn luyện quân sự 160 giờ mỗi năm tại trường học. Ngoài ra họ còn tham gia 1 khoá huấn luyện 6 tháng tại doanh trại. Đa số phụ nữ không bị bắt buộc nhập ngũ, tuy nhiên phải tham gia huấn luyện quân sự hàng năm cho đến 40 tuổi.
Hình ảnh lam lũ của những người lính Triều Tiên trong đời thường...
Thời gian tại ngũ có thể kéo dài từ 4 đến 10 năm, tuỳ theo tình hình cân đối giữa nguồn cung tân binh và nhu cầu của quân đội, chứ không có 1 thời gian cố định. Nhìn chung hầu như mọi binh sĩ được giải ngũ ở tuổi 26. Ngoài ra, một người có thể được miễn nghĩa vụ quân sự nếu tình nguyện tham gia nghĩa vụ lao động trong 6 đến 7 năm, thực hiện các công việc đòi hỏi lao động nặng nhọc.
Sau khi nhập ngũ, tân binh tham gia khoá huấn luyện cơ bản kéo dài 1 tháng. Sau đó, tuỳ vào từng quân binh chủng mà khoá huấn luyện nâng cao có thời gian khác nhau, từ 1 đến 6 tháng.
Sau đó, binh sĩ sẽ được phiên chế về từng đơn vị và tiếp tục tham gia huấn luyện tại các đơn vị đó. Thức dậy từ 5 giờ sáng và đi ngủ lúc 10 giờ tối, họ có thể dành đến 10 giờ mỗi ngày cho việc huấn luyện. Huấn luyện tác chiến đêm thường được chú trọng. Chế độ nghỉ phép rất ít. Trong toàn bộ thời gian tại ngũ, chỉ có từ 1 đến 2 đợt nghỉ phép kéo dài 2 tuần. Khi kết hôn hay có tang sự, người lính được về phép 10 ngày.
Đối với sĩ quan, Triều Tiên có khoảng 17 trường đại học, cao đẳng, học viên đào tạo sĩ quan. Những sĩ quan dự bị thường được chọn từ các binh lính đã tại ngũ được 3 đến 4 năm. Sau khi học tại học viện tương ứng cho binh chủng của mình, những người này có thể học tiếp tại Học viện quân sự Kang Kon gần Bình Nhưỡng. Thời gian đào tạo ở đây kéo dài từ 2 đến 3 năm. Trường quân sự cao cấp nhất là Học viện quân sự Kim Nhật Thành. Tốt nghiệp khoá đào tạo 3 năm tại đây là điều kiện tiên quyết nếu 1 sĩ quan muốn được lên cấp tướng trong tương lai.
Thiếu ăn, lính Triều Tiên ngày càng “còi”
Cuộc khủng hoảng thiếu hụt lương thực tại Triền Tiên, kéo dài đã 2 thập niên, đã gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lính mới cho quân đội nước này. Từ khoảng đầu những năm 2000, Triều Tiên bắt đầu chấp nhận những tân binh cao dưới 1,6m. Hiện nay nhiều nhân chứng cho biết họ thấy cả những binh sĩ cao khoảng 1,5m.
Năm 2012, theo Daily NK, một tờ báo do người Triều Tiên sinh sống tại Hàn Quốc lập nên, quân đội Triều Tiên đã giảm tiêu chuẩn chiều cao tối thiểu của tân binh từ 1, 45m còn 1,42m. Theo ước tính, chiều cao trung bình của trẻ em tại Triều Tiên thấp hơn 8cm so với tại Hàn Quốc, và khoảng 60% trẻ em bị suy dinh dưỡng.
...khác nhiều so với hình ảnh hào hùng, khí thế của chính họ trong các cuộc duyệt binh
Câu chuyện bi thương của một người lính đào ngũ
Quân đội Triều Tiên nói chung được giáo dục tư tưởng khá tốt. Tuy nhiên, thời gian tại ngũ kéo dài, huấn luyện vất vả, khắc nghiệt và tình trạng thiếu thốn triền miên của bản thân và gia đình cũng khiến một số quân nhân đào ngũ.
Joo-il Kim, một người lính Triều Tiên đào ngũ hiện đang sống tại Anh cho biết, vào đầu những năm 2000, khi mà nạn đói đang ở đỉnh điểm, ông là 1 đại uý. Một lần được nghỉ phép, ông Kim về quê thăm chị ruột, người có 1 con gái 3 tuổi đang suy dinh dưỡng nặng.
Joo-il Kim, một cựu binh Triều Tiên bỏ ngũ đang sống ở Anh
Lâu ngày không được gặp em, thương em ở trong quân đội vất vả, người chị đã vét nốt số gạo cuối cùng trong nhà, vốn định dành nấu cháo cho con để thết em một bữa no, còn mình bế con gái đi xin ngô về ăn. Bé gái vì quá đói đã ăn hết số ngô này, và sau đó uống rất nhiều nước. Ngô ngấm nước nở ra, phá hủy đường tiêu hóa vốn đã quá yếu của một đứa trẻ nhiều ngày chịu đói. Cô bé chết ngay trước mắt người cậu.
Từ đó, Kim bắt đầu nung nấu ý định bỏ trốn. Đến tháng 8/2005, Kim vượt biên giới sang Trung Quốc. Ông lưu lạc qua nhiều nước trước khi đến được Anh. Đó là một trong số rất nhiều câu chuyện bi thương của người lính Triều Tiên nói riêng và người Triều Tiên nói chung khi quyết định rời bỏ tổ quốc.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!