Khai thụt học vấn
Vừa xa giảng đường đại học, nhập ngũ chưa lâu, tháng 7 năm 1972, khoảng 400 tân binh gốc là sinh viên các Trường Đại học tại Hà Nội đã tham gia cuộc “hành binh” đặc biệt, bằng tàu hỏa liên vận quốc tế xuyên Á-Âu.
Đoàn tàu chạy từ Việt Nam qua ngả Bằng Tường - Vũ Hán - Thiên Tân - Hắc Long Giang - Zabaikan - Omxco - Volgagrat... có mặt tại căn cứ quân sự ngoại vi Thủ đô Baku nước CH Azerbaijan.
Liên Xô khi đó còn là mùa Hè. Họ sang đây để chuyển loại tên lửa phòng không thế hệ mới, do Liên Xô viện trợ.
Số sinh viên này nằm trong nguồn binh lực “để giành” của Việt Nam, được “xuất ra” nhập ngũ đợt này, dự kiến đưa vào tham chiến giữa những tháng năm đối kháng cam go, ác liệt với Không quân Mỹ.
Khi đó Chính quyền Nixon vừa thay chiến thuật “leo thang chiến tranh” thành thủ đoạn đánh ồ ạt thẳng vào Hà Nội, Hải Phòng, gây sức ép Việt Nam... hòng “Đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.
Tác giả bài viết - Đại tá Trần Danh Bảng (bên trái) cùng đồng đội, những người nguyên là học viên tên lửa Việt Nam tham gia chuyển loại tên lửa SAM-3 ở Liên Xô. Ảnh: Trần Danh Bảng.
Tại căn cứ tên lửa Sitentrai, thị trấn Zưc, bên bờ Vịnh Baku, ngay khi đặt chân tới, cán bộ chiến sĩ (khung) hai trung đoàn tên lửa là 276 và 277 được phát bộ đồ tập trận màu vàng đất sa mạc, ống quần thắt túm, mũ vải rộng vành để tránh nắng.
Họ còn được trang bị giày “trâu” để leo trèo chắc chắn. Tất cả tư trang xi-vin Á Đông lúc này được cất trong kho, chờ ngày trở về. Họ lạ lẫm với vùng đất mà không gian luôn sực mùi dầu thô, những bản nhạc trên loa mang giai điệu dân ca đạo hồi phát suốt ngày.
Mặt biển Caspien luôn có váng dầu, ánh lên bảy sắc cầu vồng... Chỉ vài ngày sau, các cựu sinh viên đã được nhìn thấy bệ phóng tên lửa S-125 (SAM-3) với hai trái đạn uy nghi trên bệ. Nó còn có tên là Pechora, tên một con sông phía bắc nước Nga.
Họ sẽ học lý thuyết và thực hành khai thác hệ thống tên lửa này trong nhiều tháng. Nghe nói, S-125 tầm bắn gần hơn Dvina S-75 (SAM-2) ở trong nước. Nhưng khi bắn, nó kháng nhiễu khá tốt, bắn tự động thì bám rất dai và uy lực sát thương cao.
Xác suất tiêu diệt 2 quả lên tới trên 0,82. Thật tuyệt! Ai cũng mừng và kỳ vọng, chẳng bao lâu nữa, S-125 sẽ “làm nên chuyện” tại trận chiến chống tập kích đường không của Mỹ vào miền Bắc.
Tất cả lao vào học tập với quyết tâm rất cao. Còn chỉ huy của họ, nhìn thực lực các thành phần trắc thủ, lòng thầm mong rút ngắn thời gian để về nước nghênh chiến. Cố gắng học 8 tháng, thậm chí nhanh hơn nữa để về chiến đấu.
Tại Trung tâm Sitentrai có khoảng 10 phân hệ tương ứng với các xe của phân đội tên lửa được chia ra. Tại các phòng học lý thuyết, như tính năng kỹ chiến thuật, sơ đồ chức năng, có các thầy giáo là các sĩ quan Liên Xô từ trung úy đến đại tá giảng bài.
Trên tường có hàng chục tranh, sơ đồ về hệ thống radar, tên lửa dòng Pechora. Nhiều phòng học có mô hình cắt - bổ khí tài, như phòng học lớp đạn, phòng học lớp bệ phóng.
Ở các môn học quan trọng, như vị trí sĩ quan điều khiển, trắc thủ “tay quay”, yêu cầu phải hiểu rõ nguyên lý điều khiển liên tục và thao tác chuẩn xác, có tới 3 giáo viên thay nhau giảng dạy.
Những lớp này có bảng ma-két 3D, mô tả vùng trời và các hình thái quỹ đạo điều khiển đạn.
Ngay từ tuần học, tháng học đầu tiên, các sĩ quan Nga đã hết lòng giảng giải, sử dụng sơ đồ khối và cả công thức toán học để học viên hiểu từng mạch điện.
Nhưng các thày cũng ngạc nhiên về kết quả nắm chắc bài giảng của học viên Việt Nam, cho dù phải qua phiên dịch.
Họ bất ngờ vì người học nắm rất chắc nguyên tắc khuyếch đại, nguyên lý dao động của mạch điện và mối liên hệ giữa các linh kiện trong từng trường hợp đổi dòng, giảm điện thế...
Sau này các thầy mới vỡ lẽ, họ đang giảng cho đối tượng, không phải là học sinh phổ thông “Tốt nghiệp lớp 10” như hầu hết danh sách đã ghi, mà là đa số sinh viên các trường đại học kỹ thuật ở Hà Nội.
Phần lớn kiến thức cơ bản về vật lý đại cương, toán cao cấp, họ đã “nghiền” xong. Khoảng 20% là sinh viên khoa điện, vô tuyến điện ở ĐH Bách Khoa Hà Nội. Biết vậy các giáo viên người Nga lại càng gần gũi trao đổi, gợi ý và có phần hưng phấn trong hướng dẫn.
Điều này làm cho anh em liên hệ hiểu sâu thêm từng vấn đề.
Sở dĩ có chuyện “khai thụt” học vấn, vì chỉ huy trung đoàn muốn “ăn chắc”, muốn các giáo viên giảng giải sao cho dễ hiểu nhất, tương ứng với cách dạy cho đối tượng như là học sinh phổ thông vừa tốt nghiệp.
Bệ phóng tên lửa Pechora loại 2 cần được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam năm 1972.
Một “đạo quân” phiên dịch
Lại phải nói về phiên dịch cho khóa huấn luyện này. Quân đội Việt Nam đã huy động một đội ngũ đông đảo phiên dịch viên, tổ chức hẳn thành một đại đội phục vụ các lớp chuyên ngành.
Như anh Hoàng Tích Lạc (khi đó là kỹ sư đang công tác tại Viện Y học Hàng không, giỏi tiếng Nga, cũng được điều động gấp về trung đoàn, chủ yếu làm nhiệm vụ phiên dịch hệ điều khiển...
Như Thiếu úy Trần Quốc Dung, quê Quảng Ngãi, đã tốt nghiệp xuất sắc khoa Vật lý lý thuyết, trường Đại học Lomonoxov về nước, mới vừa nhập ngũ.
Anh được Học viện Kỹ thuật quân sự lấy về, lần này lại phải đi cùng tên lửa.Trần Quốc Dung là một trong những phiên dịch trực tiếp phim trên màn ảnh rất tốt.
Trong số này có các cán bộ kỹ thuật có trình độ tiếng Nga tốt, ở các trung đoàn tên lửa S-75. Các anh đóng hai vai, một vai phiên dịch, một vai được giao là phải tự học các hệ theo phân công, để về nước tham gia công tác bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị sau này.
Những phiên dịch tài ba như thế là các tiểu giáo viên, giúp các trắc thủ nhanh hiểu bài.
Khóa học này có cả các sĩ quan trẻ vừa tốt nghiệp Học Viện kỹ thuật quân sự, như Thiếu úy Đỗ Hà Bắc, Nguyễn Hùng Vĩ ở phân đội 164... học tại các lớp “hệ mới” như hệ chống nhiễu, hệ tọa độ, lớp kiểm tra kíp, lắp ráp đạn (thuốc phóng khô)...
Ngày hai buổi lên lớp, tối về ôn bài, chẳng bao lâu các học viên đã học xong phần lý thuyết cơ sở và sơ đồ khối của hệ thống tên lửa mới. Phần “sở trường” đã xong.
Tới phần hướng dẫn thao tác và thực hành, lúc này mọi nội dung hoàn toàn mới lạ. Các sĩ quan Liên Xô thực hiện phương pháp kết hợp, vừa giảng bằng sơ đồ, hình vẽ, vừa thực hành thao tác thật trên các khối máy, tủ máy.
Họ giành cho học viên nhiều thời gian tiếp cận với khí tài thật.
Các thày cho rằng bộ khí tài S-125 có khả năng chiến đấu ở nhiều chiến trường, với nhiều địa hình khác nhau, cho dù khí hậu rất khắc nghiệt.
Bằng cớ là tại vùng Baikan, Viễn Đông (CH Nga) nơi mùa đông băng giá, nhiệt độ xuống dưới 40 độ, nó vẫn bắn tốt. Sang sa mạc Trung Đông, nhiệt độ lên đến 45 độ ngoài trời, như thế độ chênh lệch tới gần 100 độ, mà nó vẫn phát huy tính năng.
“Các bạn hãy tin vào khí tài của chúng tôi” các sĩ quan Nga bảo vậy.
Trung úy Nguyễn Văn Tẩm, một phiên dịch tiết lộ, trong số giáo viên cấp tá của Liên Xô giảng cho lớp 12 tiểu đoàn trưởng, có các thày vốn là sĩ quan cấp trung đoàn, vừa chiến đấu ở kênh đào Suye (Ai Cập), năm 1970, đánh trả Không quân Israel, mới về nước.
Chính các sĩ quan này đã lập công, lần đầu khai hỏa dòng tên lửa Pechora, bắn máy bay F-4 của Mỹ ở chiến trường Trung Đông.
Trung đoàn tên lửa 276 nay đã được trang bị vũ khí mới, hiện đại có khả năng triển khai, thu hồi nhanh, kháng nhiễu tốt.
Chạy đua với thời gian
Trong thực hành, bằng cách tổ chức các nhóm “cuốn chiếu xoay vòng”, nên tần suất được tiếp xúc với khí tài tăng lên.
Cả 5 bộ khí tài trên bãi tập hầu như liên tục được nối điện, có nhiều khi huấn luyện ban đêm. Cả một vùng sườn núi bên Vịnh biển rền vang tiếng máy phát điện, tiếng động cơ anten quay. Đêm, ánh điện sáng như một công trường xây dựng lớn.
Trung đoàn phó 276 là Thiếu tá Trần Đình Ái nói thẳng với các chiến sĩ sinh viên: Ta đang ở nước bạn, họ làm ra khí tài, có đội ngũ thợ giỏi, có các thày chuyên môn vững, các đồng chí cứ mạnh dạn làm các động tác.
Điều chỉnh nhiều mới lấy tham số chuẩn. Sai thì có người sửa. Hỏng khí tài, “cháy linh kiện” có bạn thay thế ngay. Mạnh dạn thao tác, va vấp mới tiến bộ nhanh! Đúng như vậy, anh em rất say mê “vặn, xoáy” đo, thử trên đồng hồ, trên các oxilo hiện sóng. Tiến bộ nhanh.
Nguyên khẩu đội trưởng bệ phóng Trần Anh Vũ (sau này là cán bộ của ngành Điện lực), tiểu đoàn 164 nhớ lại: Chúng tôi vừa dùng trí, học thông mạch điện sơ đồ “Sutt” của bệ phóng S-125, vừa phải dùng sức thực hành kích bệ, cân bằng, định hướng.
Nhờ cố gắng, chúng tôi đã giành giải nhất, thi triển khai bệ phóng với phân đội bạn. Sĩ quan Anaton phụ trách lớp tôi đánh giá cao kết quả này.
Nguyên trắc thủ Trần Mạnh Linh (sau này là Trưởng ban thời sự Đài Truyền hình Phú Thọ) kể: Chúng tôi nắm chắc lý thuyết, sơ đồ khối hệ điều khiển, nên hiểu từng động tác “vê” tay quay, điều khiển đạn.
Hình dung ra mỗi động tác của mình, sẽ tác động tới các mặt phẳng của cánh sóng phương vị ngoài không gian ra sao, nên tiến bộ rất nhanh. Thượng úy Vasily rất vui khi chúng tôi thành thục động tác.
Lại phải nói, số sĩ quan đi cùng khóa huấn luyện, chuyển loại lần này, có nhiều người từng thực chiến ở trận địa hỏa lực tên lửa trong chiến tranh. Từ Trung đoàn trưởng Phạm Sơn, là tiểu đoàn trưởng thuộc trung đoàn 238 tham gia tác chiến ở giới tuyến Vĩnh Linh.
Tiểu đoàn ông bắn rơi mấy máy bay Mỹ ngay sát giới tuyến. Như nguyên sĩ quan điều khiển, thượng sĩ Võ Trí Trư, người đã bấm nút bắn hạ C-130 Mỹ ở tuyến nam Khu 4.
Như nguyên tiểu đoàn phó Chu Lưu (Con trai nhà văn Chu Văn - quê Nam Định), dạn dày trận mạc, đánh máy bay Mỹ... Đây là các “giáo viên chiến đấu thứ 2”, bên cạnh các sĩ quan Liên-Xô, hàng ngày huấn luyện hiệp đồng kíp chiến đấu.
Vì thế chỉ mới học thực hành tác chiến đến tháng thứ hai, các kíp chiến đấu của 12 tiểu đoàn đã đạt sai số bắn thấp nhất.
Nhớ ngày mới về đây, Đại tá Lakisev trưởng Trung tâm Sitentrai, dáng cao to giọng sang sảng. Đại tá nói:
"Tôi xin nói trước, để làm chủ vũ khí khí tài hiện đại này, các bạn phải mất ít nhất 18 tháng. Nhưng các bạn chỉ yêu cầu có 8 tháng thì thật tình, tôi rất ái ngại. Vậy để hoàn thành nhiệm vụ, các đồng chí phải cố gắng thật cật lực!"
Lúc này trước kết quả học tập, Đại tá Lakisev mừng lắm. Ông bảo, các bạn Việt Nam rất sáng tạo, chăm chỉ. Tôi tin các bạn làm chủ nhanh vũ khí. Chỉ còn chờ kết quả bắn.
Thời gian 1 tuần ở bãi bắn Ashuluk cách Trung tâm 3 ngày đường, diễn ra khá nhanh. Đây thực sự là một đợt thực hành tổng hợp.
Anh em vừa nhận khí tài, vừa thao tác, điều chỉnh vừa thực hành bắn đạn thật. Cả 12 tiểu đoàn đều bắn trúng mục tiêu bay thấp rất lắt léo.
Tin vui loan nhanh về Bộ quốc phòng Liên Xô. Sau khi nghiệm thu khí tài và kỹ thuật, phía Liên-Xô đã đồng ý cho ký kết tiếp nhận trang bị.
Một cảm giác thật bồi hồi sung sướng, khi thiếu úy Nguyễn Ngọc Quý, một cán bộ đi học đợt này, được sĩ quan điều khiển của bạn mời ký (lưu bút) vào mặt một tủ máy.
Các giáo viên bắt tay, vỗ vai Quý nói rằng, chữ ký trên khí tài này sẽ theo Quý và các sĩ quan Việt Nam về trận địa tên lửa phòng không S-125 ở miền Bắc Việt Nam trong thời gian sớm nhất!
Thì ra, nhà máy chế tạo S-125 cũng bàn giao, nghiệm thu khí tài cho Việt Nam tại đây. Tiểu đoàn nào, nhận khí tài nấy, điều này khiến họ càng phấn khích, mong ngày trở về.
Kết
Sau 1 tháng tiếp tục huấn luyện triển khai, thu hồi khí tài ở ngoại vi thành phố Sumgait, tại bãi biển Caspien. Hai trung đoàn về nước, đầu tháng 12 năm 1972.
Thật tiếc, tên lửa SAM-3 (S-125) đã không còn cơ hội tham chiến vì 12 ngày đêm đánh B- 52 kết thúc. Người, khí tài đã về trận địa mà đạn vẫn rải rác trên các toa tàu tuyến ga Zabaikan - Bằng Tường.
Rồi chiến tranh kết thúc, phải tới hơn 20 năm sau, dòng khí tài Pechura 2 đạn trên 1 bệ phóng mới kết thúc sứ mệnh canh giữ vùng trời Việt Nam, nhường chỗ cho các khí tài tiên tiến, uy lực hơn.
Lứa chiến sĩ tên lửa, là sinh viên ngày ấy, nay đã trên 60 tuổi. Sau này, nhiều anh ra quân năm 1975, trở về mặt trận mới.
Người thành kỹ sư, nhà quản lý, tướng lĩnh, người giữ giữ cương vị cao trong các ngành, như nguyên trắc thủ Nguyễn Đức Hoàn, sau là Giám đốc nhà máy xi măng Hoàng Thạch nhiều năm liền. Như Vi Văn Liên, sau là Phó Tư lệnh quân chủng PK-KQ.
Như Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) Tổng biên tập Báo Tiền Phong. Như Tạ Tấn, UVTU, Giám đốc Học viện Quốc gia HCM...
Bài học rút ra qua khóa huấn luyện ở Baku là, với việc chuyển giao khí tài, huấn luyện khai thác sử dụng, chuyển loại vũ khí, nếu chọn đầu vào là các chiến sĩ có học vấn tốt, thì không có gì tốt bằng phương pháp “cầm tay, chỉ việc” trực tiếp huấn luyện trên máy.
Sau này nâng cao nhận thức bằng học tiếp lý thuyết cơ bản. Mới đấy mà đã 44 năm.