Trong một bài viết vừa được đăng tải trên tờ The Washington Times, sỹ quan quân khí cao cấp Russton Kramer, đồng thời là một cựu binh “mũ nồi xanh” giàu kinh nghiệm đã tiết lộ rằng, các đồng đội của ông ta đang tham chiến ở Afghanistan đã phải tự đi mua cò súng và một số loại linh kiện khác từ thị trường chợ đen để về thay thế vào mẫu tiểu liên tấn công M4A1 – phiên bản dành cho lực lượng đặc nhiệm Mỹ - nhằm cải thiện độ ổn định cũng như tính tin cậy của khẩu súng khi chiến đấu.
“Sự tin cậy hoàn toàn không có ở (trên khẩu súng này)”, viên sỹ quan từng được trao huân chương Sao Bạc tiết lộ với phóng viên của tờ The Washington Times, “Tôi thà dùng bất kỳ một khẩu súng loại khác nào đó mà tôi nhặt được thay vì phải phó thác sinh mạng của mình cho khẩu M4A1 đầy may rủi”.
Điều đáng nói là những gì viết trên tờ The Washington Times mới chỉ là một phần nhỏ sự thật được trích từ báo cáo điều tra về tính tin cậy của các mẫu súng trường tấn công tiêu chuẩn đang được sử dụng trong quân đội Mỹ. Cuộc điều tra được tiến hành bởi hãng chuyên sản xuất súng Colt Defense LLC.
Theo nhà sản xuất vũ khí này, mặc dù liên tục được nâng cấp và cải tiến trong những năm gần đây nhưng M4A1 thực chất vẫn chỉ là một phiên bản ngắn hơn, nhẹ hơn của khẩu M-16 được dùng từ thời chiến tranh Việt Nam.
So với M-16 hay kể cả là “đàn anh” của nó là mẫu carbin M4, khẩu M4A1 đã cải thiện được một số điểm yếu nguy hiểm như hay bị kẹt đạn, tốc độ bắn quá chậm, cò súng hoạt động không ổn định nhưng từng đó vẫn chưa đủ. Theo phản ánh của các binh sỹ Mỹ đang chiến đấu tại nhiều chiến trường khác nhau, M4A1 luôn “thể hiện mình” chậm chạp hơn hẳn các đối thủ, cò súng hay bị kẹt, quỹ đạo đạn không ổn định dẫn đến tính chính xác kém, tốc độ bắn liên thanh thấp và đặc biệt là rất hay bị hỏng vặt.
Để cải thiện, các binh sỹ dày dạn kinh nghiệm thường truyền cho nhau cách “độ súng”. Họ đi nhặt cò súng loại khác về chế lại, mua lò xo tốt hơn… về thay vào.
Dường như Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã biết về những điểm yếu này nên hồi năm ngoái, họ đã tổ chức một cuộc “thi tuyển” để tìm ra một mẫu súng trường tấn công khác nhằm thay thế cho khẩu M4A1. Nhưng đáng buồn là mặc dù cuộc thi đã có đủ mặt các anh tài trong làng sản xuất súng Mỹ như Heckler & Koch, FNH-USA, Remington Defense, Adcor Defense và cả Colt Defense... nhưng không một mẫu súng nào đạt yêu cầu.
Clinton Romesha, một cựu binh từng được trao huân chương Danh dự nhờ những chiến công trong trận chiến ở Afghanistan hồi năm 2009, cho biết, anh ta rất thất vọng khi biết tin quân đội không tìm được mẫu súng nào khác có thể thay thế cho M4A1.
“Khi nghe tin về cuộc thi tuyển này, hầu hết các binh lính Mỹ đều rất vui mừng và bảo nhau: Cuối cùng thì họ cũng chịu tìm kiếm một khẩu súng khác tốt hơn là khẩu được dùng từ thời chiến tranh Việt Nam này. Ai nấy đều phấn khích.
Nhưng khi biết rằng kết thúc cuộc thi tuyển mà vẫn không có mẫu súng mới, chúng tôi đã rất buồn. Nỗi buồn của một người lính khi phải thốt lên rằng: Sẽ chẳng có thứ gì tử tế hơn dành cho bạn”, Clinton Romesha thổ lộ trong một cuộc phỏng vấn của tờ Military.com.
Hiện nay Romesha đã giải ngũ và đang làm đại diện cho hãng Adcor Defense, một hãng chuyên sản xuất súng và anh ta rất tán dương mẫu tiểu liên A-556 Elite với những tính năng như cơ cấu hoạt động bằng piston, nòng súng free-floating giúp tăng độ chính xác, tay cầm thuận tiện cho mọi người (thuận tay phải hay trái đều được), lớp polymer chống bụi bẩn…
“Không có điều gì quan trọng hơn đối với một người lính ngoài chiến trường là anh ta luôn được đảm bảo rằng khẩu súng mà anh ta được trang bị sẽ hoạt động hoàn hảo khi cần thiết”, Romesha nói, “Dù phát triển cái gì đi chăng nữa thì các nhà sản xuất súng phải ghi nhớ một nguyên tắc rất đơn giản nhưng quan trọng là mỗi khi người lính siết cò súng, nó sẽ nổ chứ không phải một tiếng cạch khô khan, chết chóc”.
Nhưng theo Romesha, người đã từng có tới hai nhiệm kỳ ở Iraq, thì quân đội Mỹ luôn cho thấy họ sai lầm trong việc lựa chọn trang bị, khí tài, từ những loại vũ khí lớn cho đến khẩu súng cá nhân hay thậm chí là đôi giày cho lính.
Viên cựu binh này cho biết, anh ta cùng với các đồng đội của mình thời mới sang Afghanistan đã phải mang những đôi giày được phát ra đập suốt 3 tuần mới đủ độ mềm để đi leo núi mà không phồng rộp đôi chân.
“Chúng tôi đã may mắn hơn các đơn vị khác là vị chỉ huy lữ đoàn đã cho phép chúng tôi dùng giày vải để hành quân đường dài”, Romesha nói.
M-4 bị HK-416 "dìm hàng"