Chính phủ Nga hiện đang áp dụng những biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ Thế vận hội này, do đây là mục tiêu tấn công số 1 của Doku Umarov, thủ lĩnh phiến quân Hồi giáo và là kẻ bị truy nã gắt gao nhất của chính phủ Nga.
Thế vận hội mùa đông Sochi còn là một cơ hội để Tổng thống Vladimir Putin giới thiệu một nước Nga mới, hiện đại và phát triển hơn sau 2 thập niên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, và những người Cô-dắc cũng là một phần lịch sử đáng tự hào của nước Nga.
Dưới thời Sa hoàng, những chiến binh Cô-dắc giúp bảo vệ các vùng biên cương và được giao quyền tự trị khá lớn. Tuy nhiên, dưới thời Liên Xô, do các sai lầm của chính họ, người Cô-dắc đã trải qua một thời kỳ khó khăn. Sau khi Liên Xô sụp đổ, những người Cô-dắc lại hồi sinh và thường được giới chức trách yêu cầu hỗ trợ trong công tác an ninh, mặc dù chính thức thì họ không thuộc biên chế quân đội hay cảnh sát. Những người này tiêu biểu cho tư tưởng ái quốc và Chính thống giáo, theo xu hướng bảo thủ và nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Putin. Cô-dắc thường được so sánh với những cao bồi miền Viễn Tây của nước Mỹ.
Đồng phục của lực lượng này được thiết kế dựa trên trang phục truyền thống
Theo Konstantin Perenizhko, phó chỉ huy trưởng lực lượng Cô-dắc trong khu vực, có tổng cộng 410 chiến binh Cô-dắc tham gia tuần tra cùng với cảnh sát tại các nhà ga, sân bay và các khu thi đấu Olympic. Họ đã bắt đầu nhiệm vụ của mình từ 4 tuần trước khi Thế vận hội khai mạc.
Những người Cô-dắc cũng tham gia bảo vệ các đường phố, khu công cộng, hệ thống giao thông tại Volgograd sau khi xảy ra 2 vụ đánh bom tự sát tại đây hồi tháng 12. Alexander Tkachyov, thống đốc vùng Krasnodar, bao gồm thành phố Sochi, khởi xướng việc dùng Cô-dắc từ năm 2012 với khoảng 1.000 người, chủ yếu để đối phó với làn sóng người Hồi giáo nhập cư vào đây.
Nguồn gốc người Cô-dắc
Người Cô-dắc được cho là có nguồn gốc từ những người Tartar và bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XIV. Khi đó, họ đã được Moscow sử dụng để bảo vệ biên giới, hộ tống các sứ thần và các đoàn thương nhân khi di chuyển qua vùng biên. Dần dần, một bộ phận người Cô-dắc trở nên "Nga hóa" về mặt sắc tộc và đến giữa thế kỷ 15 đã tách rời khỏi nguồn gốc Tartar của mình. Tuy vậy, họ vẫn giữ những đặc điểm riêng, đặc biệt là truyền thống chiến binh và sử dụng ngựa.
Mối quan hệ giữa người Cô-dắc và Moscow khá phức tạp. Sa hoàng một mặt tìm cách sử dụng họ, nhưng mặt khác vẫn phải hết sức cảnh giác xu hướng ly khai của người Cô-dắc. Một trong những cuộc nổi dậy lớn nhất xảy ra vào năm 1670. Quân Cô-dắc tàn sát mọi người Nga mà họ gặp trên đường tiến quân đến Moscow. Một số binh lính của Sa hoàng cũng bỏ ngũ và tham gia quân phiến loạn. Người Cô-dắc cuối cùng bị đánh bại ở Simbirsk, cách Moscow 900km và thủ lĩnh Stenka Razin bị xử tử ở Quảng trường Đỏ. Từ đó trở đi, những người Cô-dắc đều phải thề trung thành với Sa hoàng và những quyền tự trị của họ cũng bị hạn chế đi nhiều.
Truyền thống quân sự của người Cô-dắc
Tuy vậy, một khi được kiểm soát tốt thì người Cô-dắc cung cấp một nguồn chiến binh chi phí rẻ nhưng rất hiệu quả cho Sa hoàng. Nhìn chung khoảng 70% kỵ binh của Sa hoàng trong thời chiến là người Cô-dắcTrong cuộc chiến với Napoleon, hơn 50.000 người Cô-dắc tham chiến, trong đó 20.000 người thiệt mạng.
Tranh vẽ mô tả cảnh kỵ binh Cô-dắc tàn sát quân Pháp đang rút chạy khỏi Moscow
Trước năm 1835, Sa hoàng có quyền huy động bất kì người đàn ông Cô-dắc nào khi cần thiết, miễn là người đó vẫn có thể cưỡi ngựa. Sau đó, thời hạn giảm còn 30 năm, rồi 18 năm. Người Cô-dắc phải tự trả chi phí cho ngựa, quân phục và các trang bị cá nhân của mình. Sa hoàng chỉ cung cấp súng nhưng người Cô-dắc vẫn phải trả lại một nửa chi phí của khẩu súng.
Trong Thế chiến thứ 1, có hơn 900 đại đội kỵ binh Cô-dắc tham gia quân đội Sa hoàng. Tuy nhiên lúc này, kỵ binh đã tỏ ra không còn phù hợp với chiến tranh hiện đại và ngay cả những sĩ quan người Nga cũng không đánh giá cao người Cô-dắc. Sau Cách mạng tháng 10, người Cô-dắc chiến đấu cùng phe với lực lượng Bạch Vệ phản động.
Một nhóm chỉ huy Cô-dắc trước cách mạng
Do đó dưới thời Xô Viết, mọi quyền tự trị của người Cô-dắc bị bãi bỏ, các bài hát và trang phục truyền thống bị cấm. Người Cô-dắc cũng không được tham gia Hồng Quân. Tuy nhiên đến năm 1936, khi nguy cơ xảy ra chiến tranh lại xuất hiện, thì người Cô-dắc một lần nữa được gọi vào quân đội. 5 sư đoàn kỵ binh của Hồng quân khi đó được đổi tên thành các sư đoàn Cô-dắc. Khi Thế chiến thứ 2 nổ ra, Liên Xô là nước có lực lượng kỵ binh đông nhất thế giới khi đó.
Trong chiến tranh, nhiều người Cô-dắc tham gia lực lượng của quân Đức. Một số tự nguyện, do được hứa có quyền tự trị rộng rãi hơn nếu nước Đức thắng cuộc, một số bị bắt buộc do không thể chịu được điều kiện khủng khiếp sau khi bị Đức bắt làm tù binh.
Lính Cô-dắc trong biên chế quân đội Đức quốc xã
Sau Thế chiến thứ 2, với sự biến mất của kỵ binh, truyền thống quân sự của người Cô-dắc của chấm dứt mặc dù họ vẫn phục vụ trong các đơn vị khác nhau của quân đội Liên Xô. Theo cuộc điều tra dân số năm 2002 thì tại Nga còn khoảng 140.000 người Cô-dắc.
Đơn vị Cô-dắc tham gia buổi diễu binh mừng thắng lợi trên Quảng trường Đỏ năm 1945