Diễn ra 2 năm 1 lần, triển lãm hàng hải và hàng không vũ trụ quốc tế Langkawi (LIMA) là một trong những triển lãm vũ khí lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Triển lãm năm nay quy tụ 512 công ty quốc phòng (so với 433 công ty ở 2 năm trước), với 65 tàu chiến và 110 máy bay.
Phía Nga có 18 công ty tham gia với diện tích gian trưng bày là 645m2, trong đó có gian hàng của nhà máy đóng tàu Zelenodolsk (nơi đóng các chiến hạm Gepard cho Hải quân Nhân dân Việt Nam).
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng với những người đồng cấp các nước ASEAN đã tham dự lễ khai mạc triển lãm LIMA 2015.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng là một trong những khách mời danh dự đầu tiên tham quan gian hàng của nhà máy Zelenodolsk ở triển lãm LIMA.
Thông tin trên website của nhà máy cho biết, tại triển lãm lần này, có 2 mẫu tàu chiến của nhà máy được đặc biệt quan tâm. Đó là tàu tuần tra thuộc đề án 22160 và tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9.
Theo ông Renat Mistahov, Giám đốc nhà máy Zelenodolsk, đây là 2 mẫu tàu thu hút được nhiều sự quan tâm của các quốc gia ven biển và quốc đảo ở Đông Nam Á.
Zelenodolsk cho biết, hiện tại nhà máy đang hoàn thiện cặp Gepard tiếp theo cho Hải quân Việt Nam, đồng thời cho hay, Việt Nam đánh giá cao khả năng của các tàu hộ vệ Gepard.
Qua quan sát, có thể thấy về mặt tổng thể, mô hình tàu Gepard tại LIMA 2015 có thiết kế và trang bị vũ khí hầu như tương tự với 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam là tàu Đinh Tiên Hoàng (011) và tàu Lý Thái Tổ (012).
Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là mô hình có thêm bộ phận thiết bị thủy âm (sonar) gắn vào thân tàu.
Đại tướng Phùng Quang Thanh và mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard tại LIMA-2015.
Năm ngoái, hãng thông tấn Itar-Tass dẫn lời ông Yevgeny Matveyev, kỹ sư trưởng phòng thiết kế của Zelenodolsk cho biết, ngoài vũ khí chống hạm, cặp Gepard tiếp theo đóng cho Hải quân Việt Nam còn được trang bị cả vũ khí chống ngầm.
Tuy nhiên, ông Matveyev không tiết lộ cụ thể cấu hình của 2 con tàu.
Nếu 2 tàu Gepard tiếp theo của Việt Nam được thiết kế theo mô hình Gepard tại triển lãm LIMA lần này thì vũ khí, trang bị của các tàu sẽ bao gồm:
- Pháo hạm AK-176M
- 2 pháo bắn nhanh AK-630M
- 1 hệ thống CIWS Palma
- 2x4 tên lửa chống hạm Uran-E/UE
- 1 đài radar cảnh giới Pozitiv-ME
- 1 radar dẫn bắn Minera-ME
- 1 radar điều khiển hỏa lực pháo 5P-10-03E Laska
- 1 radar hàng hải MR-231
- Thiết bị thủy âm gắn vào thân tàu
Đoàn Hải quân Bangladesh tìm hiểu mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard của nhà máy đóng tàu Zelenodolsk tại triển lãm LIMA 2015.
Trước đó, các mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard tương tự như mô hình tại LIMA 2015 từng được nhà máy Zelenodolsk trưng bày tại một số triển lãm khác và trong các dịp giới thiệu đoàn khách tới tham quan cơ sở nhà máy.
Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard (tương tự như mô hình tại LIMA-2015) tại buổi lễ đặt ky đóng 2 tàu đề án 15310 vào ngày 06-01-2015 tại nhà máy Zelenodolsk.
Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard (tương tự như mô hình tại LIMA 2015) trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng nước Cộng hòa Kazakhstan đến nhà máy Zelenodolsk vào ngày 05-01-2015.
Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard tại triển lãm IMDS-2011 tương tự như mô hình tại LIMA 2015.