Lịch sử thăng trầm của họ tên lửa huyền thoại Scud (phần cuối)

Khi tên lửa đạn đạo R-11M lần đầu triển khai cuối những năm 1950, việc sử dụng chỉ hạn chế số lượng nhỏ ở các lữ đoàn đặc biệt, nằm dưới sự chỉ huy của Bộ Tổng Tham mưu, không nằm dưới điều khiển lực lượng Lục quân.

R-11M vẫn còn khá đắt tiền và được coi là tài sản cho cuộc chiến tranh hạt nhân nói chung, không dành riêng để hỗ trợ chiến dịch chiến thuật.

Nhưng mọi chuyện dần thay đổi, Tổng bí thư Nikita Khruschev lên năm quyền, ông này coi tên lửa mang đầu đạn hạt nhân làm điểm tựa cho lực lượng vũ trang tương lai.

Thay vì duy trì lực lượng lớn binh lính (tới hàng triệu người) cùng hàng trăm nghìn binh khí kỹ thuật, Khruschev hình dung ra tương lai Quân đội Liên Xô phải là đội quân quy mô nhỏ và trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá mạnh.

Tổng Bí thư Khruschev quyết định chuyển đổi lữ đoàn tên lửa RVGK (Dự bị cho Bộ Tổng tư lệnh tối cao) thành lực lượng tên lửa chiến lược (RVSN) chịu trách nhiệm lực lượng hạt nhân chiến lược (thuộc Lục quân). Kết quả, lữ đoàn tên lửa tầm ngắn, gồm các đơn vị R-11M được đổi tên thành Lữ đoàn tên lửa chiến dịch – chiến thuật và nằm dưới sự điều hành của  Lục quân.

Lịch sử thăng trầm của họ tên lửa huyền thoại Scud
Quá trình phát triển từ R-11 tới R-17 gắn liền với quan điểm nhà lãnh đạo Liên Xô Khruschev.

Binh chủng Pháo binh Lục quân Liên Xô đổi tên thành “Lực lượng Pháo binh và Tên lửa” cho phù hợp với thay đổi.

Mỗi lữ đoàn R-11M biên chế 9 xe phóng, 200 xe vận tải hỗ trợ cùng 1.200 lính. Năm 1962, Lữ đoàn R-11M đầu tiên triển khai cho Lực lượng Lục quân Liên Xô đóng tại Cộng hòa Dân Chủ Đức.

Sau một thời gian có kinh nghiệm hoạt động với R-11M, các tướng lĩnh quân đội Liên Xô thấy rằng tên lửa nhiên liệu lỏng khó bảo quản trên thực địa khi được điều hành bởi đội ngũ binh lính nghĩa vụ ít đào tạo. Vì vậy, họ cần thế hệ tên lửa mới khắc phục yếu kém của R-11M.

Đáp ứng yêu cầu đó, năm 1958-1959, các nhà khoa học Liên Xô phát triển tên lửa nhiên liệu rắn Onega (tầm 70km) cho nhiệm vụ chiến thuật và tên lửa tầm xa PR-2 (tầm 250km) cho nhiệm vụ chiến thuật – chiến dịch và Ladoga (tầm 300km) cho nhiệm vụ chiến dịch.

Dù các nhà phát triển vũ khí Liên Xô hy vọng thiết kế này sẽ cung cấp một thế hệ mới vũ khí linh hoạt và hiệu quả hơn nhưng cũng phải công nhận rằng, công nghệ nhiên liệu rắn rất phiền hà, buộc Liên Xô quay lại lối đi cũ, thiết kế tên lửa nhiên liệu lỏng cải tiến dựa trên R-11M, R-11MU.

Tên lửa đạn đạo R-17

Chương trình phát triển R-11MU thực hiện từ 4/1958 bởi Cục thiết kế SKB-385 Makeyev. Trong quá trình phát triển, tên lửa R-11MU được đổi tên thành R-17 (Mỹ gọi là SS-1C, NATO gọi là Scud B), nó gần như là thiết kế hoàn toàn mới, ít điểm chung với “người tiền nhiệm” R-11.

Toàn bộ hệ thống tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật dùng tên lửa R-17 được Tổng cục Pháo binh – Tên lửa (GRAU) định danh 9K72 Elbrus.

Tháng 12/1959, tại trường bắn Kasputin Yar, Liên Xô bắn thử thành công tên lửa đạn đạo R-17. Ngày 7/11/1961, R-17 lần đầu xuất hiện trước công chúng trong cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Năm 1962, chính phủ Liên Xô ra nghị quyết chấp nhận R-17 đưa vào biên chế.

R-17 có chiều dài 11,25m, đường kính thân 0,88m, khối lượng phóng 5,9 tấn. Tên lửa trang bị động cơ Isayev RD-21 nhiên liệu lỏng (thành phần nhiên liệu gồm chất cháy TM-185, chất oxy hóa AK-27I và nhiên liệu phóng TG-02).

Hệ thống dẫn đường sử dụng 3 con quay hồi chuyển cho phép đạt độ chính xác cao hơn nhiều, bán kính lệch mục tiêu CEP đạt 450m (phương Tây cho rằng con số vào khoảng 900m). R-17 thiết kế mang đầu đạn thông thường nặng 1 tấn hoặc đầu đạn hạt nhân 5-70 kiloton, đầu đạn hóa học.

Lịch sử thăng trầm của họ tên lửa huyền thoại Scud
Xe phóng 9P117 mang tên lửa đạn đạo chiến thuật R-17.

Với công nghệ kỹ thuật mới áp dụng giải bài toán động cơ, cho phép R-17 tăng tầm bắn lên 270km.

Sau này, Liên Xô tiếp tục cải tiến đưa ra biến thể mới R-17M tăng tầm lên 300km và biến thể khác thử nghiệm vào năm 1965 tăng tầm tới 500-600km. Nhìn chung việc tăng tầm bắn chủ yếu dựa vào thay đổi động cơ, thành phần nhiên liệu phóng tên lửa hoặc giảm tải trọng tăng chỗ chứa nhiên liệu.

Đặc biệt hơn cả, việc bảo quản nhiên liệu trong điều kiện chiến trường kéo dài tới 6 tháng, trong thời bình tới 19 năm, thỏa mãn yêu cầu quân đội. Trước đó, việc bảo quản nhiên liệu phóng là một trong những vấn đề mà các tướng lĩnh quân đội kêu ca với R-11.

Về phương tiện mang phóng, ban đầu R-17 dùng xe phóng 8U218 (khung gầm cơ sở xe bánh kích AT-T) của R-11M. Năm 1961, Liên Xô chuyển sang xe phóng bánh xích 2P19 (khung gầm cơ sở pháo tự hành ISU-152K) cho R-17. Tuy nhiên, phương tiện bánh xích gây ra độ rung lớn ảnh hưởng tới thiết bị điện tử tinh vi trong tên lửa. Bên cạnh đó, năm 1962, Tổng bí thư Khruschev hủy bỏ việc sản xuất xe tăng hạng nặng. Vì vậy, Liên Xô gấp rút tìm phương án phương tiện phóng tự hành mới.

Cục thiết kế Trung ương Titan (Volgograd) được giao nhiệm nhiệm vụ phát triển phương tiện mang phóng tự hành bánh lốp mới. Họ chọn khung gầm cơ sở xe vận tải hạng nặng MAZ-543 làm xe mang phóng đạn R-17, định danh  9P117 Uragan.

Tên lửa đạn đạo chính xác cao

Trong suốt quá trình phát triển, cụm từ "chính xác cao" là một điều gì đó xa xỉ với tên lửa đạn đạo R-11/R-17, có lẽ là giấc mơ khó có thực. Thế nhưng, với sự phát triển mạnh mẽ công nghệ kỹ thuật, từ giữa những năm 1960, các nhà khoa học Liên Xô nghiên cứu cải tiến R-17 để đạt độ chính xác mục tiêu lớn hơn.

Năm 1967, Viện Nghiên cứu Khoa học về tự động hóa Trung ương thực hiện chương trình phát triển biến thể chính xác cao mang tên R-17 Aerofon áp dụng công nghệ so sánh quang học, tức là so sánh hình ảnh mục tiêu tấn công.

Do giới hạn công nghệ, mãi tới năm 1974, chương trình mới tái khởi động. Theo đó, đạn tên lửa R-17 Aerofon thiết kế đầu đạn nằm tách biệt với khoang thân. Đầu đạn lắp thêm hệ thống dẫn đường pha cuối của riêng nó. Đầu mũi tên lửa trang bị TV Camera, hệ thống so sánh khu vực mục tiêu với dữ liệu ảnh kỹ thuật số lưu giữ trong kho máy tính để tấn công.

Trong 2 lần bắn thử vào tháng 9-10/1984, R-17 Aerofon đều thất bại. Sau này, nguyên nhân được xác định là do có đám bụi bám ở ống kính quang học, mũi tên lửa. Vấn đề được khắc phục và cuộc thử vào năm 1985 thành công, R-17 Aerofon có bán kính lệch mục tiêu CEP chỉ khoảng 50m – con số cực kỳ ấn tương.

Năm 1989, sau khi hoàn tất mọi thử nghiệm, R-17 Aerofon sẵn sàng chờ tiếp nhận vào lực lượng. Tuy nhiên, nó không bao giờ sản xuất hàng loạt, vì những năm 1980, hệ thống tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật Touhka (SS-21 Scarab) và Oka (SS-23) hiện đại hơn đã xuất hiện.

Theo một số nguồn tin, sau 1990, nước Nga có xuất khẩu một số lượng không xác định R-17 Aerofon.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại