Lấy Nga khích Mỹ, không quân Ấn Độ ngồi hưởng lợi

Hùng Mạnh |

Ngay sau khi Tổng thống Obama được ngắm máy bay Nga và Ấn Độ từ chối tiêm kích Rafale của Pháp, Mỹ đã mang hàng loạt chiến đấu cơ đến “Aero India 2015”.

Lộ kế hoạch “khủng” của Ấn Độ qua “Aero India 2015”

Ngày 18-2, triển lãm hàng không quốc tế lần thứ 10 “Aero India 2015” đã khai mạc tại căn cứ không quân Yelahanka thuộc thành phố Bangalore, bang Kanartaka, tây nam Ấn Độ, nhằm thu hút công nghệ mới từ các công ty quốc phòng toàn cầu.

Phát biểu tại lễ khai mạc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi các nhà thầu quốc phòng toàn cầu chuyển giao nhiều hơn nữa công nghệ quân sự cho Ấn Độ trong các hợp đồng mà họ giành được.

Bên cạnh đó hình thành các liên doanh cùng nghiên cứu và sản xuất các loại vũ khí ở Ấn Độ, nhằm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang quốc gia nam Á này.

Thủ tướng Modi cũng tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ các doanh nghiệp nước ngoài liên doanh, chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ hàng không với các công ty Ấn Độ thông qua việc tham gia sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ".

Đồng thời ông kêu gọi các nỗ lực xây dựng nước này thành một trung tâm hàng không toàn cầu.

Ông Modi nhấn mạnh, chính phủ của ông đã quyết định nâng trần đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực quốc phòng lên 49% để mở cửa cho các hoạt động đầu tư của các công ty nước ngoài vào lĩnh vực nhiều tiềm năng này.

Ấn Độ được dự đoán sẽ chi tới 250 tỷ USD trong thập kỷ tới để nâng cấp quân đội, vốn vẫn phụ thuộc lớn và các trang thiết bị của Nga mà họ đã mua từ những năm 1960 - 1980, và sánh kịp các đối thủ chiến lược như Trung Quốc.

Phi đội máy bay Su-30MKI của Nga và Mirage-2000 của Pháp trong biên chế không quân Ấn Độ
Phi đội máy bay Su-30MKI của Nga và Mirage 2000 của Pháp trong biên chế không quân Ấn Độ

Với sự tham dự của hơn 750 công ty quốc phòng đến từ 34 quốc gia trên thế giới, triển lãm “Aero India 2015” đã trở thành một trong những sự kiện hàng không lớn nhất hành tinh.

Sự kiện năm nay cũng thu hút hơn 150.000 doanh nghiệp và khoảng 300.000 khách mời chính thức tham dự, trong đó có 5 bộ trưởng, 6 tư lệnh quân đội và đoàn đại biểu cấp cao từ một số quốc gia.

Triển lãm hàng không Ấn Độ “Aero India” được tổ chức hai năm một lần kể từ năm 1996 đến nay và đã trở thành một “sân chơi lớn” lớn cho các công ty thiết bị vũ khí toàn cầu trưng bày sản phẩm, thiết bị hàng không cũng như tìm kiếm các hợp đồng từ Ấn Độ.

Triển lãm năm nay kéo dài 5 ngày, được xem là cơ hội để các công ty nước ngoài thăm dò cơ hội làm ăn mới với các đối tác Ấn Độ.

Trong đó kế hoạch liên doanh chế tạo và sản xuất 1.000 máy bay lên thẳng các loại để trang bị cho lực lượng vũ trang Ấn Độ trong 15 năm tới đang thu hút sự chú ý của nhiều công ty nước ngoài.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để chính phủ Ấn Độ quảng bá và phát triển sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” trong lĩnh vực quốc phòng nhằm hiện đại hóa quốc phòng, hướng tới mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới trong tương lai.

Mỹ là nước có số lượng công ty quốc phòng tham dự đông đảo nhất (64 công ty), tiếp đó là Pháp với 58 doanh nghiệp, Anh 48 có cơ sở sản xuất quốc phòng, Nga cử đến 41 đại diện, Israel có 25 công ty và Đức có 17 doang nghiệp quốc phòng.

Máy bay được trưng bày tại triển lãm hàng không “Aero-India 2015”

Máy bay được trưng bày tại triển lãm hàng không “Aero India 2015”

Mỹ cũng là nước có nhiều sản phẩm trưng bày và nhiều chuyến bay biểu diễn nhất tại triển lãm “Aero India 2015”.

Hàng loạt trang bị hàng không hiện đại của Mỹ như máy bay vận tải chiến lược C-17 Globemaster, máy bay vận tải chiến thuật C-130 Hercules, máy bay tiếp dầu trên không KC-135 Stratotanker, máy bay trinh sát chống ngầm P-8A Poseidon đã có mặt.

Đáng chú ý là tại triển lãm hàng không lần này, các Tập đoàn Lockheed Martin và Boeing đã mang đến những chiến đấu cơ đang được biên chế trong không quân Mỹ như F-16 Fighting Falcon, F/A-18 Hornet, đặc biệt là sự xuất hiện lần đầu của tiêm kích F-15C Eagle.

“Cay mũi với Nga”, Mỹ chào mời Ấn Độ hàng loạt chiến đấu cơ

Đây là một động thái mới, được cho là nhằm giành giật thị phần máy bay chiến đấu ở Ấn Độ với Nga và châu Âu của các công ty Mỹ.

Bởi cuộc triển lãm lần này diễn ra trong bối cảnh New Dehli vừa quyết định từ bỏ hợp đồng mua sắm chiến đấu cơ Rafale của Pháp và đang ngả về phía Nga.

Kể từ khi có dấu hiệu trục trặc của thương vụ Rafale, Ấn Độ đã có dấu hiệu quay trở lại với “hàng Nga”, tuy nhiên không phải là chiến đấu cơ MiG-35 của Mikoyan mà vẫn là chiếc Su-30 MKI của Sukhoi.

Các máy bay Su-30MKI của Nga đang được coi là sự thay thế thích hợp cho Rafale vì giá cả và sự ổn định nó mang lại.

Điểm đặc biệt đáng lưu ý là Su-30MKI có giá vừa rẻ lại vừa được trang bị tên lửa hành trình chống hạm tốc độ siêu âm hàng đầu thế giới BrahMos.

Điều này có thể biến nó nguy hiểm hơn các loại tiêm kích hiện đại của phương Tây, cũng chính là niềm tự hào của liên danh Nga - Ấn BrahMos Aerospace.

Không quân Ấn Độ đang trang bị tiêm kích hạm MIG-29K của Nga

Không quân Ấn Độ đang trang bị tiêm kích hạm MIG-29K của Nga

Su-30MKI cũng là niềm tự hào của hợp tác công nghệ quốc phòng 2 nước khi loại tiêm kích này được coi là mạnh nhất trong thế hệ Su-30, được bán khắp nơi trên thế giới, tích hợp các loại vũ khí tiên tiến nhất của Nga-phương Tây, không kém cạnh Su-30SM của Nga.

Ngoài ra, không quân Ấn Độ còn được trang bị tiêm kích hạm thế hệ mới nhất MiG-29K của Nga.

MiG-29K mạnh hơn so với Su-33 (của Nga) và J-15 (Trung Quốc), trang bị trên tàu sân bay INS Vikramaditya do Nga cải tạo lại cho Ấn Độ và những tàu sân bay quốc nội như INS Vikrant, chế tạo theo kiểu Nga.

Trong tương lai, với khoảng 300 chiếc chiến đấu cơ thế hệ 4 Su-30MKI và cũng từng ấy chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 FGFA (phiên bản hợp tác Nga-Ấn, dựa trên nền tảng Sukhoi T-50 PAK FA của Nga).

Dường như New Dehli vẫn định dựa vào Moscow để tăng cường sức mạnh cho lực lượng tác chiến không quân.

Nếu để ý kỹ, tất cả những loại vũ khí Ấn Độ mua của Nga đều có vai trò quan trọng, là trụ cột trong các quân, binh chủng của nước này.

Đặc biệt là, chúng hầu hết thuộc loại phương tiện mang tính chất tác chiến trong khi đó, Ấn Độ chỉ mua của Mỹ những trang bị mang tính chất phục vụ, bảo đảm.

Hợp đồng mua sắm 12 máy bay vận tải C-130J Hercules và 10 chiếc C-17 Globemaster cùng với 8 chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8I Neptune tuy mang lại doanh thu cực lớn cho Mỹ nhưng chúng chỉ đơn thuần là các máy bay phục vụ cho hoạt động chiến đấu.

Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8I Neptune Ấn Độ - phiên bản xuất khẩu của P-8A Poseidon của Mỹ
Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8I Neptune Ấn Độ - phiên bản xuất khẩu của P-8A Poseidon của Mỹ

Trong khi đó, Nga còn có một số loại máy bay hiện đang đóng vai trò quan trọng trong không quân Ấn Độ.

Đó là máy bay vận tải hạng nặng Ilyushin Il-76 Candid, máy bay tiếp dầu Ilyushin Il-78 Midas và máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không Beriev A-50 Mainstay và các loại máy bay trực thăng vũ trang, vận tải…

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức New Dehli hồi cuối tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã tham dự cuộc duyệt binh trong lễ hội quốc gia Ngày Cộng hòa ở Ấn Độ.

Trong số các loại máy bay chiến đấu, ông đã được người Ấn giới thiệu 2 loại tiêm kích hiện đại của Nga là MiG-29K và Su-30MKI.

Ông Obama lặng lẽ nhai kẹo cao su và trầm ngâm ngắm hàng loạt loại vũ khí, khí tài quân sự hiện đại mà New Dehli, trong đó phần lớn là vũ khí do Nga chế tạo, hoặc liên danh sản xuất với Ấn Độ diễu qua lễ đài.

Đó là các xe tăng T-90, tên lửa hành trình BrahMos và ngẫm nghĩ về thực chất mối quan hệ hợp tác Mỹ - Ấn?

Và động thái mang hàng loạt chiến đấu cơ hiện đại đến triển lãm hàng không quốc tế lần thứ 10 “Aero India 2015” của các công ty Mỹ phải chăng là kết quả của động thái “khích tướng” mà người Ấn đã tiến hành?

Việc 2 ông lớn giành giật thị trường béo bở sẽ khiến New Dehli ngồi giữa ung dung hưởng lợi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại