Lầu Năm Góc: Không quân TQ hiện đại hóa với quy mô chưa từng có

Anh Trần |

(Soha.vn) - "Không quân TQ đang hiện đại hóa với quy mô chưa từng có và nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các lực lượng không quân phương Tây"- Báo cáo của BQP Mỹ viết.

Bản báo cáo thường niên dài 96 trang về năng lực quốc phòng Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên quốc hội hôm qua đã cho thấy sự quan ngại ngày càng tăng của Washington với tình hình phát triển sức mạnh quân sự của Bắc Kinh nói chung và đặc biệt là lực lượng Không quân Trung Quốc (PLAAF).

Báo cáo viết: “PLAAF là lực lượng không quân hùng hậu nhất châu Á và lớn thứ ba trên thế giới, với khoảng 330.000 nhân viên và hơn 2.800 máy bay, không bao gồm các phương tiện bay không người lái (UAV)”. Các máy bay của PLAAF gồm 1.900 chiến đấu cơ các loại, 600 trong số đó là các máy bay hiện đại.

Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh: ”PLAAF đang theo đuổi quá trình hiện đại hóa với một quy mô chưa từng có trong lịch sử và nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các lực lượng không lực phương Tây trên một loạt các khía cạnh, bao gồm máy bay, khả năng chỉ huy và kiểm soát, khí tài gây nhiễu, tác chiến điện tử và kết nối dữ liệu”

Có thể thấy, Washington đã có thái độ thận trong hơn nhiều so với những gì phản ánh trong các bản báo cáo những năm trước. Chẳng hạn, trong báo cáo 2013 viết: "Trung Quốc vẫn đang tiếp tục cho ra các máy bay thế hệ 4 ngày càng hiện đại, tuy nhiên lực lượng (không quân) vẫn bao gồm chủ yếu là những máy bay cũ thuộc thế hệ 2 và 3 hoặc các biến thể nâng cấp của những máy bay này”.

Sự khác biệt đến trong báo cáo năm nay: "Mặc dù vẫn còn duy trì hoạt động một số lượng lớn các máy bay chiến đấu cũ thế hệ 2 và 3, nhưng Không quân Trung Quốc sẽ sớm trang bị đông đảo máy bay thế hệ 4 trong vài năm tới".

Máy bay chiến đấu Su-35

Máy bay chiến đấu Su-35

Để củng cố lực lượng không quân chiến thuật, Mỹ cho rằng Trung Quốc đang rất nỗ lực để có được Su-35, biến thể mạnh mẽ nhất thuộc dòng tiêm kích Flanker cùng với đó là các radar quét mạng pha điện tử bị động Irbis-E tiên tiến.” Nếu Trung Quốc mua được Su-35, những máy bay này có thể được đưa vào phục vụ trong năm 2016 đến 2018”. Đây sẽ là sự tăng cường sức mạnh đáng kể cho lực lượng Không quân TQ.

Tiêm kích J-20

Tiêm kích J-20

Trung Quốc cũng đang theo đuổi khả năng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ năm. Trong vòng 2 năm kể từ khi tiêm kích J-20 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2011, Trung Quốc đã thử nghiệm nguyên mẫu tiêm kích thế hệ năm thứ 2, được biết đến là J-31. Đây là một mẫu chiến đấu cơ có kích thước tương đương F-35 và mang nhiều đặc điểm thiết kế từ J-20.

“Hiện nay, không rõ J-31 được phát triển cho PLAAF hay lực lượng Không quân của Hải quân hay để xuất khẩu cạnh tranh với F-35 của Mỹ” - Báo cáo viết.

Máy bay ném bom H-6K

Máy bay ném bom H-6K

Thay đổi của lực lượng máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc cũng được đề cập một cách kỹ càng hơn so với những báo cáo trước. Lực lượng này vẫn tiếp tục hoạt động nhờ các nâng cấp hiệu quả và vũ khí mới. H-6 được phát triển thêm phiên bản máy bay tiếp nhiên liệu trên không. H-6G phục vụ trong lực lượng Không quân Hải quân với 4 giá treo vũ khí, có thể mang các tên lửa hành trình chống hạm.

Đặc biệt, Trung Quốc đang phát triển một biến thế H-6K với động cơ phản lực cánh quạt mới, cho phép mở rộng tầm hoạt động. Nó được cho là có khả năng mang theo 6 tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Theo bản báo cáo, H-6 nếu có thể được biến đổi để hoạt động trên tàu sân bay thì sẽ mang lại cho không quân Trung Quốc một khả năng tấn công tầm xa với những vũ khí dẫn đường chính xác.

Bản báo cáo nhận định Không quân TQ cũng đang sở hữu một lực lượng phòng không tiên tiến hàng đầu thế giới. Xương sống của lực lượng này là các hệ thống phòng không SA-20 (S-300PMU1/2) mua của Nga và CSA-9 (HQ-9) mà Bắc Kinh tự phát triển dựa trên S-300.

Hơn thế nữa, “Trung Quốc có thể trở thành quốc gia đầu tiên nhập khẩu được hệ thống phòng không S-400/Triumf của Nga, trong khi đồng thời phát triển HQ-19, một phiên bản nội địa của S-400".

Máy bay vận tải Y-20

Máy bay vận tải Y-20

Ngoài ra, báo cáo còn đề cập rằng “Trung Quốc đang thử nghiệm một loại máy bay vận tải cỡ lớn (Y-20) nhằm bổ sung cho phi đội vận tải chiến lược mà hiện nay gồm một số lượng hạn chế các máy bay IL-76 do Nga chế tạo”.

J-20 Trung Quốc bay thử nghiệm

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại