Được biết, con tàu được đặt theo tên nhà bác học Lê Quý Đôn do Công ty kỹ thuật tàu thủy Choren Design & Consulting, Ba Lan thiết kế.
Tàu được khởi đóng tại Nhà máy Marine Projects vào ngày 2/7/2014, hạ thủy ngày 1/6/2015 và sẽ biên chế cho Học viện Hải quân ở Nha Trang.
Việc tàu buồm Lê Quý Đôn được biên chế tại Học viện Hải quân cho thấy các lớp học viên sau này sẽ được huấn luyện và thực hành những phương pháp đi biển, định hướng,... căn bản nhất.
Chào mừng tàu Lê Quý Đôn về nhà. Ảnh: TCT.
Như vậy, có thể nói hành trình xuyên 2 đại dương lớn nhất Trái đất là độc nhất vô nhị, chưa từng có tàu hải quân nào của Việt Nam từng thực hiện. Cần phải nói rõ thêm là tàu "tự đi, tự về", chứ không cần bất kỳ tàu mẹ nào "cõng" theo.
Thành tích trên cũng tương xứng với sự độc nhất vô nhị của con tàu buồm huấn luyện đang sắp được bàn giao này.
Chắc chắn, kíp thủy thủ (gồm cả các thủy thủ Việt Nam) đã gặt hái được rất nhiều kinh nghiệm quý trong chuyến hải hành "lên đênh" trên các đại dương có thể kéo dài tới 4 tháng.
Qua đó, không chỉ giúp đào tạo vận hành thành thạo trang thiết bị trên tàu mà còn rèn luyện sức chịu đựng dẻo dai, khả năng ứng phó với mọi tình huống thực tế phát sinh trên biển, nhất là trên các vùng biển xa nơi có điều kiện thời thiết phức tạp.
Hơn nữa, chuyến đi này cũng chứng minh tính năng ưu việt của bản thân con tàu và quyết định đặt mua nó là hoàn toàn chính xác.
Kết thúc hải trình, cập bến cảng của Học viện Hải quân (Nha Trang - Khánh Hòa), tàu buồm huấn luyện Lê Quý Đôn đã chính thức xác lập kỷ lục có một không hai, trở thành con tàu đầu tiên của Hải quân Việt Nam tự hành trình qua cùng lúc tới 2 đại dương.