Trên tàu có cất giấu một số thiết bị quân sự, một sự vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc đang áp đặt lên CHDCND Triều Tiên. Mặc dù chưa có thông tin chính thức từ nhà chức trách, có thể nhận ra khí tài này từ những hình ảnh được công bố.
Thiết bị này là một phần trong radar SNR-75 của hệ thống tên lửa phòng không S-75, hay còn được gọi là SA-2 do Liên Xô chế tạo, hoặc một phiên bản sao chép tương tự. S-75 được sử dụng từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, và vẫn còn khá phổ biến hiện nay. Đây là một hệ thống tên lửa phòng không tiêu biểu nhất trong lịch sử do được sử dụng rất rộng rãi và gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng, như bắn rơi máy bay do thám U-2 trên bầu trời Liên Xô ngày 1/5/1960 hay chiến tranh Việt Nam.
Giống như nhiều hệ thống phòng không khác, một khẩu đội S-75 thông thường gồm 3 thành tố chính: giàn phóng tên lửa, radar cảnh báo sớm tầm xa, và radar dẫn bắn SNR-75. Theo đó, radar cảnh báo sớm sẽ phát hiện máy bay đối phương, xác định vị trí tương đối của nó và chuyển thông tin lại cho SNR-75. Nhiệm vụ của nó là xác định, theo dõi vị trí chính xác của mục tiêu, và dẫn đường cho tên lửa đến tiêu diệt mục tiêu. Như vậy, SNR-75 cung cấp thông tin về mục tiêu cho hệ thống chỉ huy-điều khiển trên mặt đất và đồng thời cung cấp thông tin cho tên lửa sau khi nó được phóng đi.
Các thông tin này bao gồm hướng, cao độ và khoảng cách của mục tiêu. Để làm được điều này, SNR-75 sử dụng 2 ăng-ten đặt vuông góc, và 2 tần số khác nhau. Một ăng-ten quét theo chiều ngang từ phải qua trái để xác định hướng, và một ăng-ten quét theo chiều dọc từ trên xuống dưới để xác định cao độ.
Hình ảnh thiết bị phát hiện trên tàu ‘Chong Chon Gang’ chính là 1 trong 2 ăng-ten của SNR-75, như ta có thể so sánh với các hình chụp thực tế của bộ phận này trên hệ thống radar.
S-75 là 1 hệ thống đã tương đối cũ, và hiện được thay thế bằng các hệ thống hiện đại hơn nhiều như S-300, S-400. Tuy nhiên, nó không phải là không còn nguy hiểm. Đặc biệt với những nước bị cấm vận như Cuba hay CHDCND Triều Tiên, S-75 gần như là lựa chọn duy nhất.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!