Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng gửi tới Quốc hội Mỹ tập trung vào quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, kế hoạch có thể xảy ra lên đảo Đài Loan, bước tiến trong công nghệ hàng không vũ trụ và khả năng tấn công bằng tên lửa ngày càng lợi hại của nước này.
Theo đó, Bắc Kinh giờ đây nắm trong tay quân bài tối thượng đối với một cường quốc mới nổi, đó là khả năng bắn đầu đạn hạt nhân đến bất kỳ đâu trên thế giới (trừ các nước Nam Mỹ).
Bản đồ dưới đây từ báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy tầm bắn tối đa của các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc. Tên lửa có tầm xa nhất của nước này hiện nay là CSS-4 có thể bắn đến bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ (ngoại trừ bang Florida).
Tên lửa CSS-4 có tầm bắn xa nhất trong tất cả các loại tên lửa xuyên lục địa của Trung Quốc.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, tên lửa này có thể trang bị đầu đạn hạt nhân và được chứa trong các căn cứ đặt ở vùng quê Trung Quốc. Bắc Kinh ước tính có khoảng 50 đến 60 tên lửa đạn đạo phóng từ căn cứ.
Tiếp sau CSS-4 là tên lửa DF-31A, có tầm xa dài thứ nhì so với các loại tên lửa khác của Trung Quốc. Nó có thể bắn trúng những địa điểm ở bờ biển phía Đông và một phần miền Trung nước Mỹ.
Không như CSS-4, DF-31A là một loại tên lửa được đặt trên xe quân sự. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh có thể đưa nó tới bất kỳ địa điểm nào tại Trung Quốc để ngắm bắn những mục tiêu khác nhau, đồng thời tránh được những đợt phản kích từ đối phương.
Trong khi đó, các loại tên lửa DF-31, CSS-3 và CSS-5 đều là những loại tên lửa phóng từ xe quân sự và cũng có thể lắp đầu đạn hạt nhân.
Nhưng không như CSS-4 hay DF-31A, những loại này chủ yếu được dùng để phòng chống những nước lớn trong khu vực như Nga và Ấn Độ.
Khác với các loại tên lửa trên, JL-2 là một loại tên lửa đạn đạo bắn từ tàu trên biển. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, JL-2 trong tương lai sẽ được trang bị trên các tàu ngầm tên lửa lớp Tấn của Trung Quốc và trở thành một vũ khí hạt nhân.
Hiện tại, nước này đã hạ thủy 4 tàu lớp Tấn và chiếc thứ 5 hiện đang được chế tạo. Các tàu ngầm này có thể sẽ bắt đầu hoạt động trên các vùng biển trong năm nay.
Tàu ngầm phóng tên lửa lớp Tấn của Trung Quốc.
Nguyên nhân của quá trình nâng cấp vũ khí hạt nhân Trung Quốc là do sự phát triển công nghệ quốc phòng tại những nước mà họ coi là đối thủ chiến lược.
Báo cáo này viết rằng, Trung Quốc hiện đại hóa tên lửa của mình “do sự tiến bộ không ngừng của Mỹ và các thiết bị do thám, tên lửa chính xác và hệ thống chống tên lửa của Nga”.
Bên cạnh đó, khả năng tấn công bằng tên lửa hạt nhân của Ấn Độ cũng gây sức ép đối với Trung Quốc và khiến họ liên tục nâng cấp và phát triển vũ khí của mình.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…
>>> Hệ thống thiết bị điều khiển mục tiêu trường bắn cơ bản bộ binh