Tàu ngầm "made in Vietnam" có nhiều điều kỳ lạ

Minh Đức |

(Soha.vn) - Để đóng tàu ngầm cần rất nhiều kỹ thuật hiện đại, liệu tàu ngầm Trường Sa 1 của Việt Nam đã đạt được trình độ thế giới?

Do yêu cầu hoạt động đặc biệt nên trong việc chế tạo tàu ngầm cần nhiều công nghệ bậc cao trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghệ luyện kim. Sự xuất hiện của tàu ngầm Trường Sa 1 do công ty cơ khí Quốc Hòa chế tạo được giới thiệu trang bị rất nhiều công nghệ hiện đại đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Liệu công nghệ chế tạo tàu ngầm của Việt Nam đã đạt được trình độ thế giới? Việc một công ty cơ khí trong nước tham gia chế tạo tàu ngầm là một tín hiệu đáng mừng nhưng cần phải có những nhận xét khách quan để không tự hào một cách quá đáng.

Từ vật liệu chế tạo phải nhập khẩu hoàn toàn, việc hàn nối vỏ tàu cũng do nước ngoài đảm nhận, công ty Quốc Hòa không đóng góp nhiều trong việc chế tạo tàu ngầm Trường Sa-1.

Vật liệu chế tạo phải nhập khẩu hoàn toàn, việc hàn nối vỏ tàu cũng do nước ngoài đảm nhận, công ty Quốc Hòa không đóng góp nhiều trong việc chế tạo tàu ngầm Trường Sa 1.

Trong chế tạo tàu ngầm cần có những vật liệu và công nghệ nào? Việt Nam làm chủ được bao nhiêu công nghệ trong đó?

Về vật liệu

Do tàu ngầm hoạt động trong môi trường dưới mặt nước biển, nơi có áp suất rất cao nên đòi hỏi vật liệu chế tạo vỏ tàu ngầm phải là loại thép cường độ cao hoặc những loại thép đặc biệt thường được sử dụng để chế tạo giáp cho các loại xe tăng hay xe bọc thép.

Để chế tạo được những vật liệu kiểu này, công nghệ luyện kim phải đạt mức độ tinh vi mới đảm bảo được yêu cầu về đặc tính kỹ thuật cho vật liệu. Trên thế giới hiện nay, chỉ một số nước thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển mới có khả năng làm chủ công nghệ luyện kim bậc cao này.

Ngay như Ấn Độ, một quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển hơn Việt Nam rất nhiều cũng phải nhập khẩu thép cường độ cao từ Nga để phục vụ cho quá trình đóng tàu chiến của họ. Đối với Việt Nam hiện nay, phần lớn các loại thép tấm được sử dụng trong công nghiệp đóng tàu đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Loại thép dùng làm vỏ tàu của tàu ngầm Trường Sa 1 cũng không phải ngoại lệ. Theo một số nguồn tin, vỏ tàu ngầm Trường Sa 1 là loại thép đặc biệt nhập khẩu từ nước ngoài có độ dày 10-15 mm.

Tuy nhiên, loại thép cường độ cao thường có giá rất đắt và có những ràng buộc riêng về quy chế nhập khẩu nên chỉ có những tổ chức lớn cấp nhà nước mới có khả năng để nhập khẩu loại thép đặc biệt này. Còn nếu không sử dụng loại thép đặc biệt này mà sử dụng thép thông thường thì vấn đề an toàn khi hoạt động của tàu ngầm Trường Sa 1 sẽ rất đáng bàn.

Công nghệ hàn

Một công nghệ khác không kém phần quan trọng là việc hàn nối các phần của vỏ tàu lại với nhau. Việc này xem chừng có vẻ đơn giản nhưng thực tế, không hề đơn giản chút nào. Khi hoạt động trong môi trường áp suất cao, nếu mối hàn không đảm bảo chất lượng dưới áp suất nước biển, có thể khiến mối hàn bị rách, thậm chí là xé toạc vỏ tàu.

Việc hàn nối vỏ tàu phải thuê một công ty nước ngoài thực hiện, điều đó cho thấy bản thân nhà chế tạo không có nhiều kinh nghiệm trong công nghệ đóng tàu.
Việc hàn nối vỏ tàu phải thuê một công ty nước ngoài thực hiện, điều đó cho thấy bản thân nhà chế tạo không có nhiều kinh nghiệm trong công nghệ đóng tàu.

Theo thông tin được giới thiệu trên một số trang mạng Việt Nam thì việc hàn vỏ tàu Trường Sa 1 do một công ty nước ngoài đảm nhận. Như vậy công ty cơ khí Quốc Hòa không có khả năng làm chủ công nghệ hàn vỏ tàu. Việt Nam đã làm chủ được công nghệ hàn vỏ tàu tải trọng lớn, nhưng đó là các tàu nổi. So với tàu ngầm thì những yêu cầu về công nghệ không khắt khe bằng.

Yêu cầu về thiết kế thủy động lực học

Đối với tàu ngầm, thiết kế thủy động lực học là một yêu cầu cực kỳ quan trọng, không muốn nói là quyết định tính khả thi của dự án. Phần lớn các tàu ngầm trên thế giới có thiết kế thủy động lực học theo kiểu hình giọt nước để giảm tối đa lực cản của nước khi lặn.

Một tính năng cực kỳ quan trọng là khả năng ổn định của tàu khi ở trong nước, do tàu ngầm thường có thiết kế hình trụ nên nó cần phải có khả năng ổn định và tự cân bằng khi ở trong nước. Khả năng cân bằng của tàu không chỉ phụ thuộc vào cánh ổn định mà còn phụ thuộc vào cách bố trí các thiết bị bên trong, cũng như các hệ thống tự cân bằng khác.

Để tàu ngầm có thể lặn xuống và nổi lên, vỏ tàu cần phải được thiết kế thành 2 lớp, lớp trong kín nước để bảo vệ thủy thủ đoàn và các thiết bị, lớp ngoài chứa các khoang và bể nước để bơm nước vào hoặc ra khi tàu lặn xuống hay nổi lên.

Thiết kế thủy động lực học của tàu ngầm Trường Sa-1 tồn tại khá nhiều vấn đề kỹ thuật.

Thiết kế thủy động lực học của tàu ngầm Trường Sa 1 tồn tại khá nhiều vấn đề kỹ thuật.

Qua quan sát, thiết kế thủy động lực học của tàu ngầm Trường Sa 1 có thiết kế hình trụ, các cánh ổn định, khá đơn giản, điều này khiến khả năng ổn định của tàu khi ở dưới nước thực sự là một câu hỏi lớn. Vỏ tàu chỉ có một lớp, vậy con tàu này sẽ lặn xuống và nổi lên bằng cách nào?

Thiết kế thủy động lực học của tàu ngầm Trường Sa-1 thực sự có vấn đề, nhiều chuyên gia kỹ thuật trong nước hoài nghi về khả năng “lặn” được của tàu ngầm này.

Tốc độ của tàu ngầm

Do hoạt động trong môi trường chịu nhiều tác động do lực cản của nước, áp suất, sức nặng của tàu, các dòng hải lưu.. nên tốc độ của tàu ngầm thường không cao. Tốc độ kỷ lục của tàu ngầm trên thế giới được ghi nhận là 31 hải lý/giờ (khoảng 57km/h) thuộc về tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp November của Liên Xô.

Những kỷ lục về tốc độ của tàu ngầm từng được tuyên bố là tàu ngầm USS Albacore của Mỹ với khả năng đạt tốc độ tối đa 33 hải lý/giờ, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Akula có khả năng đạt tốc độ 35 hải lý/giờ, thâm chí tàu ngầm lớp Alfa của Liên Xô có thể đạt tốc độ tối đa 40-45 hải lý/giờ. Những tàu ngầm trên đều là đỉnh cao của công nghệ chế tạo tàu ngầm thế giới. Tuy nhiên, đây đều là tốc độ thiết kế mà chưa được ghi nhận trong thực tế.

Tốc độ của tàu ngầm phụ thuộc vào 2 yếu tố là thiết kế thủy động lực học và lực đẩy của động cơ, cũng như cách bố trí chân vịt để phát huy tối đa lực đẩy.

Vị trí đặt chân vịt, công suất động cơ, thiết kế thủy động lực học khiến tồn tại nhiều bất ổn khiến thông tin tuyên bố tàu ngầm này đạt tốc độ 40 hải lý/giờ hoàn toàn là điều không tưởng.

Vị trí đặt chân vịt, công suất động cơ, thiết kế thủy động lực học tồn tại nhiều bất ổn khiến thông tin tuyên bố tàu ngầm này đạt tốc độ 40 hải lý/giờ hoàn toàn là điều không tưởng.

Những tàu ngầm đạt tốc độ cao của thế giới đều được thiết kế hình giọt nước, vị trí đặt chân vịt được bố trí ở vị trí nhỏ nhất của đuôi tàu nơi nó phát huy tối đa lực đẩy của động cơ. Những tàu ngầm trên đều sử dụng hệ thống động lực hạt nhân có lực đẩy mạnh gấp nhiều lần so với động cơ diesel thông thường.

Trong khi đó, tàu ngầm Trường Sa 1 có 2 chân vịt được đặt ở phía dưới không phải là vị trí phát huy được tối đa lực đẩy của động cơ tác động lên tàu. Tàu ngầm Trường Sa 1 được trang bị 2 động cơ diesel công suất 90 mã lực đem chia cho tải trọng ngập nước của tàu là 12 tấn khi lặn thì tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng chỉ có 7,5 mã lực/tấn.

Trong khi đó, nhà sản xuất tuyên bố tàu ngầm Trường Sa 1 có thể đạt tốc độ tới 40 hải lý/giờ. Đây cũng là một vấn đề mà nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về tính khả thi.

Hy vọng cuộc thử nghiệm được tiến hành trong thời gian tới có thể làm sáng tỏ những luận điểm này và chứng minh rằng, giấc mơ tàu ngầm "made in Vietnam" là hoàn toàn thực tế.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại