Liên quan đến việc thử nghiệm tàu Kilo 636, các phóng viên ban truyền thông của nhà máy đóng tàu Admiralty đã có một cuộc phỏng vấn với người phụ trách bàn giao tàu là kỹ sư trưởng của dự án tàu 6 khoang Alexander Ivanovich Belyi. Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn:
Xin ông điểm lại những mốc quan trọng của quá trình thử nghiệm tàu ngầm Kilo 636 Hà Nội?
Chúng tôi bắt đầu thử nghiệm cùng con tàu từ ngày 5/12/2012. Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên hoàn thành ngày 25/12, giai đoạn hai tiếp tục từ 16/1 đến ngày 27/6/2013, đồng thời kết hợp với huấn luyện, đầu tiên là huấn luyện chuyên viên chỉ huy của Việt Nam, sau đó là ê-kíp thủy thủ lái tàu.
Từ ngày 4 - 17/7, chúng tôi đã hoàn thành toàn bộ chương trình thử nghiệm cấp nhà nước.
Bảng liệt kê chương trình thử nghiệm rất ấn tượng, ông có thể đưa ra những con số cụ thể không?
Chúng ta thử xem nhé, sau thời gian thử nghiệm tàu Kilo 636 đã đi trên biển 102 ngày, trong đó có 296 giờ lặn dưới biển và hoàn thành 65 lần lặn sâu.
Ông thấy có khó khăn gì trong việc thử nghiệm và huấn luyện các thủy thủ nước ngoài không?
Tất nhiên là 7 tháng liên tục trên biển thật sự không dễ dàng, đặc biệt về mặt tinh thần và luôn chịu áp suất lớn của nước biển.
Huấn luyện trên biển là công việc thường xuyên của ê-kíp thủy thủ tàu, cứ 10 ngày đi biển một lần. Việc huấn luyện được giám sát bởi cơ quan tham mưu hạm đội, cơ quan kiểm tra an toàn hàng hải.
Khi vào bờ, chúng tôi ở trong khách sạn, nhưng trong tình huống khẩn cấp tất cả đội phải làm việc 6 ngày một tuần. Vì vậy, nếu ai đó cho rằng, đi công tác huấn luyện là đi nghỉ dưỡng, tôi sẽ thất vọng với nhận định sai lầm đó.
Có bao nhiêu công nhân viên của nhà máy trong thành phần của đội thử nghiệm tàu, và họ có được về nhà dù chỉ một lần trong hơn nửa năm thử nghiệm đó không?
Thành phần số lượng công nhân viên của nhà máy thay đổi trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau. Ở giai đoạn đầu tiên có 53 nhân viên tham gia, giai đoạn cuối có khoảng 19-20 nhân viên của nhà máy. Trong số họ, chắc chắn có khoảng 8-9 người đi liên tục 7 tháng rưỡi trên tàu. Nhưng điều quan trọng là người thân luôn hướng về họ, rất nhiều gia đình đã đưa cả đám trẻ đến thăm thủy thủ vào ngày nghỉ.
Việc huấn luyện ê-kíp thủy thủ nước ngoài đã diễn ra như thế nào và mối quan hệ giữu họ với đội bàn giao tàu ra sao?
Việc huấn luyện cơ bản do ê-kíp thủy thủ Nga thực hiện. Nhưng các thành viên của đội bàn giao đã tham gia rất tích cực trong cả quá trình huấn luyện ê-kíp nước ngoài, họ nói chuyện rồi chỉ dẫn cách làm việc của hệ thống thông tin và máy móc. Hơn nữa là trong đơn đặt hàng đã liệt kê hàng loạt các linh kiện, thiết bị mới mà chỉ có các chuyên gia hạm đội Hải quân của chúng tôi mới hiểu rõ nhất.
Mối quan hệ của các thủy thủ giữa hai ê-kíp rất tốt đẹp, không có bất cứ sự bất đồng nào. Mỗi khi kết thúc một ngày làm việc, cả 2 ê-kíp lại ngồi tổng kết kết quả và thảo luận với nhau về chương trình làm việc của ngày tiếp theo.
Việc huấn luyện đã thành công chứ, thưa ông?
Tất nhiên rồi, như tôi đã nói, phần huấn luyện trên bờ và huấn luyện biển đã hoàn thành, các thủy thủ nước ngoài đã thi xong và nhận được chứng chỉ tương ứng. Mười ngày cuối cùng của khóa huấn luyện, ê-kíp thủy thủ nước ngoài sẽ tự điều khiển chiếc tàu ngầm của mình.
Trong tháng 5, phái đoàn Việt Nam đứng đầu là Thủ tướng chính phủ và Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã đến thăm tàu ngầm Kilo 636 xuất khẩu đầu tiên, họ đã đánh giá con tàu như thế nào?
Họ đánh giá rất cao và có ấn tượng mạnh với thiết kế của tàu. Đây là tàu ngầm đầu tiên Việt Nam mua, và phái đoàn cấp cao của nhà nước đã rất ngạc nhiên là làm thế nào để di chuyển và làm việc trong một không gian khép kín như vậy…
Nghiêm túc mà nói, Thủ tướng Việt Nam rất thích con tàu này. Ông đã nói chuyện với ê-kíp thủy thủ và hỏi tôi rằng, con tàu hoạt động như thế nào trên biển? Để kết thúc buổi nói chuyện, ông nói rằng, Việt Nam đang rất mong chờ tàu ngầm đầu tiên cập cảng của mình và rất vui được tiếp đón các chuyên gia hạm đội tuần dương.
Vậy con tàu hoạt động dưới lòng biển như thế nào thưa ông?
Câu trả lời của tôi giống như khi trả lời với Thủ tướng chính phủ Việt Nam, tàu chứng minh đến 99% các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt tốt nhất. Chúng tôi đã đưa tàu hoạt động trên biển hơn 100 ngày, con tàu đã chứng minh được khả năng hoạt động tuyệt vời và khả năng vận hành hoàn hảo của tất cả cơ cấu máy.
Ông có cảm giác như thế nào khi sau cuộc thử nghiệm, tàu đã trở về cập bến an toàn?
Tôi rất vui vì được trở về nhà nhưng lại thấy tiếc nuối vì lại phải xa biển. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm nhận riêng của tôi vì tôi cũng là một con người mà thôi: khi trên biển thì nhớ gia đình và nhà máy, còn trên đất liền thì lại cảm thấy không thể sống thiếu biển.
Theo ông, trước mắt còn những nhiệm vụ gì cần phải làm trước khi bàn giao tàu ngầm Kilo Hà Nội cho Việt Nam?
Hiện tại, chúng tôi đang khắc phục những sai sót kỹ thuật cuối cùng và chuẩn bị cho huấn luyện gần bờ bắt đầu vào tháng 9 tới. Đây thật sự là một giai đoạn làm việc khối lượng lớn với mục địch kiểm tra tất cả các hệ thống và cơ cấu máy, thực hiện công việc trang trí cần thiết. Vào tháng 11, biên bản bàn giao tàu sẽ được ký kết. Nghi lễ kéo cờ sẽ diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam.
Ông là một thủy thủ chuyên nghiệp, vậy việc tàu Kilo 636 trở về cập bờ trước ngày lễ kỷ niệm hạm đội Hải quân Nga có ý nghĩa gì với ông?
Tất nhiên rất có ý nghĩa rồi, tôi đã mơ thực hiện thành công tất cả các nhiệm vụ huấn luyện đến giữa tháng bảy. Vì vậy, kỷ niệm ngày Hải quân Nga với tôi không thể diễn tả bằng lời, nó là một ngày lễ đặc biệt. Hạm đội Hải quân là cuộc đời của tôi, kể cả trong thời gian phục vụ và bây giờ nữa.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!