Kim Jong-un có 3 lý do để "mạnh mồm" đe dọa Mỹ-Hàn

Các nhà phân tích cho rằng nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un có ba lý do để đưa ra những lời đe dọa Mỹ-Hàn ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một đơn vị biên phòng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một đơn vị biên phòng.

Quân đội Triều Tiên sẽ “xóa sổ” các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc, nhấm chìm Seoul “trong biển lửa hạt nhân”… Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đe dọa rằng Quân đội Nhân dân Triều Tiên “anh hùng” sẽ tiêu diệt mọi kẻ thù.

Hơn thế nữa, Triều Tiên còn tiêu diệt “hang ổ của quân xâm lược” (ám chỉ Mỹ) bằng “đòn hạt nhân phủ đầu”. Đồng thời, các phương tiện thông tin Triều Tiên cũng kêu gọi dân chúng chuẩn bị đối phó với một cuộc xâm lược của Mỹ sắp xảy ra và chuẩn bị sẵn sàng cho “tình huống xấu nhất”.

Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết lên án và trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân lần thứ 3, Bình Nhưỡng quyết định đối đầu. Chính phủ Triều Tiên đã quyết định hủy bỏ Thỏa thuận ngừng bắn 1953 đồng thời cắt đứt “đường dây nóng” liên lạc với Hàn Quốc.

Theo giới chuyên gia, bán đảo Triều Tiên còn “nóng” hơn nữa trong tuần tới. Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân đội Triều Tiên sắp tiến hành một cuộc tập trận lớn có qui mô toàn quốc và có thể phóng tên lửa xuyên lục địa. Người ta không loại trừ khả năng quân đội Triều Tiên lại nã pháo sang lãnh thổ Hàn Quốc, tương tự như vụ nã pháo vào đảo Yeonpyeong năm 2010.

Trong thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đi thăm nhiều đơn vị quân đội và những lời dea dọa chiến tranh tổng lực của ông là do 3 nguyên nhân sau đây:

• Triều Tiên cho rằng phần còn lại của thế giới đang chống lại nước này. Bình Nhưỡng vẫn quả quyết rằng Triều Tiên có quyền chính đáng sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa xuyên lục địa như “kẻ thù không đội trời chung” là Mỹ.

•  Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un cần phải chứng tỏ vị thế lãnh đạo của bản thân, phải chứng tỏ răng ông đủ sức bảo vệ nhân dân trước những kẻ thù bên ngoài và tình hình kinh tế khó khăn hiện nay là do các nước láng giềng “độc ác” gây ra. Theo giáo sư người Trung Quốc Shi Yinhong, vụ thử hạt nhân vừa qua “có mục đích trước tiên nhằm củng cố vị thế lãnh đạo của Kim Jong-un đối với công luận và giới quân sự Triều Tiên”.

•  Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tìm cách lợi dụng việc các nước Đông Bắc Á đang bận bịu với quá trình chuyển giao quyền lực: Quốc hội Trung Quốc nhóm họp để bầu TBT Tập Cận Bình làm chủ tịch nước, Hàn Quốc đang bận thành lập chính phủ mới dưới quyền của tân Tổng thống Park Geun Hye, tân chính phủ “bảo thủ” Nhật Bản chưa củng cố quyền lực và thay đổi ngoại trưởng ở Mỹ.

Ai cũng biết sự tồn vong chế độ ở Triều Tiên phụ thuộc vào nước láng giềng Trung Quốc, đồng minh duy nhất của nước này. Hiện thời, cánh nhà báo và học giả Trung Quốc đang tranh cãi về việc liệu Bắc Kinh có còn cần liên minh với Bình Nhưỡng nữa hay không.

Theo nhà báo Deng Yuwen của Trường đảng Bắc Kinh, vụ Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba chính là cơ hội để Bắc Kinh xét lại mối quan hệ liên minh với Bình Nhưỡng.  Ông này cho rằng lý lẽ gắn an ninh chiến lược của Trung Quốc với số phận của Triều Tiên là đã “lỗi thời”. Trong khi đó, giới quân sự Trung Quốc lại muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Triều Tiên. Một trong những dấu hiệu cho thấy thực tế này là việc Trung Quốc hơn một lần bỏ phiếu trừng phạt Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Do Liên Hợp Quốc chỉ cấm bán cho Triều Tiên du thuyền, ô tô sang trọng, xe đua và đồ trang sức đắt tiền…nhưng không cấm rượu, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un vẫn còn cơ hội vừa thưởng thức rượu Cognac Pháp hảo hạng vừa theo dõi các vụ phóng tên lửa, thử hạt nhân tiếp theo.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại