Ki-43 sát thủ diệt máy bay của Nhật trong CTTG II

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Nakajima Ki-43 là loại chiến đấu cơ của Nhật Bản đã bắn hạ nhiều máy bay đồng minh nhất trong Chiến tranh thế giới thứ II.

Nói đến vũ khí của Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ II đặc biệt là máy bay thì người ta nhắc nhiều đến loại chiến đấu cơ nổi tiếng Mitsubishi A6M Zero. Tuy nhiên, bên cạnh A6M Nhật Bản còn có một máy bay chiến đấu khác nổi tiếng không kém là Nakajima Ki-43.

Nakajima Ki-43 là loại máy bay chiến đấu được sản xuất với số lượng lớn thứ 2 sau A6M, nó được lực lượng đồng minh đặt cho biệt danh Oscar. Sự nổi tiếng của Ki-43 không chỉ đến từ số lượng sản xuất mà chủ yếu nhờ việc nó chính là sát thủ bắn hạ nhiều máy bay của lực lượng đồng minh hơn bất cứ loại chiến đấu cơ nào khác của Không quân đế quốc Nhật Bản.

Nakajima Ki-43 được thiết kế bởi Hideo Itokawa người sau này trở thành “cha đẻ” chương trình tên lửa không gian của Nhật Bản. Máy bay được phát triển dựa trên Nakajima Ki-27, nguyên mẫu Ki-43 ra mắt công chúng lần đầu vào năm 1937.

Máy bay thực hiện chuyến bay thử nghiệm vào tháng 01/1939, tuy nhiên Ki-43 đã gây thất vọng trong lần bay đầu tiên khi phi công phàn nàn rằng máy bay kém cơ động và không nhanh hơn bao nhiêu so với Ki-27.

Ki-43 một máy bay chiến đấu xuất sắc của Nhật Bản những năm Chiến tranh thế giới thứ 2.

Ki-43 là một máy bay chiến đấu xuất sắc của Nhật Bản những năm Chiến tranh thế giới thứ II.

Nhà sản xuất đã tiến hành một chương trình cải thiện thiết kế với hàng loạt mẫu thử nghiệm được sản xuất để có những đánh giá và sửa đổi cho lần sản xuất tiếp theo. Mẫu cải tiến có trọng lượng nhẹ hơn, vỏ máy bay mỏng hơn, thiết kế cánh tà mới tăng hiệu suất cho máy bay.

Ki-43 được thông qua vào tháng 11/1939, máy bay được định danh là Ki-43-I và chuyển giao cho Không quân đế quốc Nhật Bản từ tháng 02/1941. Ki-43 có thiết kế khí động học tương tự A6M, nó được trang bị động cơ cánh quạt xuyên tâm Nakajima Ha-25.

Mẫu cải tiến Ki-43-I đã thể hiện là một máy bay chiến đấu cực kỳ xuất sắc, nhờ trọng lượng nhẹ nên nó có khả năng cơ động tốt cùng tốc độ lên cao rất ấn tượng. Ki-43 được vũ trang 2 súng máy Type-89 7,7mm, hoặc có thể trang bị hỗn hợp 1 súng máy 7,7mm và 1 súng máy hạng nặng 12,7mm. Trong cấu hình chiến đấu hạng nặng máy bay thể trang bị 2 súng máy 12,7mm.

Nhà sản xuất tiếp tục cải tiến Ki-43-I thành mẫu Ki-43-II vào năm 1942. Ki-43-II được trang bị động cơ mới Nakajima Ha-115 có công suất mạnh hơn với cánh quạt 3 lưỡi. Buồng lái được bọc giáp 13mm ở khu vực đầu của phi công và được nâng cao lên nhằm tăng tầm quan sát, bên cạnh đó là trang bị thùng nhiên liệu tự hàn khi bị trúng đạn.

Cánh máy bay được gia cố để mang bom hoặc thùng nhiên liệu phụ trợ. Biến thể nâng cấp tiếp theo Ki-43-III được giới thiệu vào mùa hè năm 1944 trang bị động cơ Ha-115-II có công suất mạnh hơn. Tổng cộng có 5.919 chiếc Ki-43 được sản xuất cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, đưa nó trở thành loại máy bay sản xuất nhiều thứ 2 sau A6M.

Sát thủ diệt nhiều máy bay đồng minh nhất

Khi đưa vào chiến đấu, Ki-43 hoàn toàn chiếm ưu thế trong các cuộc không chiến. Sự nhanh nhẹn khiến Ki-43 trở thành một đối thủ đầy thách thức đối với các phi công đồng minh.

Mặc dù trang bị vũ khí khá khiêm tốn song Ki-43 vẫn bắn hạ nhiều máy bay đồng minh nhất.

Mặc dù trang bị vũ khí khá khiêm tốn song Ki-43 vẫn bắn hạ nhiều máy bay đồng minh nhất. Trong ảnh một chiếc Ki-43-I được trưng bày tại bảo tàng.

Các phi công đồng minh từng chạm trán với máy bay này đều đánh giá nó rất cao, rất khó để đưa Ki-43 vào tầm ngắm bởi sự nhanh nhẹn khác thường của nó. Mặc dù thiếu vũ khí đủ mạnh nhưng Ki-43 vẫn bắn hạ nhiều máy bay đồng minh hơn bất cứ loại chiến đấu cơ nào khác của Nhật Bản thời đó.

Ki-43 được sử dụng một cách hiệu quả trong các chiến dịch phòng thủ của Nhật Bản tại mặt trận Thái Bình Dương. Nó cũng được sử dụng với vai trò đánh chặn xung quanh khu vực Thủ đô Tokyo. Những năm cuối chiến tranh, một số Ki-43 còn được sử dụng với nhiệm vụ cảm tử nhằm chống lại các tàu chiến Mỹ ở Thái Bình Dương.

Ki-43 là một chiến đấu cơ xuất sắc ở đặc tính bay, tuy nhiên nó lại gặp phải điểm yếu cố hữu của các máy bay Nhật Bản thời đó là không được bọc giáp hoặc chỉ được bọc giáp nhẹ ở khu vực buồng lái, thùng nhiên liệu tự hàn không hiệu quả gây ra những tổn thất cao trong chiến đấu.

Mặt khác, trang bị vũ khí của Ki-43 là không đủ mạnh để chống lại những máy bay đồng minh được bọc giáp tốt hơn. Biến thể Ki-43-Ia chỉ được trang bị 2 súng máy 7,7mm, biến thể Ki-43-Ic được trang bị 2 súng máy hạng nặng 12,7mm song như vậy vẫn là chưa đủ.

Mãi đến biến thể Ki-43-IIIb mới được trang bị 2 pháo 20mm, không may chỉ có 2 chiếc hoàn thành và Nhật Bản đã bị đánh bại trước khi nó được sản xuất với số lượng lớn để có thể tạo ra sự thay đổi. Nếu Ki-43 được trang bị vũ khí mạnh hơn có thể nó còn bắn hạ được nhiều máy bay của lực lượng đồng minh hơn nữa.

Ki-43 chính thức ngưng hoạt động ở Nhật Bản ngay sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II. Một số Ki-43 vẫn hoạt động trong lực lượng Không quân Mãn Châu và Không quân Thái Lan cho đến khoảng năm 1952. Pháp cũng sử dụng một số Ki-43 trong các chiến dịch chống lại Việt Minh tại chiến trường Việt Nam.

Máy bay chiến đấu Nakajima Ki-43 Type-1 trong Chiến tranh thế giới thứ II

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại