Trong bối cảnh năm 1979, do nhu cầu cần có một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm với tầm bay dài, vừa có thể không chiến, vừa có thể tấn công mặt đất để yểm trợ cho bộ binh, Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ một số máy bay tiêm kích-bom Su-22M/UM.
Những chiếc Su-22M đầu tiên của Việt Nam do Liên Xô viện trợ được sơn màu trắng.
Su-22M vừa có khả năng không chiến tốt để thay thế cho MiG-17 và MiG-19, vừa có thể làm thay nhiệm vụ tấn công mặt đất, yểm trợ hỏa lực của F-5 và A-37.
Hiện nay toàn bộ số Su-22M/UM trong đợt viện trợ đầu tiên đều đã ngừng hoạt động.
Đến đầu năm 1989, Trung đoàn không quân 937 đã tiếp nhận những chiếc Su-22M4 đầu tiên, đây là biến thể được sản xuất cuối cùng của dòng máy bay Su-22 với những cải tiến đáng kể trong hệ thống điện tử.
Su-22M4 của đợt tiếp nhận sau được sơn màu xanh da trời nhạt
Theo một số báo cáo nước ngoài, trong đó có cả tài liệu nghiên cứu về nền quốc phòng Việt Nam của giáo sư Carlyle A. Thayer, trong năm 1998, Việt Nam đã có hợp đồng với Nga để sửa chữa và tăng hạn sử dụng 54 chiếc Su-22M/M4.
Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ( SIPRI ) cho biết thêm, trong năm 2005, Việt Nam đã mua lại từ Cộng hòa Czech 5 chiếc Su-22 và sang năm 2006 tiếp tục mua 8 chiếc Su-22 khác từ Ukraine.
Những máy bay này hầu hết thuộc biến thể 2 chỗ ngồi Su-22M3K và đã được nâng cấp bổ sung khả năng tác chiến trên biển.
Su-22M3K được nâng cấp năng lực đánh biển tại Ukraine có màu sơn xanh rằn ri đặc trưng
Ngoài ra còn có nhiều thông tin cho biết, trong năm 2005 Việt Nam đã ký hợp đồng mua lại 40 chiếc Su-22 đã qua sử dụng từ Ba Lan.
Tuy nhiên hiện vẫn chưa có báo cáo nào khẳng định thương vụ trên và không rõ Việt Nam đã nhận được bao nhiêu chiếc Su-22 từ phía đối tác này.
Do vậy có thể tạm cho rằng tính đến thời điểm năm 2006, Không quân Việt Nam có trong biên chế tất cả 67 chiếc Su-22. Tuy nhiên từ đó đến nay đã có 4 vụ tai nạn rất nghiêm trọng xảy ra với Su-22.