Không quân Nga "choáng váng" trước hỏa lực phòng không Gruzia

Đại tá Trần Danh Bảng |

Chỉ trong 2 ngày đầu tiên trong cuộc chiến với chàng "tí hon" Gruzia, Không quân Nga đã nếm mùi tổn thất và "choáng váng" khi có tới 6 máy bay chiến đấu hiện đại bị bắn rơi.

LTS: Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga tham chiến ở Syria bằng nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại đã và đang gây cho IS và các lực lượng đối lập với Chính quyền của Tổng thống Assad nhiều tổn thất nặng nề.

Thế nhưng, cho dù IS và các lực lượng đối lập chưa có các loại vũ khí phòng không hiện đại với số lượng lớn, nhưng chắc chắn Nga vẫn phải dè chừng bởi biết đâu các tổ chức "khủng bố" sẽ được tiếp tay bởi các thế lực thù địch và bài học Gruzia vẫn còn đang nóng hổi.

Xin trân trọng giới thiệu 2 bài viết của Đại tá Trần Danh Bảng xoay quanh cuộc “Chiến tranh 5 ngày” giữa Nga và Gruzia, phân tích chuyên sâu về những tổn thất của KQ Nga và bài học kinh nghiệm không chỉ với Nga mà còn với cả Việt Nam.

BÀI 1: KHÔNG QUÂN NGA "CHOÁNG VÁNG" TRƯỚC HỎA LỰC PHÒNG KHÔNG GRUZIA

Cuộc “Chiến tranh 5 ngày” bắt đầu từ 8 tháng 8 năm 2008 giữa Nga với Gruzia ở Nam Ossetia, không quân thuộc Quân khu Bắc Kavkaz (Nga) được trao cho một trong những vai trò quyết định, nhất là thời gian đầu.

Đó là trinh sát và đánh phá các mục tiêu, cắt đứt, chặn giao thông, phá kho tàng và khu vực tập trung binh lực của đối phương.

Trong 5 ngày lâm trận, Không quân Nga, kể cả lực lượng không quân vận tải, đã thực hiện gần 2.500 phi vụ. Trong 3 ngày đầu chiến tranh, không quân chiến thuật đã thực hiện trung bình 3 lượt xuất kích với số lượng máy bay tương đương cỡ trung đoàn.

 
Đại tá trần danh bảng
 

Không quân Nga đã hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, gây tổn thất lớn cho quân đội Gruzia, tiêu diệt được đa số các mục tiêu hạ tầng quân sự.

Đã phá hủy các đường băng cất, hạ cánh của gần như tất cả các sân bay Gruzia, kể cả đường băng cất cánh của Nhà máy hàng không Tbilisi.

Chỉ có đường băng cất, hạ cánh của sân bay ở Tbilisi là không bị đánh bom. Theo báo cáo, các lực lượng phòng không của Nga bắn hạ 3 Su-25 của Gruzia.

Nhưng tổn thất của Không quân Nga gồm 6 máy bay chiến đấu, trong đó có 2 chiếc (Su-25SM và Su-25BM), 2 chiếc Su-24M và một máy bay ném bom siêu âm tầm xa Tu-22M3 lại là sự kiện gây “choáng váng” không chỉ với Nga mà còn với cả Phương Tây.

Những nguồn tin còn cho biết, không loại trừ Nga mất 2 máy bay UAV nữa. Cho đến tận bây giờ người ta vẫn còn mổ xẻ những nguyên nhân gây tổn thất lớn cho Không quân Nga trong cuộc chiến tranh này.


Cái giá phải trả cho sự chủ quan, khinh suất của Không quân Nga tại Gruzia là 6 máy bay chiến đấu bị bắn hạ.

Cái giá phải trả cho sự chủ quan, khinh suất của Không quân Nga tại Gruzia là 6 máy bay chiến đấu bị bắn hạ.

Thực lực phòng không của Gruzia

Nhiều tài liệu đánh giá thực lực phòng không của Gruzia tại thời điểm chiến tranh ở Nam Ossetia là khá mạnh, họ có đủ khả năng từ trinh sát, phát hiện cho tới tiến công các mục tiêu trên không. Về phương tiện trinh sát và kiểm soát vùng trời.

Gruzia lại có chỗ dựa mua sắm tin cậy từ Ukraina.

Ukraina bán cho nước này 2 tổ hợp radar 36D6 trinh sát đường không ba tọa độ, là phiên bản hiện đại hóa sâu của radar ST-68U (19ZH6). Nó có tầm phát hiện các mục tiêu bay từ cự ly đến 360 km hiện đại, sử dụng từ năm 1980 triển khai tại Tbilisi và Gori Shavshevebi.

Ukraina cũng chuyển giao ít nhất một đài radar thụ động "Kolchuga", phát hiện được các máy bay sử dụng công nghệ tàng hình. Tháng 5 năm 2008, Gruzia còn nhận tiếp 4 hệ thống "Kolchuga"  và 1 hệ thống tác chiến điện tử.

Công ty "Aerotekhnika" của Ucraina năm 2007 đã hiện đại hóa dòng radar P-18 lên chuẩn P-180U cho Gruzia. Vào thời điểm tấn công vào Nam Ossetia, không quân Gruzia có 4 radar P-180U đã qua nâng cấp triển khai gần Tbilisi, Marneuli, Poti và Batumi.

Từ năm 2006, các công ty Ucraina "Aerotekhnika" kết nối 4 radar kiểm soát không lưu quân sự là dòng radar Kolchuga vào hệ thống điều khiển không lưu quốc gia thống nhất (ASOC - Trung tâm điều hành Air Sovereignty).  ASOC đặt tại Tbilisi từ năm 2008.

Điều đáng chú ý là ASOC được kết nối với ASDE (hệ thống dữ liệu không lưu) của NATO qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Như thế cho phép Gruzia nhận dữ liệu về tình hình trên không trực tiếp từ hệ thống phòng không thống nhất của khối NATO.

Về hỏa lực tên lửa phòng không, đáng chú ý nhất là việc nước này mua lại của Ukraina một tiểu đoàn SAM "Buk-M1 9K37M1" (Nato định danh là SA-11) với cơ số 48 tên lửa 9M38M1 đất đối không vào năm 2007.


Xe bệ mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung BuK-M1 tương tự loại Gruzia có trong biên chế. Ảnh minh họa.

Xe bệ mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung BuK-M1 tương tự loại Gruzia có trong biên chế. Ảnh minh họa.

Gruzia cũng có trong biên chế ít nhất 5 tổ hợp tên lửa phòng không "Osa-AK» (SA-8B) cùng hơn 40 hệ thống tên lửa phòng không mang vác các loại như Strela-2, Igla.

Có những báo cáo về việc Gruzia mua hệ thống phòng không tầm ngắn tiên tiến của Israel là Spyder-SR, sử dụng tên lửa "không đối không" Python 5 và Derby.

Không quân Gruzia quá nhỏ bé nên chẳng thể ảnh hưởng gì lớn đến tiến trình chiến sự. Nền tảng của Không quân Gruzia là 12 cường kích Su-25KM Skorpion - đã qua hiện đại hóa bởi hãng Ebit Systems của Israel.

Số máy bay còn lại bị ví như là đống rác gồm L-29, L-39, cũng như đống lẩu gồm hơn 10 trực thăng Mi-24, Mi-8 và UH-1 già cỗi mà Mỹ chuyển giao vốn đã có hơn 30 năm tuổi.

Tác giả Mikhail Barabanov, trong bài “Ba phân tích quân sự của chiến tranh giữa Nga và Georgia" đã nhận định:

Các máy bay của Nga như Su-24, Su-25, Tu22M3 xâm nhập tiến công vào Nam Ossetia và sâu trong nội địa Gruzia mà không được hỗ trợ gây nhiễu trong và ngoài đội hình thì phòng không Gruzia chẳng gặp khó khăn gì đáng kể trong kiểm soát vùng trời và đánh trả.

Các lực lượng phòng không Gruzia gồm một số lượng lớn các hệ thống tên lửa phòng không di động, pháo pháo phòng không, gồm cả loại tự hành ZSU-23-4 Shilka... tương đương tính năng các hệ thống phòng không cuối thập niên 1980 và đầu 1990 của Liên Xô.


Tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Spyder-SR của lực lượng phòng không Gruzia.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Spyder-SR của lực lượng phòng không Gruzia.

Thực trạng không quân Nga

Vào thời điểm tháng 8 năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử Không quân Nga đã phải đương đầu với hệ thống phòng không tương đối hiện đại của đối phương, cho dù đó là một nước nhỏ.

Đó là Gruzia, vốn lại là một nước Cộng hòa cùng khối Vacssava, cùng nằm trong LB Xô Viết với mối liên hệ một thời “máu thịt”.

Chắc chắn trước đó chưa lâu, không ít những chỉ huy phòng-không không quân người Nga, và người Gruzia đã từng là đồng khóa sĩ quan trong các Học viện quân sự Liên-Xô, từng chia sẻ kinh nghiệm bắn các loại tên lửa ở trường bắn Asuluc (đông Astrakhan-Nga).

Họ không “lạ” gì nhau!

Trong cuộc chiến này không quân Nga có nhiệm vụ chi viện lục quân hoạt động trong vùng sát thương của tên lửa phòng không mang vác và tên lửa phòng không tầm ngắn của Gruzia.

Liên hệ và so sánh một vài chi tiết với không quân NATO và Mỹ trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991 chống Iraq. Chiến dịch không tập đầu tiên NATO và Mỹ cũng nhằm tiêu diệt hạ tầng quân sự và dân sự đối phương.

Trước khi bắt đầu cuộc tấn công trên bộ của liên quân, họ có cả một tháng không kích dữ dội bằng không quân vào Iraq, sau đó lục quân chỉ còn việc đánh bồi khi mà lúc đó quân đội Iraq đã “bị làm mềm”, rối loạn, tan nát.

Có điều mật độ tên lửa phòng không mang vác trong quân đội Iraq mỏng hơn nhiều lần so với trong quân đội Gruzia, hoàn toàn không có các hệ thống tên lửa phòng không lục quân tương đối hiện đại như nêu trên đây.

Tiến công Gruzia, Không quân Nga phải tiến vào khu vực tác chiến trong điều kiện thiên nhiên và địa lý cực kỳ khó khăn.

Sai lầm và cái giá trải trả của Không quân Nga

Phải khẳng định, ban đầu Nga đã đánh giá thấp khả năng phòng không của Gruzia và cho rằng SAM "Buk" và "Osa" của Gruzia thường sử dụng chiến thuật phục kích.

Nhưng chính hệ thống "Buk-M1" của Gruzia trong những ngày đầu tiên đã bắn hạ máy bay Su-25 và Tu-22M3. Những sai lầm trong đánh giá đối phương, khiến Nga đã phải trả giá đắt.


Máy bay ném bom siêu thanh tầm xa Tu-22M3 của Không quân Nga, tương tự một chiếc đã bị phòng không Gruzia bắn hạ. Ản: Airlines.net.

Máy bay ném bom siêu thanh tầm xa Tu-22M3 của Không quân Nga, tương tự một chiếc đã bị phòng không Gruzia bắn hạ. Ản: Airlines.net.

Mổ xẻ những sai lầm đó, chính những người Nga cũng phải thừa nhận:

Nga thiếu hụt máy bay do thám để tiến hành các thông tin tình báo truyền số liệu chi tiết trong thời gian thực với độ chính xác cao để xác định tọa độ radar, các trận địa tên lửa cơ động của Gruzia.

Người Nga nói, máy bay cường kích Su-25 có hệ thống điện tử hàng không “tồi tệ”. Tại thời điểm đó, tỷ lệ máy bay mới và tỷ lệ hiện đại hóa trang bị cho Không quân Nga là rất thấp.

Các điểm yếu của Quân đội Nga có tính cố hữu là khả năng tác chiến ban đêm còn hạn chế, tình báo, thông tin liên lạc nhìn chung là thua kém so với NATO.

Không quân Nga ở khu vực này không đủ số lượng thiết bị trinh sát nhiễu, phân tích và gây nhiễu chế áp đối phương.

Các nhà khoa học quân sự Nga nhận định:

"Lực lượng phòng không của Gruzia có khả năng cơ động cao, hành động bất ngờ, phản ứng nhanh, chu kỳ bắn ngắn (các đợt bắn ngắn), xác suất diệt mục tiêu khá cao và nhất là đủ sức chống lại mục tiêu trên không quy mô nhỏ và tốc độ thấp vào ban đêm".

Không quân Nga tập trung mọi nỗ lực trong những ngày đầu tiên chỉ vào tấn công đối phương mà coi nhẹ việc chế áp các phương tiện phòng không của họ. Nga kỳ vọng vào một số trực thăng gây nhiễu, như Mi-8 PPA, Mi-8 SMV-M.

Nhưng trần bay trực thăng bị hạn chế do ở Nam Ossetia địa hình đa dạng, nhiều đồi núi với độ cao không đồng đều, chi phối đến năng lực trinh sát và chế áp nhiễu của các máy bay trực thăng.

Một chút so sánh, trong chiến tranh Kosovo trước đó gần 10 năm, Mỹ và đồng minh đã sử dung tới 40 máy bay tác chiến điện tử tiên tiến, gây “sát thường mềm” và “sát thường cứng” (gây nhiễu, chế áp điện tử) trong thời gian dài với Quân đội Nam Tư.

Trong đó, máy bay EB-6B chuyên gây nhiễu trên địa bàn rông lớn diện tích lên đến hàng chục ngàn km vuông.

Trong chiến tranh Iraq (lần 2), lính đặc nhiệm Mỹ còn làm được việc “tày trời” là tráo đổi được các con “chip” mang vi-rút, làm tê liệt hệ thống máy tính của chính quyền Tổng thống Saddam…sau đó mới tiến hành các hoạt động của lục quân tấn công đa hướng.

Về phía Nga, trình độ hiệp đồng, phối hợp giữa không quân, lục quân không cao, nếu không nói là tách biệt, ít gắn kết.

Cần hiểu là lực lượng trinh sát chiến trường, tác chiến điện tử mặt đất rất quan trọng, nó không bị hạn chế kích thước máy phát, nguồn điện, nên công suất gây nhiễu rất cao, cường độ nhiễu rất mạnh, trùm phủ nhiều dải tần của các khí tài phòng không đối phương.

Nga đã khinh suất nghiêm trọng khi triển khai và bố trí lực lượng này không đủ "liều lượng".

Nga không có nguồn tin chính xác về các trận địa phòng không tầm thấp vốn luôn “thoắt ẩn, thoắt hiện”, do tình báo mặt đất không đáp ứng được yêu cầu.

Phương tiện tình báo điện tử tác chiến điện tử của Không quân Nga vào ngày đầu tiên chiến sự có thấy dấu hiệu các đài phát sóng tên lửa phòng không Gruzia gần thị trấn Gori và Tbilisi. Nhưng phòng không Gruzia không chỉ có vậy.

Các đài radar 36D6, P-37, 5A87, P-18, 19ZH6, PRV-11 và PRV-13, ASR-12 của Gruzia gần thị trấn Gori, Tbilisi và Marneuli, sản xuất từ Nga, nên Nga chẳng lạ gì, nên họ cũng đã bố trí lực lượng gây nhiễu chế áp.

Tiếc thay, quá trình gây nhiễu bằng “máy nhiễu ngắm” của Nga, thì các radar này ở khoảng cách 100 đến 120 km, khá xa nơi máy bay gây nhiễu An-12PP hoạt động.

Một lý do khác, không quân cường kích Nga không có các vũ khí chính xác cao, ví dụ như tên lửa có điều khiển nên phải dùng bom thường, đời cũ để chặn lực lượng đột kích, máy bay buộc phải bay vào vùng sát thương nguy hiểm của tên lửa mang vác Gruzia.

Trong cuộc chiến 5 ngày với Gruzia, tên lửa có điều khiển của Nga chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng số vũ khí đã sử dụng!

Trong khi đó, để tấn công Iraq, Mỹ và NATO ngay từ đầu có kế hoạch cho không quân tiêu diệt “điểm”, là các trạm radar, sân bay, sở chỉ huy, trạm điện lớn.

Sau đó từng bước mở rộng quy mô tác chiến, bước đầu tiến công kiểu lập thể, gắn kết rất chặt chẽ không quân với bộ binh, hải quân và cả lực lượng vũ trụ.

Tiến công đường không của Mỹ và NATO tuân thủ nguyên lý: "Trinh sát bằng nhiều phương thức như quang điện, lade, hồng ngoại, tình báo mặt đất, trên không, vũ trụ, theo thời gian thực. Đánh bằng nhiều loại máy bay, nhiều loại bom, đạn khác nhau với độ chính xác cao".

Phi công Nga có ít kinh nghiệm do mỗi năm chỉ được huấn luyện khoảng 60 giờ bay (trong khi các phi công của NATO có số giờ huấn luyện cao hơn, là 150 đến 200 hoặc hơn) nên hiệu quả tác chiến của họ cũng không cao.

Kinh nghiệm không kích ở Chechnya, Afghanistan họ chưa nắm rõ hoặc bị lãng quên.

Cụ thể tính theo ngày, thì trong 2 ngày 08 và 09 tháng 8, các phi vụ của Nga đã  bay trên cùng một đường bay, bộc lộ quy luật. Điều này chứng tỏ việc vạch tuyến công kích đa dạng, lắt léo không được coi trọng.

Rõ ràng là cuộc chiến tranh 5 ngày năm 2008 chống Gruzia đã bộc lộ nhiều nhược điểm.

Sự chỉnh đốn, “tái cấu trúc” lại Không quân Nga như ngày nay, có “cú hích” quan trọng từ 5 ngày đáng nhớ của không quân Nga trong lâm trận ở Gruzia.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại