Sau một thời gian chuẩn bị, vừa qua lực lượng Không quân Hải quân gồm Trực thăng EC-225 số hiệu VNT 769 và Thủy phi cơ DHC-6 số hiệu VNT 777 đã cất cánh từ Sân bay quân sự Kiến An, Hải Phòng bay đến các vùng biển, đảo, các đơn vị Hải quân ở Hải Phòng, Quảng Ninh, mở ra thời kỳ mới về sự hiện diện của lực lượng Không quân Hải quân ở các vùng biển, đảo, bầu trời miền Bắc Tổ quốc.
Vượt qua vạn sự khởi đầu nan
Để những chiếc máy bay mang số hiệu của lực lượng Không quân Hải quân xuất hiện trên bầu trời miền Bắc thu hút được sự quan tâm đặc biệt của quân dân miền Bắc là một câu chuyện dài từ sự trăn trở, mong muốn của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ hải quân đến sự chỉ đạo quyết liệt của thủ trưởng Bộ Tư lệnh; sự quyết tâm cao của cơ quan Quân chủng, trực tiếp là Phòng Không quân Hải quân, Phi đội EC-225 và DHC-6, Lữ đoàn 954.
Thiếu tướng Lê Minh Thành, Phó tư lệnh Hải quân cho biết: Để các máy bay hải quân bay trên bầu trời miền Bắc, chúng ta phải giải quyết một loạt “bài toán” khó, đó là hiệp đồng với các đơn vị kiểm soát không lưu như Hàng không Việt Nam, Quân chủng Phòng không - Không quân; phối hợp với các sân bay như Cam Ranh, Đà Nẵng, Kiến An để hoạt động; hiệp đồng với các quân khu có bầu trời máy bay đi qua và hạ cánh; phối hợp với các đơn vị để xác định vị trí hạ cánh, làm sạch mặt nước (đối với thủy phi cơ DHC-6)… Đặc biệt là lần đầu tiên bay chuyển sân có chiều dài bay xa, chưa quen đường bay mới, vị trí hạ cánh ở Sở chỉ huy Quân chủng, Đoàn 22 Hạ Long có những khó khăn riêng, tuy nhiên với quyết tâm cao của toàn lực lượng, chúng ta đã tổ chức để 2 loại máy bay mới, hiện đại của hải quân bay dọc, ngang biển, đảo miền Bắc, mở ra thời kỳ mới về một lực lượng đặc biệt của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Thủy phi cơ DHC-6 số hiệu VNT 777 nạp điện khởi động trước khi cất cánh.
Ngay sau khi 2 máy bay có mặt ở Sân bay quân sự Kiến An, Quân chủng đã tổ chức cho gần 400 cán bộ, chiến sĩ đến tham quan, giao lưu với 2 Phi đội. Niềm vui, niềm tự hào thể hiện rõ trên gương mặt các đại biểu đến tham quan, giao lưu. Ai cũng háo hức được lên máy bay, được chụp ảnh lưu niệm để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này. Đại úy Hoàng Văn Thuyên, Phi đội trưởng Phi đội EC-225, đồng thời là MC của Phi đội khi đón đoàn tham quan chia sẻ: Chúng tôi tự hào lắm anh ạ! Không ngờ thủ trưởng Bộ Tư lệnh và cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng quan tâm, dành nhiều tình cảm đặc biệt đối với lực lượng Không quân Hải quân như thế.
Đặc biệt, dù đang bận rất nhiều công việc, nhưng Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân cùng thủ trưởng Bộ Tư lệnh, các cơ quan Quân chủng đã trực tiếp đến thăm, động viên các phi công và kỹ thuật viên của 2 phi đội tại sân bay Kiến An và trực tiếp bay cùng máy bay EC-225 và hạ cánh tại Sở chỉ huy Quân chủng. Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân đã biểu dương, khen ngợi lực lượng Không quân Hải quân, trực tiếp là 2 Phi đội đã đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm cao, tìm ra nhiều giải pháp về huấn luyện, làm chủ VKTBKT mới, hiện đại; đồng thời cũng lưu ý cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật Không quân Hải quân tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt khó, thực hiện nền nếp chính quy, kỷ luật hàng không, huấn luyện sát yêu cầu, nhiệm vụ, sẵn sàng bay trong mọi tình huống, xứng đáng là binh chủng chiến đấu quan trọng trên hướng biển, đảo của Hải quân nhân dân Việt Nam trong tình hình mới.
Dọc ngang biển, trời miền Bắc
Đối với trực thăng EC-225, mặc dù lần đầu bay khu vực miền Bắc, đường bay mới, các địa điểm hạ cánh như Sở chỉ huy Quân chủng, Lữ đoàn 147 Hải quân đánh bộ; Đoàn An điều dưỡng 22 Hạ Long, Bãi Cháy Quảng Ninh… nhưng Cơ trưởng, Phi đội trưởng, Đại úy Hoàng Văn Thuyên và các đồng đội đều thực hiện các chuyến bay đúng kế hoạch, bảo đảm thời gian đã định, an toàn về mọi mặt. Với độ cao trung bình 300-500m, tốc độ 180-250km/giờ, máy bay EC-225 đã cất, hạ cánh 10 lần ở Sở chỉ huy Quân chủng, Lữ đoàn 147; 6 lần ở Đoàn 22. Khó nhất là hạ cánh ở Sở chỉ huy Quân chủng, bởi ở khu vực này có nhiều nhà cao tầng, địa hình phức tạp, hôm hạ cánh gió khá lớn nhưng các kíp bay đều thực hiện thành công. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân và người dân thành phố Hải Phòng nô nức đến xem EC-225 cất, hạ cánh, nhiều người xin được bay cùng.
Đối với thủy phi cơ DHC-6, dù là lần đầu bay ở khu vực miền Bắc, các vị trí hạ cánh trên mặt nước đều khá phức tạp như khu vực biển Tuần Châu, Quảng Ninh; sông Giá, Hải Phòng, song do phối hợp tốt với Lữ đoàn 170, Lữ đoàn 126 Đặc công Hải quân làm sạch mặt nước nên kíp bay do Thiếu tá Vương Đăng Nam, Phi đội trưởng làm cơ trưởng đã thực hiện thành công. Với tốc độ trung bình 200 km/giờ, độ cao từ 4.000 m xuống thấp dần 300 m, 200 m, thủy phi cơ DHC- 6 đã thực hiện 12 lần cất, hạ cánh trên mặt nước tại Tuần Châu; 8 lần tại Sông Giá bảo đảm các yêu cầu đề ra. Tại vị trí chỉ huy bay ở Tuần Châu, Chuẩn đô đốc Nguyễn Thế Ân, Phó tham mưu trưởng Hải quân cùng chỉ huy Phi đội phối hợp tốt với các đơn vị làm sạch mặt biển, chỉ huy bay bảo đảm các chuyến bay diễn ra đúng kế hoạch, an toàn về mọi mặt.
Đại tá Vũ Thanh Hải, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 170, đơn vị phối hợp làm sạch ở khu vực biển Tuần Châu khẳng định: Sự xuất hiện của lực lượng Không quân Hải quân ở bầu trời miền Bắc sẽ nâng cao khả năng hiệp đồng huấn luyện giữa tàu mặt nước với lực lượng không quân vốn có lợi thế trinh sát, tuần thám biển, chỉ thị mục tiêu, đổ bộ đường không...
Thiếu tướng Lê Minh Thành, Phó tư lệnh Hải quân khẳng định, từ quý 4 này, các máy bay Hải quân sẽ luân phiên hoạt động trên bầu trời miền Bắc, kể cả Ka-28 săn ngầm. Khi đủ điều kiện, chúng ta sẽ kết hợp quốc phòng với kinh tế, khai thác lợi thế các máy bay hiện đại để phục vụ thương mại, du lịch biển, tạo nguồn thu để tiếp tục đầu tư, mua sắm thêm phương tiện phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Đồng chí Phó tư lệnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rút kinh nghiệm kịp thời, làm tốt và tỉ mỉ hơn kế hoạch bay, công tác bảo đảm và phối hợp hiệp đồng, tuyên truyền, thi đua khen thưởng trong đợt bay đầu tiên này để tổ chức các đợt bay lần sau tốt hơn. Nhân dịp này, Quân chủng đã tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ đợt bay này.