Không phận bị xâm phạm, Không quân Philippines sẽ chỉ đứng nhìn

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Nếu xuất hiện máy bay nước ngoài trong không phận Philippines, dù là bạn bè hay kẻ địch, Không quân nước này cũng chỉ biết theo dõi chặt chẽ mà không thể làm gì khác.

Các quan chức quân đội và quốc phòng Philippines đã tuyên bố như vậy, thừa nhận rằng Không quân nước này không có khả năng đối đầu với bất cứ máy bay nào xâm phạm không phận, bởi Chính phủ của họ đã thất bại trong việc thực hiện Đạo luật hiện đại hóa quân đội năm 1995, trong đó cho phép Philipines mua 36 chiến đấu cơ đa năng.

Ai cũng biết rằng chúng tôi không có một máy bay chiến đấu nào trong biên chế. Hợp đồng mua tiêm kích FA-50 của Hàn Quốc hiện vẫn đang trong giai đoạn đàm phán”, một quan chức cấp cao cho hay.

FA-50 được cho là không thể đáp ứng những yêu cầu về hoạt động, chức năng và vũ khí nếu như so sánh với các tiêm kích đa năng
FA-50 được cho là không thể đáp ứng những yêu cầu về hoạt động, chức năng và vũ khí nếu như so sánh với các tiêm kích đa năng

Tuy nhiên, thông tin Không quân Philippines sẽ tiếp nhận các máy bay tiêm kích “ hàng đầu” FA-50 lại gặp phải những đánh giá không mấy lạc quan từ phía các phi công không quân và nhà phân tích công nghiệp quốc phòng nước này. Họ cho rằng FA-50 chỉ là những máy bay huấn luyện và không thể đáp ứng yêu cầu của một tiêm kích đa năng.

Theo Jorge Rillona, một nhà phân tích công nghiệp quốc phòng và một cựu chuyên gia về các hệ thống chiến đấu kết hợp không, hải và bộ của thủy quân lục chiến Mỹ: “FA-50 không thể đáp ứng những yêu cầu về hoạt động, chức năng và vũ khí nếu như so sánh với các tiêm kích đa năng”.

Theo Rillona, FA-50 tương tự với chiếc Aermacchi M346 của Ý, chiếc Yaklovelev-YAK130 của Nga, đây là những máy bay tiêm kích có nguồn gốc từ dòng máy bay huấn luyện tiên tiến với khả năng và lượng vũ khí hạn chế.

Rillona cho rằng Philippines cần những tiêm kích đa năng như F-16 và F-18 của Mỹ, Mirage 2000 của Pháp và MIG-29 của Nga.

Từ những năm 1950 đến 1980, Philippines có một lực lượng không quân vượt trội ở Đông Nam Á với 60 chiếc F-5 và F-8 được trang bị các tên lửa dẫn đường không đối không và không đối đất, súng máy và pháo 20mm. Trung tướng Loven Abadia, cựu Tư lệnh Không quân Philippines cho hay “Trong suốt giai đoạn này, Không quân Philippines không xếp sau một quốc gia nào trong Đông Nam Á và những máy bay của chúng tôi có thể triển khai đối đầu với các máy bay và tàu chiến xâm phạm trái phép lãnh thổ chỉ trong vài phút”.

Là một phần trong chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang, Philippines đã mua mới 8 trực thăng Sokol từ Ba Lan vào năm ngoái và mua thêm 3 chiếc khác trong tháng này cho Hải quân.

 	F-16 không được Philippines lựa chọn vì giá quá cao và chi phí bảo dưỡng không nhỏ

F-16 không được Philippines lựa chọn vì giá quá cao và chi phí bảo dưỡng không nhỏ

Thế nhưng, không những kế hoạch hiện đại hóa Không quân bằng việc mua 36 tiêm kích đa năng vẫn chưa được tiến hành mà những kế hoạch thuê ít nhất 12 chiếc F-16 cũng đã bị gác lại bởi chi phí tân trang những máy bay này quá cao.

Một quan chức cấp cao của Không quân Philippines nhận định: “Điều này đồng nghĩa với việc hiện tại chúng tôi không có máy bay tiêm kích nào. Những chiếc F-5 đã phải "nghỉ hưu" từ năm 2005”.

Khi được hỏi về quyết định chọn mua FA-50 thay vì tiêm kích đa năng F-16 và F-18, một quan chức quốc phòng cấp cao của Manila giải thích rằng Chính phủ quyết định chọn FA-50 là vì giá của F-16 và F-18 quá cao, kèm theo đó chi phí bảo dưỡng cũng không nhỏ.

Bên cạnh đó, khi được hỏi quốc gia này sẽ làm gì trong trường hợp không phận bị một máy bay nước ngoài xâm nhập, Thượng tướng Eduardo Ermita, nguyên phó Tham mưu trưởng Không quân Philippines cho hay “Chúng tôi sẽ chỉ biết quan sát chúng mà thôi”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại