Từ trước đến nay, việc Nga không ngừng gửi tàu chiến đến Địa Trung Hải đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ nhưng họ cũng bày tỏ thái độ không hề lo lắng trước nguy cơ xung đột với hạm đội “quá lỗi thời” của Nga. Tuy vậy, với hành động mới nhất ngày 16/5 vừa qua, Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Nga châm ngòi cho nguy cơ xung đột tại khu vực biển đầy nhạy cảm này.
Về sự việc này, một quan chức quốc phòng Mỹ phát biểu: “Đây là một sự biểu dương lực lượng, biểu thị quyết tâm bảo vệ lợi ích của họ tại khu vực này”. Nga tin rằng điều này sẽ làm tăng sức nặng cho tiếng nói của mình trong bàn bạc các vấn đề có liên quan đến tương lai của Syria, nâng tầm ảnh hưởng của họ ở khu vực này.
Các phương tiện truyền thông Nga cho biết, có thể Moscow sẽ ra lệnh sơ tán hàng vạn công dân Nga vẫn còn lưu lại ở Syria, còn Bộ quốc phòng và Bộ ngoại giao Nga không đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Một bài học mà người Nga nhớ mãi là trong thời kỳ Mỹ và NATO không kích Nam Tư, Nga đã không giúp đỡ chi viện được gì cho đồng minh thân thiết. Chỉ khi chiến tranh đã kết thúc Moscow mới cử 1 phân đội nhỏ cấp tốc đánh chiếm trước sân bay quốc tế Pristina - thủ phủ của Kosovo làm chỗ dựa nho nhỏ để mặc cả với NATO.
Hiện nay, ngoài Iran, Nga chỉ có đồng minh duy nhất là Syria, Nga không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước tình thế nguy hiểm của Damascus. Cho nên, Nga thường xuyên cử tàu chiến hải quân đến thăm và tổ chức diễn tập quân sự liên hợp với Syria, đồng thời Nga còn tuyên bố với cộng đồng quốc tế, mình còn có rất nhiều lợi ích to lớn ở quốc gia này.
Thời điểm này, Nga cũng không còn là mớ hỗn độn sau khi Liên Xô sụp đổ, với thực lực quân sự đã có những bước tiến vượt bậc, chắc chắn Nga sẽ không còn những hành động yếu ớt trong giải quyết các vấn đề liên quan mật thiết đến lợi ích then chốt của mình nữa. Nhìn từ góc độ này, chắc chắn Moscow sẽ chi viện, giúp đỡ tích cực cho Damascus và sẽ đưa ra các hành động mạnh mẽ để ngăn cản sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Syria.
Syria là nước duy nhất mà Nga có căn cứ quân sự ở khu vực Trung Đông. Căn cứ hải quân Tartus tuy quan trọng nhưng cũng chưa đạt tới tầm chiến lược vì dù sao nó cũng chỉ đơn thuần là căn cứ hậu cần, kỹ thuật đảm bảo cho lực lượng hải quân Nga hoạt động tại khu vực Địa Trung Hải.
Thế nhưng, sự tồn tại của nó là vấn đề quan trọng trong chiến lược quân sự của Moscow, còn căn cứ Tartus tức là còn sự hiện diện quân sự của Nga tại khu vực này, chế độ hiện thời của Syria sụp đổ, liệu chính phủ mới thân phương Tây có còn để Nga đặt căn cứ tại đó không? Một khi đã mất chỗ đứng chân cuối cùng, liệu đến bao giờ Nga mới lại khôi phục được địa vị của mình ở Trung Đông?
Có thể khẳng định, nếu chế độ thân Moscow của tổng thống Adsad sụp đổ, Tehran cũng sẽ chịu chung số phận, Nga sẽ bị hất cẳng ra khỏi Trung Đông không hẹn ngày trở lại., Đến bao giờ họ mới tìm lại được ảnh hưởng to lớn của của Liên Xô cũ đối với Ai Cập, Syria, Iran, Iraq, Jorrdan…? Vì vậy, đây có thể là ván bài cuối cùng mà Nga phải chơi tới cùng ở khu vực này.
Hơn 20 năm qua, sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, người Nga đau lòng nhìn Mỹ và NATO “làm cỏ” dần đồng minh hoặc các nước có thiện cảm với Liên Xô cũ. Lần lượt Nam Tư, Apganixtan, Iraq, Lybia… bị Mỹ và NATO tiêu diệt; hiện giờ Syria, Iran, Triều Tiên cũng đang nằm trong tầm ngắm trực tiếp và còn một số nước khác như Trung Quốc, Cuba, Venezuela, Bolivia, Paragoay, Nicaragua… cũng là mục tiêu lâu dài của Mỹ.
Cùng với chiến lược bành trướng về phía đông của NATO và sự quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, Nga hiểu rằng, nếu không ra tay mạnh mẽ, tham vọng trở lại với thời kỳ huy hoàng như thời Liên Xô cũ sẽ tan thành mây khói, họ sẽ trở thành “người khổng lồ cô độc”.