Ngày 27/10/2013, truyền thông Trung Quốc đã công bố công khai những hình ảnh của các tàu ngầm lớp Xia, thế hệ tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Bắc Kinh.
Xem: Trung Quốc lần đầu giải mật hạm đội tàu ngầm hạt nhân
Mấy ngày gần đây, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đồng loạt cho đăng tải những bức ảnh và nội dung tiết lộ về lực lượng tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của nước này. Đây là lực lượng mũi nhọn của quân đội Trung Quốc, là lực lượng chiến lược có tới 42 năm kinh nghiệm.
Với những hình ảnh về đội tàu ngầm hạt nhân được công bố cùng thời điểm với cuộc tập trận rầm rộ mang tên "Cơ động số 5" ở Tây Thái Bình Dương, rõ ràng Trung Quốc đang muốn “khoe cơ bắp” cho cả thế giới, đặc biệt là Nhật Bản hiểu rõ sức mạnh quân sự của mình.
Hình ảnh về lực lượng tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc.
Tờ United Daily News của Đài Loan nhận định Trung Quốc đang thể hiện rằng mình có một “giấc mơ cường quốc”.
Trang Wenweipo của HongKong đánh giá, lần đầu tiên Trung Quốc công khai công bố một lượng lớn hình ảnh và thông tin về đội quân bí mật 42 năm tuổi của mình. Tàu ngầm hạt nhân là lực lượng nòng cốt của quân đội Trung Quốc, và cũng là lực lượng mũi nhọn của nhiều cường quốc hải quân khác trên thế giới. Tờ báo đặt câu hỏi tại sao Bắc Kinh không chọn ngày lễ đặc biệt nào mà lại công bố đội tàu ngầm hạt nhân vào thời điểm này?
Theo Wenweipo, thời điểm Bắc Kinh lựa chọn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt là trong bối cảnh Nhật Bản mới đây tuyên bố sẽ bắn hạ các máy bay do thám không người lái của Trung Quốc nếu nó xâm phạm không phận, đồng thời chuẩn bị cho cuộc diễn tập chiếm đảo.
Động thái này của Nhật Bản bị Trung Quốc cho là “khởi nguồn chiến tranh” , đồng thời Bắc Kinh ngay lập tức cho tập trận cực lớn ở Tây Thái Bình Dương. Việc vấp phải sự trở lại mạnh mẽ của quân đội Nhật Bản, cùng sự phức tạp ở Biển Đông, nơi có sự tranh chấp với các nước Đông Nam Á đang dần đưa Trung Quốc vào thế bị động. Vì thế, “khoe cơ bắp” là hành động dễ hiểu của Trung Quốc vào thời điểm này.
Trang tin Financial Times của Anh phân tích, sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc là khởi nguồn cho các biến động về chiến lược quân sự ở vùng Tây Thái Bình Dương thế kỷ 21. Nước này nhận thấy lợi ích ở khắp các vùng trên thế giới, và quyết tâm trở mình từ đất nước khép kín thành một quốc gia có thế mạnh trên biển, tận dụng đường biển để vươn ra khắp thế giới. Quân đội Trung Quốc lâu nay bị trói buộc ở vùng Tây Thái Bình Dương, giờ đây đang thể hiện rõ ý đồ bành trướng thoát khỏi vòng kiềm chế lâu nay.
Tờ Wall Street Journal của Mỹ cho rằng, với sự có mặt của quân đội Mỹ sau khi xác định lại trọng tâm chiến lược là Châu Á Thái Bình Dương, trong thời gian ngắn trước mắt, Trung Quốc sẽ cố gắng không để các nước vốn có tranh chấp về lãnh thổ trên biển với mình cảm thấy tự tin hơn. Họ sẽ dùng mọi cách để uy hiếp và giành lợi thế trước mắt. Mục tiêu lâu dài hơn nữa của Bắc Kinh là ngăn cản Mỹ bằng các biện pháp như áp lực kinh tế và nợ công để giảm thiểu sự có mặt của nước này, hoặc chí ít khiến người Mỹ cảm thấy khó khăn khi duy trì quá lâu ở đây.
Báo Zaobao của Singapore cho biết, nhiều chuyên gia đánh giá mục đích cuộc tập trận “Cơ động số 5” của Trung Quốc cùng động thái tiết lộ lực lượng tàu ngầm hạt nhân là muốn “dằn mặt” Mỹ - Nhật - Hàn, khi 3 nước này vừa thực hiện cuộc tập trận trên biển Hoàng Hải. Tuy nhiên, một cuộc tập trận đơn thuần khó có thể trở thành đối trọng với cả 3 nước, nên nhiều ý kiến nhận định rằng những động thái gần đây của Bắc Kinh có đích nhắm chính là Nhật Bản, mà điển hình là cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Đối thủ này có vẻ "vừa sức” với Trung Quốc hơn, và rõ ràng Trung Quốc có vẻ cũng đã sẵn sàng để “đụng độ” với Nhật Bản trong một ngày không xa.