Như đã từng đề cập ở bài trước, tàu hộ vệ tên lửa Steregushchy mới là đối tượng được phía Nga chào hàng cho Việt Nam trước khi chúng ta chính thức ký hợp đồng đặt mua khinh hạm Gepard 3.9.
Việc Việt Nam sau đó tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến lớp chiến hạm hiện đại SIGMA 9814 của phương Tây mà bỏ qua bản nâng cấp của Steregushchy được cho là vì tồn tại một số vướng mắc liên quan đến giấy phép sản xuất hay công nghệ đóng tàu theo tổng đoạn có độ linh hoạt kém.
Nhưng gần đây, sau khi báo chí Nga đưa tin Việt Nam vẫn chưa quyết định mua tàu SIGMA và sự xuất hiện của mô hình tàu hộ vệ tên lửa Dự án 20382 tại Triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội 2015 đã dẫn đến nhận định rất có thể cơ hội lại được mở ra với khinh hạm Steregushchy.
Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Dự án 20382 trưng bày tại Triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội 2015
Steregushchy - Dự án 20380, thế hệ tiếp theo của tàu hộ vệ tên lửa lớp Grisha do nhà máy Severnaya Verf và Komsomolsk Shipyard đóng cho Hải quân Nga là lớp khinh hạm tàng hình đa năng rất tiên tiến.
Tàu được thiết kế phù hợp với hoạt động tại vùng duyên hải gần bờ, có thể thực hiện tốt mọi nhiệm vụ từ chống hạm, chống ngầm, phòng không đến hỗ trợ đổ bộ.
Chiếc đầu tiên của lớp mang số hiệu 530 được khởi đóng từ năm 2001 và chính thức vào biên chế Hải quân Nga năm 2007.
Thông số kỹ thuật cơ bản của Steregushchy: Chiều dài 104,5 m; chiều rộng 11,6 m; mớn nước 3,7 m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 1.800 tấn, đầy tải 2.200 tấn; thủy thủ đoàn 90 người.
Tàu được trang bị 2 động cơ CODAD (kết hợp diesel-diesel) với 4 máy Kolomna 16D49 có công suất 23.664 mã lực (17,6 MW) cho tốc độ tối đa 27 hải lý/h (50 km/h), tầm hoạt động 3.800 hải lý (7.000 km) khi chạy ở tốc độ kinh tế 14 hải lý/h (26 km/h).
Hệ thống điện tử của Dự án 20380 gồm radar trinh sát đường không Furke 2, radar tìm kiếm bề mặt Garpun Bal, radar kiểm soát hỏa lực pháo 5P-10E Puma, hệ thống định vị thủy âm Zarya-M, hệ thống dẫn đường tích hợp GORIZONT-25 và hệ thống tác chiến điện tử TK-25E-5.
Vũ khí trang bị của Steregushchy gồm pháo hạm A-190 cỡ 100 mm, 8 tên lửa hành trình đối hạm 3M24 Uran, 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M, 8 ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Paket-NK, 2 súng máy hạng nặng 14,5 mm.
Tên lửa phòng không là điểm làm nên sự khác biệt giữa các biến thể khinh hạm Steregushchy, nếu như Dự án 20830 được trang bị 1 module Kashtan bố trí phía trước tàu thì đến Dự án 20381, vị trí đó đã được thay bằng 12 ống phóng thẳng đứng của tên lửa 9M96 thuộc hệ thống Redut.
Còn trên Dự án 20382 (Tigr) được Nga thiết kế cho mục đích xuất khẩu, khách hàng có thể lựa chọn hệ thống phòng không Shtil-1 với đạn tên lửa 9M317ME hoặc module hệ thống CIWS Kashtan hoặc Palma (như trên mô hình trưng bày tại triển lãm).
Hiện tại vẫn là quá sớm để có thể đi đến kết luận Việt Nam đã chính thức lựa chọn khinh hạm thuộc Dự án 20382.
Tuy nhiên với việc xuất hiện mô hình của nó ở gian trưng bày vũ khí, khí tài hiện đại có trong biên chế của Hải quân Việt Nam bên cạnh Gepard 3.9, Molniya 1241.8 hay Kilo 636 cho thấy cơ hội để lớp chiến hạm tiên tiến này hiện diện tại Việt Nam lại trở nên sáng sủa hơn bao giờ hết.
Thậm chí chúng ta có thể nghĩ tới khả năng là cặp tàu Gepard 3.9 cuối cùng sẽ chuyển đổi thành Tigr và được đóng tại Việt Nam.