Trong bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), nhà phân tích Kyle Mizokami đã đưa ra những dự đoán về kết quả cuộc đối đầu giữa tiêm kích J-20 Trung Quốc và F-15J Nhật Bản nếu cả 2 phía xảy ra xung đột.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản dâng cao, máy bay quân sự 2 phía xảy ra nhiều vụ chạm trán hơn.
Một số tiêm kích Su-27 của Không quân Trung Quốc (PLAAF) từng áp sát máy bay Nhật Bản tại Hoa Đông, khiến các chiến đấu cơ F-15 tại căn cứ Okinawa phải xuất kích khẩn cấp.
Những vụ chạm trán này dường như đã trở thành thường lệ và có thể sẽ tiếp diễn trong tương lai gần, khi tiêm kích thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc đi vào hoạt động cuối thập kỷ này.
Trong khi đó, Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì hoạt động các máy bay chiến đấu F-15J Eagle.
Trong quá khứ, Bộ Quốc phòng Nhật Bản từng có ý định thay thế F-15 bằng các tiêm kích F-22 Raptor nhưng không thực hiện được do Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cấm xuất khẩu F-22.
Tương quan sức mạnh F-15J và J-20
Lô F-15J đầu tiên được chuyển giao cho Nhật Bản vào năm 1981. Mẫu máy bay này do Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries (Nhật Bản) sản xuất theo giấy phép.
Tiêm kích F-15J Nhật Bản
Về cơ bản, nó giống với mẫu F-15 của Mỹ, ngoại trừ thiết bị cảnh báo radar và tổ hợp thiết bị đối kháng điện tử mà Washington từ chối cung cấp.
F-15J ban đầu trang bị các tên lửa không-đối-không AIM-9 Sidewinder và tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động AIM-7 Sparrow – sau đó thay thế bằng loại không-đối-không tầm trung tiên tiến AIM-120. Ngoài ra, vũ khí trên F-15J còn có pháo 20mm M61.
Quân đội Nhật Bản đã tiếp nhận 223 chiếc F-15, trong đó 8 chiếc mất do tai nạn.
F-15J đã phục vụ quân đội Nhật Bản trong thời gian dài.
Vào đầu những năm 2000, Tokyo đã tiến hành một chương trình nâng cấp để bổ sung cho tiêm kích này tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại mới (AAM-3 và AAM-5), động cơ cải tiến, radar AN/APG-63 (V)1 nâng cấp.
Ngoài ra, phiên bản nâng cấp có khả năng mang được các tên lửa dẫn đường bằng radar AAM-4B và được bổ sung các thiết bị đối kháng điện tử cải tiến, cảm biến tìm kiếm và theo dõi bằng hồng ngoại.
Tuy nhiên, gói nâng cấp này rất tốn kém và chỉ được áp dụng cho chưa đầy 10 chiếc F-15J mỗi năm. Cho tới nay, mới khoảng một nửa số F-15J của Nhật Bản được nâng cấp.
Trong khi đó, "con rồng Trung Hoa" J-20 Trung Quốc là một bí ẩn. Đây là tiêm kích thệ 5 đầu tiên của nước này, được tiết lộ lần đầu vào năm 2011.
Với 2 động cơ, 1 chỗ ngồi, có các cánh mũi và khả năng tàng hình, J-20 được đánh giá là dài hơn một chút so với F-15J.
Nó có thân dài, rộng để chứa nhiều vũ khí bên trong thân và dự trữ nhiên liệu.
Tiêm kích thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc
Có vẻ J-20 có tới 3 khoang chứa vũ khí bên trong thân, trong đó 2 khoang nhỏ hơn để chứa tên lửa tầm ngắn và 1 khoang lớn dành cho các tên lửa không-đối-không tầm xa cùng các vũ khí không-đối-đất.
J-20 trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA), cho phép nó phát hiện mục tiêu từ khoảng cách xa và tấn công chúng với các tên lửa dẫn đường bằng radar.
Các nguyên mẫu mới có vẻ còn được lắp đặt hệ thống tìm kiếm và theo dõi mục tiêu hồng ngoại, thiết bị chỉ thị mục tiêu quang-điện tử cho các nhiệm vụ tấn công không-đối-đất.
Vai trò chính xác của J-20 vẫn chưa rõ ràng. Mẫu máy bay này có vẻ được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tầm xa.
Nó có thể giống như MiG-31, tiêm kích đánh chặn tốc độ cao của Nga là tìm cách bắn hạ các máy bay tiếp dầu, máy bay cảnh báo sớm, máy bay do thám, thu thập thông tin tình báo của đối phương.
Ngoài ra, nó có thể được trang bị để trở thành máy bay ném bom hạng trung tầm xa, như chiếc F-111 của Mỹ, có khả năng tấn công các mục tiêu như Okinawa và các căn cứ trên khắp Nhật Bản.
Nếu J-20 và F-15J đối đầu...
Nếu giả sử J-20 được trang bị các loại vũ khí để trở thành máy bay chiến đấu tầm xa chiếm ưu thế trên không thì khi đối đầu F-15J Nhật Bản, kết quả sẽ ra sao?
Trong trường hợp các nhà thiết kế Trung Quốc giảm được diện tích phản xạ radar của J-20 thì F-15J sẽ gặp khó khăn trong việc phát hiện mục tiêu ở tầm xa hơn.
Bên cạnh đó, do F-15J không có khả năng tàng hình nên với radar hiện đại, J-20 sẽ dễ dàng phát hiện ra chiếc máy bay của Nhật.
Điều này là bất lợi lớn cho F-15J khi phải giao chiến bên ngoài tầm nhìn, nhất là khi J-20 trang bị các tên lửa PL-15.
Loại tên lửa này được Trung Quốc thử nghiệm thành công vào tháng 9/2015, được tích hợp đầu dò radar chủ động và động cơ mới giúp tăng tầm bắn.
Tuy nhiên, khi giao chiến tầm gần, F-15J có lợi thế hơn. Động cơ trên J-20 được đánh giá còn khá yếu, ít nhất là ở hiện tại, trong khi đó F-15J lại có tỷ lệ lực đẩy trên khối lượng rất hoàn hảo.
Gia đình máy bay chiến đấu F-15 nổi tiếng là những chiến binh cận chiến vô song, lực đẩy vượt trội và độ cơ động tuyệt vời cho phép nó giành lợi thế về vị trí trước đối thủ.
Một điểm cuối cùng cần cân nhắc, đó là cho tới nay, J-20 chưa được trang bị pháo.
Mặc dù các chuyên gia không quân vẫn chưa thống nhất quan điểm về hiệu quả của pháo trên máy bay chiến đấu nhưng trong tình huống không chiến tầm gần, pháo M61 trên F-15J sẽ tỏ ra rất hữu ích.
Nhìn chung, khi so sánh chiến đấu cơ J-10 Trung Quốc và F-2 Nhật Bản, lợi thế tầm gần thuộc về J-10 còn lợi thế tầm xa thuộc về F-2. Tuy nhiên, khi xét tới các tiêm kích chiếm ưu thế trên không như J-20 và F-15J, cục diện đã thay đổi.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Kyle Mizokami
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA