Mỹ "mất ngủ" vì tên lửa PL-15
Tờ Daily Beast (Mỹ) đăng bài viết cho hay:
Không quân Mỹ, lực lượng không quân hùng mạnh nhất trên thế giới sẽ không là gì nếu như họ thiếu tự tin. Do đó, rất hiếm khi thấy các chỉ huy cấp cao của lực lượng này công khai cảnh báo về một loại vũ khí cụ thể của đối phương.
Chính vì vậy, Tướng Herbert Carlisle, chỉ huy Bộ Tư lệnh tác chiến của Không quân Mỹ, đã đặt ra một vấn đề không hề nhỏ khi 2 lần đề cập tới những lo ngại về loại tên lửa không đối không mới của Trung Quốc hồi giữa tháng 9 vừa qua.
Tên lửa mới của Trung Quốc có tên PL-15, được trang bị đầu dò radar tinh vi và động cơ mạnh mẽ, giúp nó có thể tấn công các mục tiêu cách xa xấp xỉ 100km hoặc hơn.
“Hãy quan sát đối thủ của chúng ta và thứ mà họ đang phát triển, những vũ khí như PL-15 và tầm bắn của tên lửa này” - Tướng Carlisle đề cập trong bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS tại Washington hôm 15/9.
Đây cũng là ngày có thông tin Trung Quốc đã bắn thử tên lửa PL-15 lần đầu tiên.
“Chúng ta đối phó với tên lửa đó bằng cách nào và chúng ta sẽ tiếp tục làm gì để vô hiệu hóa mối đe dọa đó” - Tướng Carlisle đặt câu hỏi.
Tiêm kích J-11 nâng cấp có thể mang tới 14 tên lửa
Hiện nay, có thể nhận thấy rõ ràng rằng PL-15 là một loại tên lửa tinh vi, song chưa rõ tên lửa này có thực sự vượt trội các vũ khí không đối không của Mỹ hay không.
Khả năng mang tên lửa thua Trung Quốc
Trên thực tế, điều khiến Tướng Carlisle và Bộ Tư lệnh tác chiến không quân Mỹ lo ngại không chỉ là khả năng của PL-15. Còn một vấn đề khác, đó là: Không quân Trung Quốc có thể phóng bao nhiêu tên lửa PL-15 trong 1 lần?
Thiếu tá Michael Meridith, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh tác chiến Không quân Mỹ cho biết:
“Chúng tôi quan tâm nhiều đặc tính của PL-15, như tải trọng, hệ thống dẫn đường, loại đầu đạn, khả năng di chuyển, đối phó với các biện pháp đối kháng, độ tin cậy, tốc độ, tầm bắn… và các khả năng khác của nó".
Đáng lưu ý là nhờ được nâng cấp, tiêm kích J-11 (phiên bản "made in China" của chiến đấu cơ Flanker Nga) có thể mang tới 14 tên lửa, gồm 12 tên lửa cỡ như PL-15 và 2 tên lửa nhỏ hơn.
Trong khi đó, với cấu hình thông thường, tiêm kích F-22 của Mỹ chỉ mang được tối đa 6 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa Sidewinder với tầm bắn ngắn hơn.
Đó là do, kể từ thời Chiến tranh Lạnh, thiết kế máy bay chiến đấu của Mỹ tập trung vào khả năng tàng hình để tránh bị radar đối phương phát hiện. Nhằm giảm diện tích phản xạ radar, vũ khí trên máy bay được bố trí tại các khoang chứa bên trong thân.
Tuy nhiên, các khoang chứa này sẽ mang được ít vũ khí hơn so với các giá treo dưới cánh và thân, như thiết kế của chiến đấu cơ Trung Quốc.
"Tàng hình" mang lại lợi thế trong một số tình huống nhất định nhưng trong cuộc đối đầu trực diện, nó sẽ gây ra bất lợi về số lượng vũ khí.
Như trong trường hợp F-22 và J-11, tiêm kích của Mỹ thua kém đối thủ Trung Quốc tới 6 tên lửa.
Tình huống còn tệ hơn khi do chi phí cao, Không quân Mỹ chỉ trang bị 195 chiếc F-22. Trong khi đó, Trung Quốc có không dưới 300 tiêm kích giá rẻ J-11 và còn có thêm hàng trăm máy bay chiến đấu J-10 cùng nhiều loại chiến đấu cơ khác.
Không quân Mỹ hài lòng với khả năng mang ít vũ khí hơn của F-22, bởi họ cho rằng khả năng tránh bị phát hiện sẽ giúp máy bay khó bị tấn công hơn, từ đó vô hiệu hóa phần nào lợi thế hỏa lực của đối phương.
Tuy nhiên, theo Tướng Carlisle, Không quân Mỹ có quá ít máy bay F-22. Ông cho rằng quyết định ngưng sản xuất F-22 mà Lầu Năm Góc đưa ra năm 2009 là "sai lầm lớn nhất từ trước đến nay".
F-22 và F-35 tuy có lợi thế tàng hình nhưng mang được quá ít vũ khí
Để duy trì ưu thế trước quân đội Trung Quốc và các đối thủ tiềm năng khác, Lầu Năm Góc có kế hoạch trang bị hàng trăm chiến đấu cơ thế hệ mới F-35. Song, với cấu hình tàng hình, F-35 thậm chí còn mang được ít tên lửa hơn cả F-22, với chỉ 2 tên lửa AIM-120.
“PL-15 chỉ là một trong những mối lo ngại”, chuyên gia phân tích Peter Goon của Tổ chức tư vấn Air Power Australia nhận định, "điều đáng lo ngại hơn là tiêm kích F-35A chỉ có thể mang 2 tên lửa AIM-120 - đây sẽ là vấn đề khiến Tướng Carlisle 'mất ngủ'".
Theo Goon, không khó hình dung kết quả nếu các phi đoàn tiêm kích Mỹ giao chiến với các phi đoàn chiến đấu cơ Trung Quốc, khi chúng có thể mang số lượng tên lửa nhiều hơn gấp 7 lần máy bay Mỹ và mỗi tên lửa này đều ngang ngửa với loại tiên tiến nhất của Mỹ.
Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi một công ty của Mỹ đang đề nghị trang bị thêm tên lửa cho một số máy bay cũ hơn của Không quân Mỹ.
Vào cùng ngày Tướng Carlisle bày tỏ sự lo lắng về PL-15, hãng Boeing đã đề xuất bổ sung vũ khí mới cho các tiêm kích F-15, trong đó tăng gấp đôi số tên lửa AIM-120 trên máy bay này lên 16 quả, thậm chí nhiều hơn 2 tên lửa so với tiêm kích J-11 nâng cấp.
Hiện tại, Không quân Mỹ vẫn duy trì hơn 200 tiêm kích F-15 từ những năm 1970 và một số máy bay tác chiến không đối không từ những năm 1980.
Mặc dù chúng không có khả năng tàng hình như F-22 nhưng theo Tướng Carlisle, 2 loại máy bay này có thể kết hợp tác chiến, trong đó F-22 giữ vai trò “tiền vệ”, phát hiện và lựa chọn mục tiêu để F-15 tiêu diệt.
Hiện nay, với việc Trung Quốc phát triển được loại tên lửa ngang ngửa vũ khí đối không của Mỹ và khả năng chiếm ưu thế về số lượng tên lửa khi giao chiến, thì ý tưởng của Boeing có thể là cách tốt nhất để đối phó hiệu quả với mối đe dọa này.